Sửa đổi Nghị định 10, lo ngại tái phát mua bán "lốt xe": Cơ quan soạn thảo nói gì? (Bài 3)

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 13/10/2023 08:00 AM (GMT+7)
Là cơ quan soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng QLVTPT và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927/2022 của Bộ GTVT.
Bình luận 0

Ngăn chặn "xe dù bến cóc"

Như Dân Việt đã thông tin, về việc vấn nạn "xe dù bến cóc": Sửa luật và nỗi lo chồng chéo, cơ chế xin cho, khi Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT khẳng định: "Nghị định 10 đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt quản lý kinh doanh vận tải. Bộ GTVT đề xuất các quy định xử lý "xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định", "xe ghép, xe tiện chuyến.

Là cơ quan soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP sẽ thay đổi phương thức thực hiện quản lý mạng lưới tuyến cố định bằng việc số hóa công tác đề xuất tuyến mới, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định thông qua phần mềm quản lý tuyến của Bộ GTVT.

Sửa đổi Nghị định, lo ngại tái phát mua bán "lốt xe": Cơ quan soạn thảo nói gì? (Bài 3) - Ảnh 1.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Cục ĐBVN

Ông Thuỷ giải thích, thay vì như hiện nay các sở GTVT phải gửi đề xuất danh mục tuyến bằng văn bản để Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT công bố, Sở GTVT sẽ trực tiếp cập nhật trên phần mềm quản lý tuyến cố định toàn quốc của Bộ GTVT để đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian phải tổng hợp, rà soát thủ công đối với từng tuyến như hiện nay.

"Với quy định này thì việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927/2022 của Bộ GTVT. Quy định tại dự thảo mang tính nguyên tắc, khi Nghị định ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư", ông Thủy khẳng định.

Cũng theo ông Thuỷ, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP) đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, phù hợp với những quy định mới của pháp luật.

Sửa đổi Nghị định, lo ngại tái phát mua bán "lốt xe": Cơ quan soạn thảo nói gì? (Bài 3) - Ảnh 2.

Cần có cơ chế thu hút hành khách tới bến xe. Ảnh: TA

Giám sát chặt chẽ qua thiết bị camera

Ông Thuỷ cho biết, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị kinh doanh vận tải; cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại.

Đồng thời, người dân và đơn vị vận tải có thể đăng ký nộp hồ sơ qua mạng và nhận kết quả tại nhà trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT và của tỉnh; đồng thời tiếp tục siết chặt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải.

Việc quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera của xe ô tô trên Hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT đã giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của đơn vị vận tải, chủ xe, phục vụ công tác điều tra an ninh trật tự, công tác quản lý thuế và công tác phòng chống buôn lậu.

Sửa đổi Nghị định, lo ngại tái phát mua bán "lốt xe": Cơ quan soạn thảo nói gì? (Bài 3) - Ảnh 3.

Cần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, ngăn chặn xe dù bến cóc. Ảnh: TA

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, việc quản lý các xe kinh doanh vận tải hành khách rất phức tạp và cần phải đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để làm rõ các quy định.

"Hoạt động kinh doanh vận tải có nhiều góc cạnh khác nhau, địa phương sẽ quản lý theo hướng của địa phương", ông Liên chia sẻ.

Ông Liên lấy ví dụ: Xe khách từ tỉnh này đi qua tỉnh khác đều phải xin ý kiến đi qua tuyến đường của địa phương đó, nếu không được đồng ý sẽ không được đi qua. Như vậy, nếu để các Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh sẽ rất phức tạp.

Do đó, Bộ GTVT phải là cơ quan quản lý nhà nước đứng ra xây dựng điều chỉnh danh mục tuyến cố định. Nếu để địa phương làm việc này, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thậm chí doanh nghiệp, người dân phải chạy đi nhiều cửa để xin giấy tờ, sẽ có nguy cơ xảy ra tiêu cực "mua bán lốt".

Ông Liên cho rằng: "Bộ GTVT phải chủ trì xây dựng, điều chỉnh phân luồng tuyến vận tải liên tỉnh cố định, có như vậy mới bớt giảm đi các thủ tục và hạn chế việc doanh nghiệp phải chạy đi nhiều cửa để xin lốt, xin luồng tuyến".

Vấn nạn "xe dù bến cóc": Sửa luật và nỗi lo chồng chéo, cơ chế xin cho. Nguồn: Dân Việt



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem