Tăng cường năng lực cho các mô hình điều trị cai nghiện ma túy

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 22/11/2019 15:01 PM (GMT+7)
Số người nghiện có xu hướng gia tăng nhanh chóng, quy mô và mức độ nghiện cũng đa dạng hơn nhưng các mô hình điều trị cai nghiện lại đang thiếu và khá yếu. Nhiều cơ sở cai nghiện công lập lại đang quá tải và thiếu phác đồ điều trị. Đây là thực tế được Bộ LĐTBXH chỉ ra khi đề cập tới vấn đề cai nghiện ma túy.
Bình luận 0

Trung tâm cai nghiện đang bị quá tải

Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, thời gian qua, các vụ buôn bán ma túy với hình thức tinh vi diễn biến phức tạp và với số lượng ngày càng lớn. Giai đoạn 2010-2017, những chất ma túy buôn bán vào Việt Nam chủ yếu là nhóm Opiat (có nguồn gốc từ thuốc phiện). Trước đây nhóm này chiếm 90%, đặc biệt là khu vực phía Bắc thì hiện nay các nhóm đối tượng đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 70-75%.

img

Mô hình “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma túy” của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tại quận Nam Từ Liêm (HN).

Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ này lên đến 90-95%. Đáng chú ý, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. “Trong khi đó công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở cai nghiện ở các tỉnh, thành phố phía Tây Nam bộ có nguy cơ quá tải. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện…” – ông Lập nói.

Thêm vào đó, ông Lập cũng cho biết các cơ sở này rất thiếu phác đồ điều trị, vì rất nhiều các loại nghiện khác nhau, mỗi loại nghiện cần một phác đồ điều trị khác nhau. Trong khi đó, các cơ sở lại đang rất hạn chế số bác sĩ, số người chuyên môn sâu về vấn đề y tế.

Hiện nay, ngành LĐTBXH đang điều trị Methadone cho 4.200 người, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã như là điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện rộng rãi tại các địa phương. Việc kiểm tra đánh giá về tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều diễn ra phổ biến, một bộ phận người nghiện điều trị nghiện thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng heroin và ma túy khác, hoặc bỏ liều...

“Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân do người nghiện và gia đình không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai. Ngoài ra, cán bộ tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên nghiệp…” - ông Lập nói.

Thí điểm cai nghiện bằng đông y

Để hỗ trợ cho các cơ sở công lập đang bị quá tải, nhiều đơn vị tư đã cùng phối hợp triển khai xây dựng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng. Một trong những mô hình làm tốt và mang lại hiệu quả đó chính là mô hình “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma túy” của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).

Hiện tại, mô hình này đang được triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội (tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm), và TP.HCM (tại quận 4, Bình Thạnh và quận 1). Thông qua mô hình, SCDI đã kết nối được các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ phù hợp với người sử dụng ma túy tại cộng đồng, nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện, vi phạm pháp luật do tác động của ma túy. Đặc biệt, mô hình còn góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.

Bộ Y tế đã “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine” tại tỉnh Điện Biên. Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp và hiện nay đã có 40 quốc gia trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, khu vực châu Âu có tới 59% các nước đang triển khai điều trị bằng Buprenorphine. Tại Việt Nam, điều trị nghiện bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS TP.HCM. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine cho thấy rất nhiều ưu điểm.

Thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy tại địa phương như: Thí điểm điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất như Cedemex, Bông Sen, Heantos… Nghiên cứu thí điểm tòa án ma túy; thực hiện mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lí và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; mô hình dự phòng nghiện ma túy cho nhóm nguy cơ cao.

Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), tính đến tháng 4.2019 trên cả nước hiện có 105 cơ sở cai nghiện công lập, hiện đang điều trị, cai nghiện cho gần 38.500 người nghiện, trong đó có gần 26.500 người cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Ngoài ra, gần 4.000 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, hơn 4.500 người nghiện không có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội và gần 3.500 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập.

Bộ LĐTBXH

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem