Sông Hồng đoạn qua Sơn Tây, Ba Vì "oằn mình" gồng gánh bãi vật liệu xây dựng

Văn Hoàng - Quang Minh Chủ nhật, ngày 05/11/2023 10:23 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý vi phạm tại các bến bãi nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Ba Vì và Thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Tuy nhiên, đến nay hiện trạng vi phạm không thay đổi, bãi cát, sỏi chất đống, có cao trình gần bằng mặt đê Hữu Hồng.
Bình luận 0

Nhiều bãi cát sỏi trên hành lang đê Hữu Hồng chưa có quy định pháp lý

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt vào tháng 10/2023, tại bãi đất ven sông Hồng (Km 20+ 300 và Km 20+ 600 đê Hữu Hồng), thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội xuất hiện nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm ngay ven sông Hồng, vi phạm không gian thoát lũ. Nhiều máy xúc, xe ô tô tải được tập kết tại đây. Thỉnh thoảng dưới chân đê Hữu Hồng xuất hiện những chiếc xe "hổ vồ" chạy vào bãi tập kết vật liệu "ăn hàng" rồi rời đi ngay sau đó.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến cuối tháng 6/2023, các khu vực hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhiều nhất xảy ra ở tuyến đê Hữu Hồng. Cụ thể, 12/14 vi phạm xảy ra ở các xã Thái Hòa, Phong Vân, Phú Cường, Tân Hồng, thị trấn Tây Đằng, Chu Minh (trong đó có 3 công ty đang hoạt động, 9 cá nhân vi phạm).

Các bãi vật liệu nêu trên chưa hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ liên quan đến quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, trong đó vi phạm nhiều nhất ở các điểm Km20 đến Km 23+10; Km 3 đến Km3+250; Km 9+600 và Km 10+600...

Gần đây nhất, ngày 03/08/2023, Ủy ban nhân dân phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều đối với các ông Đặng Văn Vịnh, Ngô Văn Hải, Lê Xuân Hiền, Phạm Văn Hưng và bà Hoàng Thị Hồng Phương, Vũ Thị Xuân về các hành vi như để vật liệu ở lòng sông, bãi sông và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp khắc phục xử lý. 

Sông Hồng "oằn mình" gồng gánh những bãi vật liệu xây dựng thách thức thiên tai - Ảnh 1.

Bãi vật liệu nằm trên hàng lang thóat lũ sông Hồng, thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra các cá nhân vừa nêu trên đã để vật liệu xây dựng tại khu vực bãi sông tương ứng với vị trí KM30 đến KM30 + 600, với khối lượng cát vàng và cát đen từ 22m3 đến 25m3 đối với mỗi hộ. Sau đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị này khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu.

Trong văn bản mới đây, ngày 27/6/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hà Nội đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện Ba Vì và Ủy ban nhân dân các xã thường xuyên kiểm tra diễn biến công trình đê, kè, bờ bãi sông trên địa bàn; kiểm tra rà soát các công trình thi công liên quan đến đê điều… kiểm soát chặt chẽ tình trạng xây dựng công trình nhà cửa trên bãi sông.

Đối với công tác xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm về pháp luật đê điều trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp với sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý, giải tỏa vi phạm, kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật về các vụ vi phạm tồn đọng, đặc  biệt là các vi phạm liên quan đến tập kết vật liệu xây dựng ở bãi sông gây cản trở dòng chảy thoát lũ.

Ngoài công tác tuyên truyền, tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, thực hiện đúng đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật, bám sát địa bàn.

Sông Hồng "oằn mình" gồng gánh những bãi vật liệu xây dựng thách thức thiên tai - Ảnh 2.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm về pháp luật đê điều trên địa bàn.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh theo đúng thẩm quyền, có giải pháp, biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới.

Khó xử lý dứt điểm các điểm vi phạm... vì chưa có hướng dẫn cụ thể?!

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, trên địa bàn huyện có 23 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, qua rà soát có 14 bãi vật liệu xây dựng phù hợp với tiêu chí của TP.Hà Nội, trong đó có những tiêu chí cơ bản như là phải cách xa khu dân cư, có đường vào bãi, cách đỉnh kè đê, không làm ảnh hưởng tới đê, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Năm 2018, liên ngành gồm Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đi kiểm tra trên toàn địa bàn thành phố. Sau đó, cơ quan chức năng có những đánh giá, rà soát thì thấy có 14 điểm đạt những tiêu chí nêu trên.

"Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Vì còn 10 điểm không phù hợp với các tiêu chí của TP.Hà Nội đề ra, hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đang chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc ngăn chặn, giải tỏa các điểm vi phạm này.

Ngoài ra, hằng năm, TP.Hà Nội cũng phối hợp với công an, Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai Hà Nội Hà Nội cùng nhau rà soát, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị giảm tải, hạ chiều cao bãi vật liệu trước khi mùa mưa lũ đến. Huyện Ba Vì cũng thành lập một đoàn liên ngành yêu cầu các chủ bãi hạ tải, giảm tải, thực hiện đúng yêu cầu của TP.Hà Nội", vị cán bộ Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì thông tin.

Theo vị này, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội cũng cực kỳ quan tâm tới các điểm này bởi các điểm này thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc bãi hoạt động chưa được chính quy. Năm 2020 và 2022, đoàn của Hội đồng nhân dân đã thực hiện việc giám sát xem các cơ quan ban ngành thực hiện kết quả như thế nào. 

Và qua đó, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã chỉ ra trách nhiệm của từng đơn vị, kiến nghị Hà Nội chỉ đạo các ngành xử lý. Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, một số điểm không đảm bảo tiêu chí đã cơ bản thực hiện giải tỏa.

Sông Hồng "oằn mình" gồng gánh những bãi vật liệu xây dựng thách thức thiên tai - Ảnh 3.

Bãi vật liệu xây dựng nằm ngay ven đê Hữu Hồng, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Để giải quyết dứt điểm những vi phạm tồn tại trong hành lang thoát lũ sông Hồng, cuối năm 2022, đầu năm 2023, TP.Hà Nội đã giao cho sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp, hướng dẫn huyện xử lý các bãi còn tồn tại xử lý theo quy định.

"Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa có một hướng dẫn chính thức nào. Còn các chủ bãi đang hoạt động cũng mong muốn có một hướng dẫn đồng bộ để thực hiện đảm bảo đúng quy định"", vị cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường huyện Ba Vì nói thêm.

Cũng theo vị cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường huyện Ba Vì, đối với các điểm không đảm bảo tiêu chí, huyện đều có những đề nghị chủ bãi dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục, đến mùa mưa lũ, chủ bãi phải hạ tải, không làm ảnh hưởng đến đê kè, hành lang thoát lũ. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu phát sinh xã hội, cấp trên chưa có đầu mối hướng dẫn nên chưa xử lý triệt để được.

Còn đối với các bãi tập kết vật liệu tại Km20+300 và Km20+600 (của Công ty cổ phần Quảng Tây), khu vực này có diện tích khoảng 6.000 m2. Khu vực này cũng chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường...

Đối với các vi phạm tại địa bàn thị xã Sơn Tây, phóng viên Dân Việt đã đặt giấy giới thiệu kèm nội dung làm việc tại Văn phòng Thị xã Sơn Tây từ ngày 7/9/2023, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem