Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh

Châu Mỹ Thứ ba, ngày 22/03/2022 09:25 AM (GMT+7)
Bất hạnh từ bé, chị Tâm lăn lộn đủ nghề trong xã hội để tồn tại, kể cả nghề “làm gái”. Khi làm lại cuộc đời, chị chẳng may nhiễm HIV khi đang tuyền truyền an toàn tình dục.
Bình luận 0

Tâm ở vậy sau khi người chồng đầu gối tay ấp ra đi, chị nhận nuôi nhiều đứa trẻ mồ côi do cha mẹ qua đời vì nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Quá khứ đắng cay tủi nhục

Tâm được sinh ra vào khoảng những năm cuối 1950 đầu 1960, trong một gia đình bề thế, có bố là sĩ quan chế độ Cộng hòa. Thói trăng hoa, vô trách nhiệm của người cha và bản tính ghen tuông, nông nổi, bồng bột của người mẹ đã đẩy cuộc đời ba chị em Tâm vào những chuỗi ngày đen tối, tủi nhục dài đằng đẵng.

Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh - Ảnh 1.

Chị Tâm xúc động khi lần đầu có thẻ căn cước. Ảnh: NVCC

“Năm tôi lên bảy, ba tôi có người đàn bà khác, trước đó ba đã có vợ lớn và các con riêng. Má tôi vì ghen tuông đã đánh chửi nhau với ba như cơm bữa, Những lúc như vậy, chị em tôi chính là cái cớ để người lớn trút giận”,  chị Tâm nhớ lại.

Chị và các em trở thành trẻ mồ côi khi cha dọn khỏi nhà, mẹ sau một thời gian dài trầm cảm, đã bỏ ba con, đi theo nhân tình.

“Má đi mất tiêu, chị em tôi đói la liệt, không ai nấu cơm cho ăn, không còn ai chăm sóc… Mỗi buổi trưa, tôi rình rập nhà hàng xóm để trộm cơm nguội về mấy chị em cùng ăn với muối hột… Tôi không biết ẵm em nên để nó nằm võng suốt ngày. Tiêu tiểu, hết ướt rồi khô, trở thành một lớp dày trên võng…”, Tâm viết trong hồi ký, từng ký ức tuổi thơ được lật lại, khiến người đọc đau xé lòng.

Rồi việc ăn trộm cơm nguội cũng bị bà chủ trọ phát hiện, bà gọi điện cho bố Tâm về đón con. Lần này, mấy chị em được đưa về sống với ông bà nội cùng các anh chị em cùng cha khác mẹ. Mấy ông cháu đùm bọc nhau trong cảnh bần hàn. Chính những tháng ngày này, chứng kiến đứa em trai vì suy kiệt sức khỏe mà chết ngay trên tay mình, Tâm càng ôm nỗi hận với cuộc đời.


Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh - Ảnh 2.

Bìa cuốn tự truyện do chị Tâm chắp bút nói về số phận bi kịch của mình.

Ở với ông bà nội được bốn năm, chị em Tâm lại được ba đưa về ở chung với vợ mới của ông. Qua tay biết bao bà dì ghẻ, Tâm bị đánh đạp, bị bôi xấu, bị bóc lột sức lao động. Tìm được mẹ đẻ, chị tiếp tục bị đối xử tệ bạc khi người mẹ quá nhu nhược, không thể bảo vệ con gái.

Tâm lầm lũi bỏ ra vỉa hè, công viên, chợ tạm sống đời trẻ đường phố, chịu đựng cảnh đói ăn, rét mướt, bị chửi rủa, đánh đập. Trong một lần may mắn được một đám gái nhảy cho tá túc chung phòng trọ, Tâm lại bị người yêu của một chị trong nhóm cưỡng hiếp. Từ đây trong chị càng dấy lên tâm lý muốn trả thù đời, trả thù đàn ông…

Tâm bắt đầu vẽ ra đủ thứ tiền để bố chu cấp, dùng tiền đó để đi vũ trường, đua xe, hút xì ke… cùng những người bạn có thân phận giống mình. Mới 14 tuổi, Tâm đã sành sỏi khắp chốn giang hồ, với tài ăn nói và nhan sắc có thừa, Tâm được nhiều đại ca giang hồ các “thánh địa” khác nhau của Sài Gòn bảo kê. Rồi tiền cũng cạn kiệt dần, Tâm bắt đầu tìm cách xoay sở để thỏa mãn cơn nghiện và trượt dài vào tội lỗi.

Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh - Ảnh 3.

Chị Tâm kể về cuộc đời bầm dập nhưng cuối cùng chị đã vượt lên mạnh mẽ.

Ban đầu, với nhan sắc trời phú và cách nói chuyện có duyên, Tâm lấy tên “Liên hoa khôi” dụ dỗ tiền bạc của những người đàn ông si mê mình để có tiền hút xì ke.

“Tôi không quan tâm khuôn mặt người đó đẹp ra sao. Chỉ cần nhìn từ đầu đến chân, đi giày hiệu, mặc quần áo hiệu là tôi tiếp cận. Mà những người đó chưa có ai động vào người tôi được nhưng tiền thì vẫn rút ra đều đều…”, chị kể.

Sau ngày 30/4/1975, Tâm không di tản ra nước ngoài, sống tiếp đời lang bạt ở Sài Gòn. Thi thoảng ghé về nhà ba thăm em, chị luôn thấy nghẹn lòng.

Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh - Ảnh 4.

Chị Tâm luôn tìm cách giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế.

“Có khi về thăm các em, tôi cho ít tiền mua vài ký bo bo. Các em đem bo bo nấu loãng với rau muống để ăn. Nhìn các em húp lấy húp để thứ thức ăn đáng lẽ chỉ dành cho heo, tôi thật sự đau lòng”, Tâm nhớ lại. Lòng thương trỗi dậy, chị bắt đầu móc túi, trộm cắp vặt, môi giới gái mại dâm để có tiền cho các em được ăn no.

Nhưng cơn nghiền ma túy ngày càng “nặng đô” cộng thêm ao ước muốn có tiền ra Lạng Sơn thăm cha, Tâm đã có một quyết định đầy táo bạo với cuộc đời mình.

“Tôi muốn có thật nhiều tiền nhưng bằng cách nào đây? Giết người thì tôi sợ mang tội với trời đất. Cướp giựt thì đâu ai để hở đồ mà giựt hoài. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi nảy ra một ý. Tuy trải qua đủ ngón ăn chơi nhưng tôi vẫn còn nguyên vẹn đời con gái. Muốn có tiền, chỉ còn cách bán nó đi”.

Và rồi Tâm bán trinh được 50.000 đồng - số tiền bằng 1/4 gia tài của cả một gia đình sau khi đổi tiền. Cũng từ đây, chị kiếm sống bằng nghề bán thân để có tiền thỏa mãn cơn nghiện và lo thêm cho các em. Nghề làm gái đem lại cho cô nhiều đắng cay, tủi nhục.

Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh - Ảnh 5.

Những giọt nước mắt tủi nhục khi nhớ lại quá khứ vấp ngã.

Trong nhiều năm làm gái mại dâm, chị nhiều lần bị đưa về trại phục hồi nhân phẩm, bị đưa đi lao động, cải tạo trong các trại cai nghiện. Tại đây, Tâm tìm mọi cách trốn thoát, từ chọc sưng mắt đến mưng mủ, uống nước thải, kết hôn giả… để có cớ đi viện. Bao nhiêu lần trốn trại, là chừng ấy lần Tâm phải phơi mình ra cho cả chục người đàn ông dày vò thân thể để đổi lấy sự tự do nhưng rồi vẫn bị bắt lại.

Ngày được tái hòa nhập cộng đồng, Tâm lại “ngựa quen đường cũ”, ra công viên, vỉa hè bán dâm mỗi đêm. Chị trải qua hai cuộc hôn nhân cay đắng trước khi hoàn lương, trở thành một tuyên truyền viên tích cực phòng chống tệ nạn xã hội.  

Tâm "Si-đa" - bà tiên của những đứa trẻ bất hạnh - Ảnh 6.

Chị Tâm trong ngày tái bản cuốn tự truyện.

Làm lại cuộc đời 

Làm công tác xã hội gian nan, nguy hiểm, bị lọc lừa, bị đố kỵ, bị nghi ngờ, bị lợi dụng, chứng kiến sự phản trắc của chính những người dưng mình từng yêu thương, chăm sóc, thậm chí bị nhiễm HIV khi đang làm nhiệm vụ, có lúc Tâm “si đa” gục ngã, chỉ muốn quay trở lại con đường cũ, muốn tìm đến thuốc phiện để quên hết.

Nhưng rồi nghị lực và niềm biết ơn với những con người từng dang tay nâng đỡ mình, khiến chị lại tự vực dậy để “giúp đỡ những mảnh đời khác, trả ơn đời”. Thấm thoắt, chị đã đi được một  hành trình hơn gần 30 năm, đưa hàng trăm mảnh đời bất hạnh về với cuộc đời, biết lao động chân chính và có cuộc sống yên ấm.

Hiện sống với chị chỉ còn ba đứa trẻ, đứa bé nhất cũng 15 tuổi, có thể tự phục vụ mình nên chị có chút thời gian hơn. Thời gian rảnh, Tâm lại qua mái ấm của các cha xứ, phụ các sơ chăm nom những trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi khác.

 “Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực”. Đó là những gì bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết cho chị trong lời tựa cuốn hồi ký "Tâm “si - đa” vượt lên cái chết!".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem