Sức khỏe của thị trường bất động sản trong tình trạng “bất ổn”

08/06/2023 18:32 GMT+7
Từ đầu năm 2022 đến hết quý I/2023 thị trường bất động sản luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân. Cùng với đó, nhu cầu và niềm tin của khách hàng về thị trường cũng suy giảm.

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản, từ đầu năm 2022 đến hết quý I/2023 thị trường bất động sản luôn trong trạng thái "khát" nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.

Năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018 (năm trước khi xảy ra đại dịch covid); cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn.

Quý I/2023 nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn.

Về nguồn cầu, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục "thiếu vắng" khách hàng. Trong đó, sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Cùng với đó, lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng khiến niềm tin vào thị trường bất động sản ngày càng sụt giảm. Ngoài ra, khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản khiến một lượng lớn khách hàng không đủ mạnh về tài chính khó tiếp cận thị trường.

Sức khỏe của thị trường bất động sản trong tình trạng “bất ổn” - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể khắc phục (Ảnh: TN)

Đối với tỷ lệ giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu "suy yếu" kể từ đầu năm 2022. Tình trạng này vẫn tiếp tục duy trì đến tận thời điểm hết quý I/2023 và vẫn tiếp tục sang đến quý II/2023.

Vấn đề thiếu nguồn cung bất động sản phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý I/2023 đều có chiều hướng đi xuống.

Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường bất động sản năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Trong quý I/2023, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra yếu tố "mất thị trường" ảnh hưởng đến tình hình chung của thị trường bất động sản. Cụ thể, thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án tại hầu hết các địa phương như: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh hiện nay đều trong tình trạng chờ phê duyệt. Bên cạnh đó, trong tình hình kinh tế suy giảm, du lịch chưa phục hồi, bất động sản nghỉ dưỡng cũng trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Một vấn đề quan trọng khiến thị trường bất động sản gặp khó khăn là thiếu dòng tiền. Việc siết chặt tín dụng, đặc biệt áp dụng với bất động sản, lãi suất tăng cao trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ảm đạm đang khiến các doanh nghiệp không đủ sức để duy trì hoạt động.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải hiện nay là rất lớn, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời từ Chính phủ về pháp lý, nguồn vốn cho thị trường, hàng loạt doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, dừng hoạt động.

"Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt các ngành nghề liên quan khác. Nếu không tìm được "lối thoát" kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt đối tượng doanh nghiệp bất động sản. Hậu quả này sẽ trở thành vấn nạn cho cả nền kinh tế", Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục