Tầm nhìn mới và “bật đèn xanh”

Minh Huệ Thứ hai, ngày 02/01/2017 12:43 PM (GMT+7)
Trong các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016- 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định có việc chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...
Bình luận 0

Một trong những giải pháp để thực hiện được mục tiêu trên là cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Giải pháp này sẽ được triển khai thế nào, những thuận lợi và khó khăn, những mô hình đáng chú ý...? Đó là những nội dung sẽ được Báo NTNN/Dân Việt phản ánh trong chuyên trang “Nông nghiệp công nghệ cao”, bắt đầu đăng tải từ số báo này.

Đụng đâu cũng thấy khó

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2016, không ít ý kiến cho rằng chính sách hạn điền và vốn vay đang là những “nút thắt” lớn nhất trong câu chuyện thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn muốn đầu tư vào NNCNC, nhưng do vướng nhiều giấy tờ, thủ tục, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai nên họ rất ngại.

img

Mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Trung tâm Ứng dụng KHKT tỉnh Nam Định. Ảnh: Thiên Hương

Hiện cả nước có 2 khu NNCNC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại tỉnh Hậu Giang và Phú Yên, 3 địa phương Thái Nguyên, Thanh Hóa và Lâm Đồng đã thành lập đề án các khu NNCNC. Có 25 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; trong đó 9 DN sản xuất rau và hoa, 8 DN chăn nuôi (bò sữa, heo, gà), 8 DN nuôi trồng chế biến thủy sản.

Tại Lâm Đồng, doanh thu trong mô hình NNCNC đạt khoảng 500 triệu đồng/ha rau và từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/ha hoa; cá biệt có 10ha trồng hoa của Dalat Hasfarm cho doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm.

Câu chuyện nông dân Võ Quan Huy ở Long An nổi tiếng nhờ ứng dụng CNC trong trồng chuối xuất khẩu là một ví dụ. Ông Huy cho biết, để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sử dụng đất hiệu quả, giảm chi phí đầu tư thì nông dân phải có ít nhất 100ha đất canh tác. Hiện tổng diện tích đất trồng chuối mà ông có lên tới cả ngàn ha ở 6 tỉnh. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, ông không thể đứng tên hết diện tích đó nên không thể dùng phần tài sản này thế chấp để vay vốn ngân hàng để đầu tư vào nông nghiệp, mà phải nhờ anh em, họ hàng đứng tên. “Nông dân hay DN nông nghiệp chỉ có đất nhưng đất lại không được xem là tài sản hợp pháp. Trong khi đó tài sản trên đất thì không được ngân hàng chấp nhận cho thế chấp để vay vốn. Việc tiếp cận vốn ngân hàng là rất khó khăn” – ông Huy nói.

Công ty TNHH Đà Lạt GAP là DN đã được Bộ NNPTNT công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC từ năm 2012, với 11ha nhà kính trồng rau, sản phẩm đã xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản với số lượng 800 - 1.000 tấn/năm. Đại diện DN này cho biết, khi ứng dụng CNC, năng suất tăng từ 1,5 – 4 lần, quan trọng hơn cả là chất lượng nông sản được cải thiện. Hiện những diện tích ứng dụng CNC của công ty cho doanh thu trung bình từ 1,2–2,8 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, tốc độ ứng dụng CNC đang bị kìm hãm bởi nguồn vốn. Mỗi ha nhà kính có giá trị đầu tư từ 1,8–4,2 tỷ đồng, trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay thế chấp bằng đất nông nghiệp, còn nhà kính và các trang thiết bị trong nhà kính không có chính sách đưa vào thế chấp.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng CNC trong nông nghiệp Ngô Tiến Dũng cho hay, có DN từng chia sẻ rằng họ phải bỏ ra tới 8 tỷ đồng để trồng hoa trong nhà kính, song khi cần vốn, đem vườn hoa đó đến ngân hàng thế chấp thì ngân hàng chỉ cho vay 70 triệu đồng. Không có vốn, DN có thiết tha với NNCNC đến đâu cũng không thể đầu tư được.

Cùng với kiến nghị cởi trói thủ tục vay vốn ngân hàng, hầu hết DN đều ủng hộ chủ trương nới rộng hạn điền để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, vì trong bối cảnh hiện nay, mô hình kinh tế hộ đã trở nên lạc hậu. Nhà nước cần thay đổi tư duy, cơ chế chính sách để giúp DN và nông dân tích tụ ruộng đất, nhằm phát triển sản xuất NNCNC. Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp, nông thôn từng đặt câu hỏi: Tại sao lĩnh vực công nghiệp, du lịch rất được ưu ái về đất, về vốn, mà nông nghiệp luôn bị gây khó dễ? Sở dĩ DN ít đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là do nông nghiệp vẫn bị phân biệt đối xử, thiếu bình đẳng trong cơ cấu kinh tế. DN lĩnh vực công nghiệp có thể mang tài sản đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, nhưng nông nghiệp thì không.

Về vấn đề này, ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ: “Để quy hoạch được một vùng trồng dứa, chuối hay mơ..., DN phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Thế nhưng nếu vùng đó có một dự án công nghiệp chen vào thì đất đó rất dễ bị lấy để xây khu công nghiệp, nhà máy. Dĩ nhiên, sản phẩm nào xuất khẩu được cũng đáng quý, nhưng nếu một chiếc điện thoại bán được 10 đồng thì Việt Nam chỉ được hưởng lợi 2 đồng, còn 10 đồng xuất khẩu rau quả, chúng tôi đem về cho người nông dân 7 – 8 đồng”.

Gỡ từng “nút thắt”

Đánh giá của DN nông nghiệp về tiếp cận đất đai, vốn:

Đất đai: 

63,5% gặp khó khi muốn thuê đất 
46% kêu đặc biệt khó khi muốn thuê đất với diện tích lớn

Vốn:

70% phản ánh khó tiếp cận
49% phản ánh vô cùng khó

(nguồn: Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp)

Ông Ngô Tiến Dũng cho biết thêm: “Ở nước ngoài, mỗi mảnh đất rộng hàng ha, trong khi đất nông nghiệp ở nước ta quá manh mún, không thể làm NNCNC, trong khi công nghệ là vấn đề then chốt trong phát triển nông nghiệp. Nhìn chung chúng ta đang thiếu quá nhiều thứ, từ đất đai, vốn đến cả chính sách. Muốn giải quyết được vấn đề này cần xây dựng chính sách đồng bộ để DN đầu tư sản xuất”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện. Còn về vốn, không phải chúng ta không có chính sách. Ngân hàng Agribank đã triển khai gói tài trợ vốn cho chương trình “Nông nghiệp sạch” với quy mô 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 0,5 – 1,5%/năm. Hiện Agribank đã giải ngân cho 31 dự án thuộc các khu NNCNC trên cả nước với tổng số vốn gần 3.000 tỷ đồng. Tại Vietcombank, tỷ trọng cho vay nông nghiệp cũng chiếm khoảng 9 - 10% tổng dư nợ toàn hệ thống; tỷ lệ này tại BIDV là 15,75%...

Tuy nhiên, đây mới là những gói tín dụng được triển khai lẻ tẻ ở một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn, lãi suất cho vay cũng chưa ưu đãi đáng kể. Một gói tín dụng đúng với nghĩa gói hỗ trợ là điều các DN quan tâm hơn bao giờ hết. Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco phát biểu: “Nhà ở xã hội có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ. Vậy thì gói tín dụng cho nông nghiệp phải lớn hơn nhiều lần vì gần 70% người dân Việt Nam làm nông nghiệp”.

Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH kiến nghị thêm, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế cho vay đặc thù đối với dự án NNCNC, tức là cho phép được thực hiện cấp tín dụng theo nhu cầu của dự án, cho vay trọn gói mà không theo từng giai đoạn để các DN có thể khai thác “mỏ vàng” nông nghiệp...

Tin mừng là tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam hồi tháng 12 vừa qua, Thủ tướng đã nêu rõ tầm nhìn, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế, đồng thời chỉ đạo rất cụ thể: “Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, không bó hẹp NNCNC theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm NNCNC đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho DN. Chính phủ đồng ý dành một gói từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng hỗ trợ DN đầu tư NNCNC”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem