Sức mạnh doanh nhân Việt Nam
Những năm qua, các doanh nghiệp (DN) và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn. Do đó, cần chủ động xây dựng chiến lược, từng bước vươn xa trở thành đội ngũ có năng lực, trình độ, đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung, cũng như tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.
Doanh nghiệp là đôi cánh của nền kinh tế
Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển DN, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ðến nay, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn DN, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, số lượng đội ngũ doanh nhân đã lên đến hơn 5 triệu người. Con số trên đã minh chứng việc mở đường cho DN phát triển là hướng đi đúng đắn, nhiều doanh nhân Việt Nam lọt vào tốp "tỷ phú USD" toàn cầu. Họ ôm giấc mơ lớn, hoài bão lớn với mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước hùng cường, người dân giàu mạnh, xã hội văn minh.
Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các DN thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Hiện khu vực DN cũng đóng góp hơn 60% GDP, với khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Vì vậy, có thể coi việc thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều hành động rất thiết thực để thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển DN. Cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng DN cũng được đẩy mạnh, qua đó Chính phủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng DN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật... Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những "sân chơi" lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Liên hiệp châu Âu - Việt Nam (EVFTA),..., vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện rõ nét khát vọng vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, nâng cao vị thế Việt Nam, từng bước trở thành đôi cánh giúp nền kinh tế Việt Nam bay lên trên trường quốc tế.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân hùng mạnh
Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính vì vậy, điều này đặt trên vai các doanh nhân và DN Việt Nam trọng trách lớn lao để nâng tầm vị thế đất nước. Chủ tịch Tập đoàn Ðèo Cả Hồ Minh Hoàng bày tỏ: Trong bối cảnh hiện nay, để đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, DN xác định sẽ tích cực và thẳng thắn tham gia đóng góp ý kiến để cùng với Nhà nước tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp trong tương lai. Ðồng thời, mở rộng liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm, tạo ra các chuỗi cung ứng giảm thiểu chi phí và tối ưu lực lượng sản xuất, nhận diện các yếu kém, xác định hạn chế để dũng cảm thay đổi, khắc phục. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay là phải nâng cao năng lực quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, có trách nhiệm, phát triển bền vững, trong đó bảo đảm kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng.
Có thể thấy, cần có những DN dẫn đầu mạnh, đủ sức tạo ra chuỗi giá trị lớn, đủ khả năng dẫn dắt. Hiện, Việt Nam đã có nhiều đơn vị đủ tiềm lực như: Viettel, Vingroup, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group,... Những DN này đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ,... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có DN nào lọt tốp 500 DN lớn nhất thế giới, mới chỉ có những DN lớn về số lượng như tổng tài sản, lao động, doanh thu, lợi nhuận,... mà chưa có những DN "lớn" thật sự khi chưa tham gia sâu rộng vào "sân chơi" hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu toàn cầu. Bên cạnh đó, các DN tư nhân Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu cần khắc phục về quy mô (vừa và nhỏ), công nghệ tương đối lạc hậu, năng suất lao động thấp. Ngoài ra, vẫn còn thiếu tính gắn kết, đoàn kết cho nên dẫn tới xây dựng chuỗi cung ứng chưa tốt, liên kết giữa DN trong và ngoài nước còn kém. Các DN vẫn thiếu tính trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo chưa cao. Ðây đang là thách thức lớn đối với các DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Vì vậy, thời gian tới, cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải quyết tâm đổi mới và nâng tầm DN, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn, đồng thời tiếp tục gắn với trách nhiệm xã hội. Mặt khác, cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt hơn nữa trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang nhiều thay đổi và hội nhập. Trong đó, phải tập trung vào các yếu tố đột phá như về con người, công nghiệp và có những sản phẩm vượt trội, thương hiệu, uy tín trên thị trường. Trong tương lai, môi trường xã hội, môi trường pháp lý thuận lợi hơn sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam ngày càng phát huy mạnh mẽ sở trường và tiềm năng của mình, vươn ra tầm thế giới.
Việt Nam đầu tư 12 tỷ USD ra nước ngoài, viễn thông top đầu có lãi