Tài sản thanh lý ế ẩm, nợ xấu ngân hàng xử lý ra sao?
Ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) vừa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 2.700 tỷ đồng của nhóm khách hàng liên quan đến Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn - Công ty con của Công ty cổ phần Thuận Thảo, do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tài sản đấu giá gồm có 3 bất động sản và cổ phiếu Công ty cổ phần Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh (mã cổ phiếu GTT).
Điều đáng lưu ý, đây là lần thứ 17 BIDV Phú Tài rao bán khoản nợ này và giá khởi điểm cũng đã giảm khoảng 400 tỷ đồng so với mức giá cao nhất mà BIDV từng thông báo, xuống còn 800 tỷ đồng.
Đây không phải khoản nợ duy nhất mà BIDV đang muốn thanh lý và không riêng gì ngân hàng này. Nhiều ngân hàng khác cũng đang rao bán ồ ạt nhiều loại tài sản để xử lý nợ xấu.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Châu Đốc thông báo phát mãi tài sản đảm bảo là hàng chục nghìn m2 đất và nhà xưởng, cùng dây chuyền sản xuất gạo tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang với giá khởi điểm hơn 220 tỷ đồng, dự kiến được đấu giá vào ngày 24/9 tới.
Còn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Ba Đình (VietinBank Ba Đình), khoản nợ có tài sản bảo đảm của khách hàng là Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 810 trị giá hơn 17 tỷ đồng cũng đã được rao bán với giá khởi điểm chỉ hơn 4,1 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang rao bán nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị lớn tại Tp. Hồ Chí Minh như: 6.382 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh ở quận Bình Thạnh với giá khởi điểm hơn 400 tỷ đồng; mảnh đất sản xuất kinh doanh tại 23 xóm Củi, phường 11, quận 8 có tổng diện tích hơn 2.100 m2, diện tích xây dựng 1.981 m2 có giá khởi điểm là gần 137 tỷ đồng.
Đấu giá khoản nợ, thanh lý tài sản đảm bảo tuy là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng nhưng lại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ nợ quá hạn ngày một tăng cao do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tác động tiêu cực đến dòng vốn của ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính bán niên được các ngân hàng công bố, tổng số dư nợ xấu đến ngày 30/6/2020 đã tăng hơn 102.000 tỷ đồng, tức tăng khoảng 20,6% so với cuối năm trước.
Trong đó, nếu xét về số dư nợ xấu, BIDV đang đứng đầu với 22.767 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019. Tiếp đó là VietinBank với 15.968 tỷ đồng, tăng 47,7%, đặc biệt nợ nhóm 3 và 4 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ mất vốn) của ngân hàng này tăng đột biến 250% và 85% so với cuối năm trước.
Trái lại, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại ghi nhận mức giảm 2,1% số dư nợ xấu trong 6 tháng đầu năm so với cuối 2019 xuống còn 8.612 tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu xét về tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý II/2020, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất, ở mức 6,59%. Trong đó, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng này đã tăng vọt lên 2.249 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cuối năm trước. Con số đột biến này là do ngân hàng đã hạch toán gần 1.896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB (Sacombank) vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính-ngân hàng, những số liệu thống kê trên mới chỉ phản ánh một phần bức tranh nợ xấu thực tế của các ngân hàng. Bởi một phần dư nợ có thể chuyển thành nợ xấu đã được cơ cấu lại, vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn nên không phải trích lập dự phòng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
"Tuy Thông tư 01 tạo điều kiện cho doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu để tiếp tục được vay vốn ngân hàng nhưng lại đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại nhưng không được thể hiện đầy đủ trên báo cáo tài chính. Do đó, thận trọng và có dự phòng cần thiết cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại là việc các ngân hàng cần lưu tâm", ông Hiếu cảnh báo.
Giải bài toán xử lý nợ xấu
Tài sản đảm bảo dù rao bán nhiều lần vẫn ế ẩm, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nguyên nhân chính là do nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản nói riêng và thị trường giao dịch tài sản nói chung thanh khoản rất thấp, sức cầu yếu nên dù giảm giá vẫn không có người mua. Thêm nữa, quy định không cho phép giảm giá quá nhiều, mỗi lần giảm chỉ nhỏ giọt. Vì thế một số tổ chức tín dụng buộc phải giảm giá đến 5 lần, 10 lần, thậm chí hàng chục lần vẫn chưa phát mãi được tài sản.
Trao đổi với một lãnh đạo ngân hàng xoay quanh câu chuyện thanh lý tài sản đảm bảo, vị này cho biết với các tài sản giá trị thấp, ở mức khoảng vài tỷ đồng thì thanh khoản tương đối cao. Trái lại, những tài sản giá trị lớn thường phải mất tới 5-10 lần rao bán, hạ giá 20-30% mới thanh lý được. Do vậy, các dự án bất động sản, khu công nghiệp... có giá trị lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng lại càng khó có thể rao bán thành công chỉ trong 1-2 lần.
Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực nhận định vẫn còn hiện tượng thiếu hợp tác của bên đi vay nên ngay cả khi đấu giá xong rồi thì quy trình, thủ tục để chuyển giao tài sản vẫn rất phức tạp. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn thiếu đồng bộ.
Nợ xấu cũ chưa giải quyết triệt để, nợ xấu mới lại có nguy cơ tăng thêm. Một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ lo ngại nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, tác động khó lường đến hoạt động của doanh nghiệp thì chất lượng tài sản của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nợ xấu chỉ tăng lên một chút là lợi nhuận sẽ bị bào mòn.
Trong bối cảnh hiện nay, TS. Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng của các ngân hàng từ mức dưới 2% hồi cuối năm 2019 có thể tăng mạnh lên đến gần 4%, đồng thời nợ xấu gộp bao gồm cả nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn có thể lên đến mức 6%.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh Thông tư 01 và yêu cầu hệ thống ngân hàng không được giữ nguyên nhóm nợ thì nợ xấu sẽ còn tăng nhanh và mạnh hơn nữa", ông Lực nhận định.
Với kịch bản cơ sở là COVID-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, Bộ phận phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm sau. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và sang năm 2022. SSI Reserch ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% trong năm 2020 và năm 2021, so với mức giảm 16,3% năm 2019.
Giải bài toán nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực đề xuất luật hóa câu chuyện xử lý nợ xấu: "Phải đưa nó thành luật, thành trách nhiệm rất cụ thể thì mới hi vọng sự vào cuộc mạnh mẽ và hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng có liên quan. Khi đó xử lý nợ xấu nó sẽ trở thành câu chuyện thường nhật".
Hình thành một thị trường mua bán nợ bao gồm cả nợ xấu và nợ bình thường cũng là một giải pháp được ông Lực đưa ra nhằm tăng cơ sở mua bán cho nhà đầu tư, giúp thanh khoản tốt hơn, thị trường nhộn nhịp hơn. Khi đó, câu chuyện mua bán nợ sẽ công khai, minh bạch hơn và các giao dịch có thể kiểm soát, cũng như thu thuế đầy đủ.