Tân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và những dấu ấn với ngành nông nghiệp khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 21/09/2020 21:25 PM (GMT+7)
Thủ tướng vừa điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Được biết, trong quá trình công tác tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan để lại nhiều dấu ấn cho ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Sức bật từ 5 ngành hàng chủ lực

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, Đồng Tháp là một trong những tỉnh thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những đột phá trong tư tuy sản xuất của nông dân, với những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để nâng cao giá trị nông sản, Bí thư Lê Minh Hoan có đóng góp rất lớn cho thành công này. 

Từ sự chỉ đạo, định hướng Tỉnh ủy Đồng Tháp mà đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Đồng Tháp đã chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất, gồm: lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra và vịt. 

Nét mới trong việc phát triển các ngành hàng chủ lực này là mỗi mặt hàng đều chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể, đi đầu là hợp tác xã, tổ hợp tác để dẫn dắt người dân liên kết sản xuất, kết nối với doanh nghiệp…

Bởi theo ông Lê Minh Hoan, những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác được hình thành như chuỗi giá trị giúp tăng lợi nhuận, giảm rủi ro cho nông dân.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Đề án trên của tỉnh Đồng Tháp đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả ban đầu rất đáng phấn khởi. 

Lúa gạo từ lâu đã được xem như là một trong những ngành hàng có thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở Đồng Tháp đã tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm để nâng cao giá trị ngành hàng, từ đó góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ 1 triệu đến 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 6 giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo, cùng triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng, đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn; đồng thời thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…

Đến nay, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, châu Á chiếm tỷ trọng 46%, châu Âu 13%, châu Mỹ 35%, thị trường khác 6%. Xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2019 đã vượt mốc 1 tỷ USD.

Người đỡ đầu cho "hội quán"

Mô hinh "hội quán" là một sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Ông Lê Minh Hoan cũng chính là "người đỡ đầu" của mô hình hội quán.

 Theo đó hội quán là không gian mở, nơi nông dân kết nối nông dân, nông dân kết nối doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh...

Tân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và những dấu ấn với ngành nông nghiệp khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan (bên phải) trong lễ ra mắt Thuận Tân hội quán. Ảnh: I.T

"Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người nông dân lủi thủi làm ăn một mình, đèn ai nhà nấy rạng, ruộng ai nhà nấy làm. Chúng tôi mong muốn người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình hội quán" - ông Lê Minh Hoan nói về mô hình "hội quán".

Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 95 hội quán với trên 4.300 thành viên. Với hội quán, nông dân Đồng Tháp có thể liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hội quán tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm... Từ đó, người dân thay đổi dần quy trình sản xuất truyền thống, hàng hóa sản xuất không thương hiệu, giá cả không ổn định.

Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, xây dựng quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân, giúp kinh tế của Đồng Tháp ngày càng phát triển.

Tân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và những dấu ấn với ngành nông nghiệp khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - Ảnh 2.

Nông dân Đồng Tháp đã được tiếp cận công nghệ hiện đại trong sản xuất. Ảnh: I.T

Hội quán cũng là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Cũng từ hội quán, các mô hình "cây xoài vườn tôi", "cây cam vườn tôi" (bán cam, xoài trên mạng internet có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng) xuất hiện ngày càng nhiều ở Đồng Tháp.

Điển hình như Minh Tân Hội quán xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Thành Đạt An Giang được 364,69ha; Đồng Tâm Hội quán phối hợp với Viện Cây ăn quả triển khai 42ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu sang 3 nước là Mỹ, Malaysia, Trung Quốc...

Tặng smartphone cho Hai Lúa

Tỉnh Đồng Tháp cũng là một trong số ít địa phương trực tiếp tặng điện thoại thông minh cho nông dân để giúp bà con ứng dụng công nghệ trong sản xuất hiệu quả. Đây cũng là sáng kiến của Bí thư Lê Minh Hoan.

Năm 2018, thay mặt nhà tài trợ, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trao tay 34 điện thoại thông minh cho 34 nông dân là chủ nhiệm các hội quán. Mục đích của việc tặng điện thoại là giúp nông dân năm bắt kiến thức về thị trường, sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến.

Tân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và những dấu ấn với ngành nông nghiệp khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - Ảnh 3.

Ông Lê Minh Hoan trực tiếp giải đáp các thắc mắc của cử tri. Ảnh: Báo Người lao động.

"Ở những đất nước nông nghiệp tiên tiến, làm nông là một nghề và phải được cấp giấy phép như bao nghề khác. Xứ mình thì chắc chưa làm được như vậy, nhưng người nông dân cũng cần được học tập và được cấp giấy chứng nhận làm nông để chứng minh rằng: Tôi là nông dân với tư duy phát triển bền vững", ông Lê Minh Hoan nhận định.

Cà phê sáng với doanh nhân

Mô hình “Uống cà phê trò chuyện với doanh nghiệp” của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi, đánh giá cao. Tại đây, doanh nghiệp đã thật sự mở lòng, trao đổi thẳng thắng với lãnh đạo tỉnh; nhờ vậy, nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, tạo cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh.

Mô hình "Cà phê với doanh nhân – doanh nghiệp" trong khuôn viên UBND tỉnh Đồng Tháp từng được nhiều người đánh giá cao. Đây là mô hình thể hiện được sự cầu thị, sự chân tình của lãnh đạo địa phương khi họ biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp vào để chia sẻ những dự tính mà sắp tới họ sẽ làm. Mình phải lắng nghe và đồng hành với họ vì ý tưởng của người này sẽ dẫn ra ý tưởng của người kia, ý tưởng của doanh nghiệp đôi khi cũng nhắc cho ý tưởng lãnh đạo tỉnh. Thông qua đó, lãnh đạo tỉnh cũng chia sẻ lại những dự tính của tỉnh nhà. Hay nói cách khác, đây là nơi để tương tác giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, với các sở, ngành của tỉnh" – ông Lê Minh Hoan giải thích.

Ông Lê Minh Hoan trong quá trình công tác đã từng đảm nhận các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015- 2020; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV tỉnh Đồng Tháp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem