Tại sao Bộ Y tế thu hồi công văn tăng cường phòng chống Covid-19 bằng thuốc cổ truyền?

Diệu Linh Thứ hai, ngày 26/07/2021 10:29 AM (GMT+7)
Ngày 26/7, Bộ Y tế đã có công văn thu hồi công văn tăng cường phòng chống Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm dược liệu chỉ sau 2 ngày công bố.
Bình luận 0

Về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này.

Cụ thể, ngày 24/7, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng.

Những thông tin này nhiều người cho rằng 12 loại thuốc trong Hướng dẫn nằm trong phác đồ điều trị bệnh Covid-19 được Bộ Y tế cho phép.

Tại sao Bộ Y tế thu hồi công văn tăng cường phòng chống Covid-19 bằng thuốc cổ truyền?  - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh BVCC

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) lại cho biết 12 sản phẩm nằm trong Hướng dẫn nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19.

"Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly"- PGS Thịnh giải thích.

Cũng theo ông Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng. Đối với nhóm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị có thể đồng thời sử dụng 2-3 loại, kết hợp uống thuốc dạng sắc trên cơ sở các bài thuốc được đề cập trong hướng dẫn kèm Công văn 5944/BYT-YDCT. 

Điều đó có nghĩa là không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng giống nhau, mà từng bệnh nhân, tùy từng tình trạng, mức độ bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Một trong những sản phẩm được đưa vào danh sách 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu nêu trên là  thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay...). Trong khi đó, Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2, lây qua đường hô hấp. 

Về điều này, PGS Thịnh, giải thích thêm: "Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng".

Ông Thịnh cũng nói thêm; "Hiện Bộ Y tế không công bố sản phẩm có tác dụng dự phòng, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2". 

Sau 2 ngày Công văn số 5944/BYT-YDCT được ký, Bộ Y tế đã có công văn thu hồi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem