Tập Cận Bình và kỷ nguyên mới của Trung Quốc

Thứ sáu, ngày 16/11/2012 07:49 AM (GMT+7)
Dân Việt - Trung Quốc ngày 15.11 đã công bố thế hệ lãnh đạo mới của nước này, trong sự chào đón và kỳ vọng của hơn một tỷ người dân. Ông Tập Cận Bình, 59 tuổi đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Bình luận 0

Đặt lợi ích của dân lên trên hết

Sự ra mắt đầy mới mẻ của những nhà lãnh đạo thế hệ mới đã tạo nên dấu ấn và sự thu hút chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài đất nước Trung Quốc.

Gần 250 phóng viên nước ngoài của hơn 180 phương tiện truyền thông đại chúng đến từ 42 nước trên năm châu lục, gần 100 phóng viên của hơn 70 phương tiện truyền thông đại chúng đến từ Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) cùng phóng viên của hơn 60 phương tiện truyền thông đại chúng đại lục Trung Quốc đã có mặt tại hiện trường chứng kiến giờ phút lịch sử ra mắt này.

img
Ông Tập Cận Bình- Tân Tổng Bí thư Trung Quốc. Ảnh Tân Hoa xã.

Ông Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao CPC, xuất hiện với tác phong thư thái, song thể hiện sự thân thiện rõ nét. Ông giới thiệu các thành viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khác gồm ông Lý Khắc Cường , Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Lưu Vân Sơn, Vương Kỳ Sơn, và Trương Cao Lệ.

Khác với những lời hứa hẹn phát triển như thông lệ của một người vừa được nhậm chức, tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình, cho rằng để xứng đáng với lòng tin của nhân dân, đó là trọng trách lớn nhất của một nhà lãnh đạo. Trong bài phát biểu trước báo giới, ông đề cao vai trò của người dân Trung Quốc, cũng như niềm tin của họ đã gửi gắm vào Đảng Cộng sản.

Ông nhấn mạnh đến niềm “tự hào khi được giao trọng trách, song không “tự mãn”. Luôn gắn liền và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, CPC đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó có tham nhũng và tình trạng xa rời quần chúng, thói quan liêu của một số quan chức trong đảng. Những lời lẽ chặt chẽ, song rất gần dân của ông Tập Cận Bình đã được truyền thông Trung Quốc và thế giới đánh giá cao.

Ông Tập Cận Bình được đánh giá là người có kinh nghiệm trong cải cách kinh tế, chống tham nhũng. Ông ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng khá thận trọng về cải cách chính trị, chủ trương phát triển Trung Quốc với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và ổn định xã hội.

Thời khốn khó ở nông thôn

Nhớ lại những chặng đường đi lên vinh quang của ông Tập Cận Bình, giới truyền thông không thể bỏ qua thời hoa niên gian khó của ông. Ông Tập Cận Bình, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1953 tại Bắc Kinh, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Từ một cậu ấm được bao bọc, ông Tập Cận Bình đã có một quãng thời gian niên thiếu được tôi luyện trong môi trường sống khốn khó của người nông dân Trung Quốc thời bấy giờ. Tháng 12.1968, giống như hàng ngàn thanh niên trí thức cùng thế hệ, Tập Cận Bình khi đó 16 tuổi mang theo sách vở, tư trang xuống thôn Lương Gia Hà, xã Văn An Dịch, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây theo chỉ thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông: “Thanh niên trí thức phải về nông thôn, tiếp thu sự giáo dục của nông dânKhông quản thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sống tồi tàn, cậu bé Tập Cận Bình thời điểm đó thường xuyên phải ngủ trên đá và đi chân trần lao động. ”.

Hình ảnh mà người dân nơi đây nhớ mãi về Tập Cận Bình đó là một cậu bé ham học, ham đọc sách. Ngoài những công việc thường nhật như đào than, ngăn sông đắp đập, xây hầm biogas, Tập Cận Bình dành toàn bộ thời gian rỗi để đọc.

Tập Cận Bình luôn có thói quen bày những quyển sách mình yêu thích lên bàn rồi đọc từng cuốn, không ai có thể quấy rầy trừ khi muốn chứng kiến Tập Cận Bình nổi cáu. Dân vùng Văn An Dịch sống gần đồi núi, thường khoét núi làm nhà. Căn phòng Tập Cận Bình sống thời đó cũng vậy, được đào sâu vào núi. Giường nằm, bàn học đều đắp bằng đất. Những hôm không có điện, Tập Cận Bình thường dùng chiếc đèn của thợ mỏ để đọc sách.

Năm 1975, sau bảy năm lao động ở nông thôn, Tập Cận Bình được cử đi học tại Đại học Thanh Hoa - một trong những trường danh tiếng nhất Trung Quốc. Và từ đó con đường thăng tiến của Tập Cận Bình cứ nâng dần lên. Bất kể tệ tham nhũng lan tràn trong bộ máy quan liêu Trung Quốc, Tập Cận Bình không hề dính vào bất kỳ vụ tai tiếng nào.Tờ InoPressa ghi theo lời một người thân của ông, khuyết điểm “lớn nhất có thể thấy ở Tập Cận Bình là luôn có "những cuốn sách không trả đúng hạn cho thư viện”.

Dự kiến vào tháng 3.2013, ông Tập Cận Bình sẽ được bầu làm Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kết thúc nhiệm kỳ.

Ngày 15.11, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi lời "chúc mừng nhiệt liệt" tới ông Tập Cận Bình nhân dịp ông đảm đương chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem