Tải trọng cầu, đường làm khó ngành vận tải

Hữu Ký Thứ ba, ngày 28/02/2017 06:20 AM (GMT+7)
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa ở TP.HCM và các khu vực lân cận, hiện vẫn còn tập trung nhiều cầu, đường huyết mạch dẫn vào các đầu mối tập trung hàng hóa gắn biển báo hạn chế tải trọng phương tiện, gây khó khăn cho DN.
Bình luận 0

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa ở TP.HCM và các khu vực lân cận, hiện vẫn còn tập trung nhiều cầu, đường huyết mạch dẫn vào các đầu mối tập trung hàng hóa gắn biển báo hạn chế tải trọng phương tiện, gây khó khăn cho DN. Điển hình như đường Bùi Thanh Khiết (huyện Bình Chánh) là tuyến đường quan trọng nối Quốc lộ 1A -  đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đường Nguyễn Hữu Trí kết nối TP.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây. Mặc dù ở khu vực tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, nhưng đường Bùi Thanh Khiết lại có biển báo cấm tải trọng xe trên 10 tấn. “Ở đây nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn nhưng các xe tải không lưu thông được do vượt tải” - ông Phạm Văn Lợi - Giám đốc Công ty Vận tải Trưởng Lợi cho biết.

img

Cầu Thầy Cai nằm trên tuyến đường huyết mạch dẫn vào KCN Đức Hòa gắn biển hạn chế xe 30 tấn. Ảnh: H.K

Ở hướng ngược lại, việc vận chuyển hàng hóa qua lại ở Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa (Long An) cũng bị hạn chế bởi cầu Thầy Cai (Tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi, TP.HCM) có biển báo hạn chế tải trọng xe 30 tấn. Một số DN khu vực lân cận TP.HCM cho biết, còn nhiều biển báo hạn chế tải trọng gây khó cho họ, như cầu Bà Ký dẫn vào các KCN thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), cầu Ông Binh  nằm trên đường dẫn vào Cảng Bourbon (huyện Cần Đước, Long An) gắn biển báo hạn chế trọng lượng xe 25 tấn. Còn cầu Long Khê nằm trên đường kết nối với KCN Cầu Tràm (Long An) gắn biển báo hạn chế trọng tải xe 30 tấn…

Ông Nguyễn Văn Chánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM thông tin, nhiều DN phản ánh về việc gặp khó với các biển báo hạn chế tải trọng cầu, đường. Tình trạng này tồn tại từ nhiều năm, Hiệp hội cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng các địa phương chưa giải quyết được gây thiệt hại nặng nề cho các DN vận tải.

Ông Phạm Văn Lợi cho hay, lỗi chở quá tải trọng bị phạt vài chục triệu đồng nên ông cũng như nhiều người khác rất e ngại khi phương tiện vận chuyển hàng hóa trong khu vực. Riêng năm 2016, công ty của ông đã hủy hợp đồng vận chuyển hàng hóa với khối lượng lên đến hàng nghìn tấn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc Công ty Vận tải Liên Minh, các biển báo hạn chế tải trọng tồn tại rất dễ phát sinh tiêu cực khi nhiều DN chịu “lót tay” để chở hàng quá tải đi qua. Ông cho rằng, DN đã đóng phí bảo trì đường bộ mà vẫn không có cầu đường đi là thiệt thòi lớn. “Để hàng hóa lưu thông thuận lợi, các địa phương cần đầu tư làm những cây cầu có tải trọng lớn hơn, đồng thời cần nâng tải trọng cầu, đường trên các tuyến đường kết nối KCN - khu chế xuất, các đầu mối tập trung hàng hóa” - ông Phú nói.

Các DN vận tải hàng hóa TP.HCM đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu, đường để có sự đánh giá tải trọng phù hợp, cũng như kiến nghị nâng cấp tải trọng cầu, đường để xe tổ hợp đầu kéo vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem