Tăng giờ làm thêm cần tính tới sức khỏe người lao động

Thùy Anh Thứ ba, ngày 15/03/2022 19:12 PM (GMT+7)
Vấn đề tăng giờ làm thêm được đề ra từ khá lâu nhưng chưa có hồi kết. Trong bối cảnh mới, nhiều bên cho rằng đã tới lúc cần phải tăng giờ làm thêm.
Bình luận 0

Doanh nghiệp và lao động cùng muốn tăng giờ làm thêm 

Những ngày vừa qua dư luận xã hội lại nóng hơn trước thông tin Chính phủ trình Chính phủ đề xuất tăng giờ làm thêm. Trước những khó khăn do Covid-19 gây ra với hoạt động sản xuất và kinh doanh và tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, nhiều hiệp hội doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động đã có kiến nghị tăng giờ làm thêm.

Cụ thể sáng nay (15/3), Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có kiến nghị liên quan tới việc điều chỉnh giờ làm thêm nhằm đảm bảo phục hồi sản xuất.

Theo đó, hiệp hội này đề xuất tăng "trần" thời gian làm thêm trong năm tới 400 giờ, bỏ quy định "trần" làm thêm trong tháng (quy định hiện tại là 40 giờ)…

tăng giờ làm thêm

Chính phủ đang đề xuất Quốc hội thông qua việc tăng giờ làm thêm nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trước bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Ảnh: Việt Niệm

Theo Hiệp hội, dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua khiến các doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại. Các báo cáo cho thấy nhiều doanh nghiệp bị giảm hiệu suất làm việc nghiêm trọng, xuống dưới 30-50%. Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do việc thiếu hụt lao động khi các thành phố thực hiện giãn cách và lao động về quê, lao động bị Covid-19 phải cách ly. 

Mặc dù tình hình kinh tế đã được khôi phục, các doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất nhưng việc thiếu hụt lao động khiến cho nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn trong việc hoàn thiện đơn hàng hay mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bởi vậy,  Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã có một số kiến nghị tăng giờ làm thêm trong năm lên tới 400 giờ/năm thay vì 300 giờ như trước đây và không phụ thuộc vào các ngành sản xuất. Đồng thời đề xuất bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng để tạo điều kiện linh hoạt trong sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và đối ứng với tình trạng thiếu hụt lao động do Covid-19 gây ra.

Về số giờ làm thêm trong năm, Hiệp hội kiến nghị tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ, không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất, để phù hợp với tình trạng thiếu hụt lao động do Covid-19 gây nên.

Theo Hiệp hội, việc tăng thêm ít nhất 100 giờ so với luật hiện hành cũng chỉ tương đương với 0,5 tháng làm việc, vẫn chưa thể bù đắp được so với quãng thời gian doanh nghiệp và người lao động phải ngừng việc do Covid-19.

Đồng thời, kiến nghị của Hiệp hội cũng nêu đề xuất bỏ tạm thời quy định Thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo Điều 62, Nghị định 145/2020/NĐ-CP với chính quyền địa phương. Việc thực hiện tăng giờ làm thêm nên giao cho doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận, tùy vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu tăng giờ làm thêm Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về nhà ở, giáo dục, y tế... chăm lo cho người lao động, giúp họ yên tâm làm việc và tạo ra năng suất lao động cao, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều lao động cũng chung mong muốn được tăng giờ làm thêm. Chị Nguyễn Thị Toán (Công ty Giày Hongfu Thanh Hóa) cho biết, chị rất mong được tăng ca để có thêm thu nhập cho gia đình.

"Trước khi dịch xảy ra thu nhập của tôi tương đối ổn định nếu có tăng ca. Thường giao động từ 7-8,5 triệu đồng/tháng. Từ khi có dịch, nhiều lần phải thực hiện giãn cách khiến việc làm thêm trở nên khó khăn thu nhập giảm sút nhiều", chị Toán nói.

Tăng giờ làm thêm chú ý tới sức khỏe người lao động

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn cãi nhiều lần. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, chúng ta chỉ tính toán cho tăng ở một mức độ nhất định.

Trước bối cảnh thực tế, khi nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh, hay đối mặt với việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất kinh doanh do vấn đề vận chuyển gián đoạn... thì việc tăng tốc sản xuất để bù đắp đơn hàng là việc cần thiết. Điều này tăng tính linh hoạt, trong hoạt động sản xuất doanh nghiệp qua đó tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng nên tăng giờ làm thêm, nhưng vẫn phải để trần theo tháng và theo năm, không thể bỏ. Vì nếu bỏ thì sức khỏe của người lao động có thể không được đảm bảo", bà Hương nói.

Cùng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội cũng cho rằng tăng "trần" giờ làm thêm tháng từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng và mở rộng mức giới hạn làm thêm 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề là phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Ông Lợi cho rằng làm thêm giờ là vấn đề thực tế đời sống, rất cần thiết cho cả doanh nghiệp và người lao động để xử lý chuyện thời vụ, đợt xuất khẩu hàng hóa và cũng là cơ hội nâng cao thu nhập của người lao động. Tuy nhiên tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người lao động.

tăng giờ làm thêm

Thực tế đã có nhiều lao động "ham" làm thêm tới mức kiệt sức. Vì vậy các chuyên gia đề xuất tăng giờ làm thêm vẫn phải giữ mức trần. Ảnh: Viết Niệm

"Bởi vậy vẫn phải để giới hạn trần tăng giờ làm thêm. Đồng thời tính toán phương án đảm bảo sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý. Đặc biệt, việc tăng giờ làm thêm chỉ nên áp dụng trong các ngành nghề, lĩnh vực có yêu cầu cấp thiết và trong thời gian nhất định", ông Lợi nói.

Còn về phía người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn cho biết cũng khá đồng thuận với quan điểm tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, đơn vị này đề xuất chỉ nên tăng trong khoảng thời gian nhất định, tối đa 2 năm tới năm 2023. Dù tăng giờ làm thêm nhưng vẫn để mức trần làm thêm theo tháng (không quá 72 giờ/tháng và không quá 400 giờ/năm).

"Điều này là cần thiết bởi thực tế có nhiều lao động vẫn còn nghèo khó, họ sẵn sàng bán sức lao động, tăng ca đến kiệt sức chỉ để gia tăng thu nhập lo cho gia đình. Câu chuyện này không hiếm trong giai đoạn trước, khi dịch Covid-19 xảy ra", ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) từng nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem