Tái cơ cấu nông nghiệp: Xóa bỏ “vừa chạy vừa xếp hàng”

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ năm, ngày 19/11/2015 13:00 PM (GMT+7)
Tái cơ cấu nông nghiệp là gì, những việc gì cần làm ngay, ưu tiên làm gì trước, tái cơ cấu vào đâu?... là những câu hỏi nhiều ngành từ T.Ư đến địa phương đang đặt ra hiện nay. Để làm rõ vấn đề này, Dân Việt đã phỏng vấn TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT).
Bình luận 0

TS Đặng Kim Sơn cho rằng: Có 3 lĩnh vực cần làm ngay trong Tái cơ cấu nông nghiệp là: Thị trường, chuỗi giá trị và khoa học công nghệ.

Thưa ông, mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp như chúng ta đã thấy rõ là phải hướng tới sản xuất (cây, con) có thị trường, có chất lượng. Song nếu nhìn vào nền sản xuất nông nghiệp như nước ta hiện nay, không dễ để thực hiện được mục tiêu này trong giai đoạn ngắn, mà phải làm trong dài hạn. Trong khi đó, bối cảnh hội nhập, cạnh tranh đang diễn ra rất gay gắt. Theo ông, trước mắt chúng ta cần ưu tiên tái cơ cấu vào những lĩnh vực nào?

img

Việc áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp sẽ mang lại năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa: Nông dân thu hoạch lúa ở Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Đ.D

- Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình tổ chức lại sản xuất một cách cơ bản, đòi hỏi phải có thời gian. Đây là một chương trình chung và dài hạn chứ không phải tập hợp của các chương trình ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”. Đã quá lâu, chúng ta chậm xử lý những vấn đề căn bản, trong khi những thách thức mới như quá trình hội nhập, sự tác động của biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá… đều bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới.

Theo tôi, khâu vướng mắc nhất hiện nay là vấn đề xử lý thị trường, tháo gỡ đầu ra cho sản xuất. Điều cần thiết là phải tổ chức một lực lượng nghiên cứu thị trường và xây dựng đội ngũ nghiên cứu về thông tin, xúc tiến thương mại bài bản…

Ông có nói đến vấn đề thị trường, cụ thể ở đây là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, khâu quan trọng nhất gắn liền với phát triển thị trường là phải xây dựng bằng được chuỗi giá trị ngành hàng, nếu muốn có thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ việc xây dựng các chuỗi giá trị quốc gia. Chuỗi này quy mô từ vùng, tỉnh tới toàn quốc và toàn cầu. Trong một chuỗi có đại diện tất cả thành viên tham gia từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhất là nông dân. Phải có cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn thích ứng và khoa học công nghệ, vốn liếng kèm theo…

Trả lời phỏng vấn Dân Việt trước đây, ông từng nói, sản xuất nông nghiệp nước ta đã "ăn" vào vốn khi chúng ta chỉ gia tăng năng suất, sản lượng bằng cách tăng cường thâm canh tăng vụ, tức khai thác tài nguyên tối đa, mà quên đi các yếu tố phát triển bền vững. Theo ông, làm sao để vừa cân bằng được sản xuất, đảm bảo xuất khẩu và vẫn phát triển bền vững?

- Để tăng trưởng vững bền với mức cao hơn, cần thay đổi mô hình tăng trường. Trước đây là khai thác tài nguyên thì giờ chuyển sang thu nhiều hơn và chi ít hơn. Phải làm bằng cách đổi mới quản lý, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới kết cấu và chất lượng đầu tư, từ đó giúp nông nghiệp thực sự phát triển theo chiều sâu, lấy hiệu quả, năng suất chất lượng giá trị gia tăng là chính, bớt đi phần tài nguyên. Như vậy, thực sự là tăng trí tuệ, tăng công nghệ, từ đó mới giảm được sử dụng tài nguyên, giảm sức ép về môi trường, có thêm nguồn lực dư ra.

 Nhìn vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay, có thể thấy, có rất nhiều sản phẩm đã đạt đến mức tới hạn như lúa gạo, cà phê, cao su… Song ngược lại, vẫn còn rất nhiều sản phẩm còn nhiều dư địa để phát triển như nuôi tôm công nghiệp, chăn nuôi… Trong đó, Bộ trưởng NNPTNT đã rất nhiều lần đề cập đến việc cần phải phát triển thuỷ sản mạnh hơn nữa. Song để phát triển thuỷ sản đòi hỏi đầu tư rất lớn, theo ông, khi tái cơ cấu chúng ta có nên tập trung tối đa nguồn lực cho thuỷ sản?

img

 "  Câu chuyện tái cơ cấu không đơn thuần là tái cơ cấu ngành hàng, tức là giảm một số ngành này, tăng một số ngành khác. Ngay cả một số ngành hàng đi đến giới hạn như lúa, gạo, cà phê, cao su... thì cũng là đi đến giới hạn của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hiện nay”.
TS Đặng Kim Sơn

- Câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp không đơn thuần là tái cơ cấu ngành hàng, tức là giảm một số ngành này, tăng một số ngành khác. Ngay cả một số ngành hàng đi đến giới hạn như lúa, gạo, cà phê, cao su… thì cũng là đi đến giới hạn của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hiện nay.

Điều đó có nghĩa là lấy sản lượng, giá thấp để cạnh tranh. Những ngành hàng đang thừa cung mà chuyển sang nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất lao động thì giá trị gia tăng vẫn có thể tăng lên. Ngoài ra, chúng ta có rất nhiều nông sản trong thời gian tới có điều kiện phát triển mạnh như chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp.

Đối với các ngành này phải thu hút thêm đầu tư, ngay trong quá trình sản xuất phải đi vào chiều sâu, không phát triển theo chiều rộng. Chẳng hạn thuỷ sản ven bờ đã cạn kiệt, ngay cả đánh bắt xa bờ cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp của Biển Đông và trữ lượng cũng không phải vô tận. Do đó, cần kết hợp cả nuôi trồng ở đất liền, nước ngọt, nước mặn và nước lợ ven biển. Tương tự các dư địa về lâm nghiệp, về chăn nuôi, thị trường có sẵn phải tiến ngay vào đầu tư chiều sâu. Nếu tiến như thế, khả năng của chúng ta mở rộng sản xuất là rất lớn. 

Ông có thể cho biết cụ thể, những vấn đề cần xử lý ngay trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp?

- Theo tôi có 3 vấn đề cần xử lý ngay trong việc đầu tư và mở rộng sản xuất theo chiều sâu: Đầu tiên phải tính tới công tác quy hoạch, xác định đúng địa bàn sản xuất có tính thích nghi cao nhất, đồng thời giữ quy mô sản xuất cân đối với thị trường. Thứ hai, phải làm tốt công nghệ, phát triển đến đâu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch đến đấy. Thứ ba, phải tổ chức song song phần tiếp thị với sản xuất để luôn luôn đảm bảo thị trường đầu ra.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem