SUDICO và những cuộc “đấu đá” nội bộ

Thứ hai, ngày 28/11/2011 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những “lùm xùm” xung quanh việc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO - trụ sở tại Hà Nội) “trảm tướng” đang làm nóng dư luận trong thời gian qua.
Bình luận 0

Bài 1: Hai lần “trảm tướng”, hai cách hành xử

Tuy nhiên, điều ít ai biết, khi tại SUDICO chỉ trong thời gian ngắn đã có 2 lần “trảm tướng”, mà 2 lần đó lại có 2 cách hành xử khác hẳn nhau của ông Phan Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

img
Khu chung cư Mỹ Đình, Mễ Trì (Hà Nội) do SUDICO làm chủ đầu tư cũng có những sai phạm.

Lần “trảm tướng” thứ nhất

Ngày 6.10.2008, trong cuộc họp giao ban thường kỳ, Chủ tịch HĐQT SUDICO Phan Ngọc Diệp (người đại diện phần vốn của Tổng Công ty Sông Đà nay là Tập đoàn Sông Đà tại SUDICO) đã công bố tới 4 quyết định ký ngày 4.10.2008, theo đó HĐQT SUDICO đã ra quyết định cho ông Vũ Đức Thuận thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc SUDICO, và quyết định bổ nhiệm ông Vi Việt Dũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Bất ngờ đã xảy ra khi ông Thuận nêu ý kiến về việc mất dân chủ của HĐQT khi vội vã ra các quyết định miễn nhiệm ông và bổ nhiệm ông Dũng, trong khi đó HĐQT vẫn giữ nguyên các quyết định đã ban hành.

Ngày 8.10, ông Vũ Đức Thuận chính thức có đơn gửi Chủ tịch HĐQT công ty và khẳng định: "Theo quy định của pháp luật, tôi buộc phải từ chối thực hiện các quyết định số 81 đến 84 do Chủ tịch ký ngày 4.10, và đề nghị Chủ tịch thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để huỷ bỏ hoặc đình chỉ các quyết định nêu trên".

Theo xác minh của PV, tháng 11.2006, ông Vũ Đức Thuận được HĐQT SUDICO bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty SUDICO với nhiệm kỳ 5 năm. Năm 2007, Công ty đạt doanh thu 722 tỷ đồng, tăng 205% so với thực hiện năm 2006. Và, năm 2008, trong tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường rất khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, SUDICO vẫn xây dựng kế hoạch doanh thu là 1.286 tỷ đồng (bằng 193% so với kế hoạch 2007).

Thế nhưng thật bất ngờ khi chỉ sau chưa đầy 2 năm được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, ông Thuận đã bị HĐQT Công ty ra quyết định miễn nhiệm.

Theo Quyết định số 81 thì một trong những căn cứ để HĐQT ra quyết định cho ông Thuận thôi giữ chức Tổng Giám đốc là Nghị quyết số 246 của HĐQT Tập đoàn Sông Đà về công tác tổ chức của SUDICO. Nghị quyết này không giao cho ông Vũ Đức Thuận quản lý phần vốn góp của Tập đoàn Sông Đà tại SUDICO nữa, cử ông Vi Việt Dũng thay thế.

Thế nhưng, theo luật sư Hoàng Anh Tuấn (Công ty Luật Biển Bắc) thì trình tự ban hành quyết định đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và điều lệ của công ty, như: Không triệu tập cuộc họp HĐQT mà đã không triệu tập họp thì không có việc thông qua quyết định. Và như vậy, quyết định này là trái pháp luật và không có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, việc “trảm tướng” vẫn cứ diễn ra, vì lúc đó ông Phan Ngọc Diệp được sự “hậu thuẫn” rất lớn từ Tập đoàn Sông Đà.

Lần “trảm tướng” thứ hai

Lần “trảm tướng” thứ 2 lại ngược lại hoàn toàn. Tháng 9.2011 lúc này, vẫn ông Phan Ngọc Diệp – Chủ tịch HĐQT, đã triệu tập cuộc họp và ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Vi Việt Dũng – người mà cách đây 3 năm, ông Diệp đã ra quyết định bổ nhiệm trong lần “trảm tướng” thứ nhất.

Ông Ngô Vĩnh Khương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay ông Vi Việt Dũng. Lần này, ông Diệp “trảm tướng” lại không có sự hậu thuẫn của Tập đoàn Sông Đà. Và lần này, ông Diệp đã không viện dẫn nghị quyết của Tổng Công ty nữa (vì không được Tập đoàn ủng hộ nên không có nghị quyết) mà ông Diệp lại viện dẫn một lý do khác.

Theo ông Phan Ngọc Diệp, một số thành viên đã yêu cầu công ty phải cơ cấu lại nhân sự chủ chốt để đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển trong thời gian tới. Do đó, HĐQT đã họp và quyết định cho ông Vi Việt Dũng thôi chức.

Trong khi đó, ông Dũng cho rằng, 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh không được như kế hoạch ngoài nguyên nhân khách quan do thị trường tài chính có nhiều bất ổn, địa ốc suy giảm còn do lỗi của Chủ tịch HĐQT là ông Phan Ngọc Diệp.

Cụ thể, năm 2008, Dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) nằm trong diện rà soát và phải điều chỉnh quy hoạch. Do đó, dự án bị chậm tiến độ, hơn 2 năm và không đủ điều kiện triển khai đầu tư, dẫn đến trong 9 tháng đầu năm sản lượng đầu tư tại Dự án Nam An Khánh chỉ đạt 7%, tương đương với 101 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 1.313 tỷ... Và, ông Dũng cũng không chấp hành quyết định “trảm tướng” của Chủ tịch HĐQT Phan Ngọc Diệp.

Do lần “trảm tướng” này không được sự hậu thuẫn của Tập đoàn Sông Đà nên ngay lập tức, Tập đoàn Sông Đà có các động thái phản ứng rất quyết liệt.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem