Có 'bệ đỡ' nặng ký, Tập đoàn Trí Nam vẫn trượt gói thầu không có đối thủ cạnh tranh, vì đâu?

Minh Anh Thứ hai, ngày 11/09/2023 07:00 AM (GMT+7)
Trong năm 2023, tỷ lệ trúng thầu của Công ty Cổ phần tập đoàn Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam) lên tới gần 100%. Mới đây, doanh nghiệp này bất ngờ trượt gói thầu trị giá hơn 7 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình dù là đơn vị duy nhất dự thầu.
Bình luận 0

Tập đoàn Trí Nam "bất ngờ" trượt gói thầu không đối thủ cạnh tranh

Tập đoàn Trí Nam có địa chỉ theo đăng ký kinh doanh tại số 5 Dãy D, Ngõ 319 Đường Tam Trinh, Tổ 50, Phường Hoàng Văn Thụ, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Trường.

Thời gian qua, Trí Nam nổi lên là một đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt, trong hoạt động triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cộng đồng. Đơn vị này đã trúng nhiều gói thầu lớn của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước về lĩnh vực nêu trên.

Thống kê lịch sử đấu thầu của Trí Nam cho thấy, từ năm 2014 tới nay, với vai trò độc lập và liên danh, doanh nghiệp đã tham gia 182 gói thầu. Trong đó, Tập đoàn Trí Nam trúng trúng 90 gói, trượt 75 gói, 10 chưa có kết quả, 7 gói đã bị huỷ.

Công ty Cổ phần tập đoàn Trí Nam: Kinh nghiệm đấu thầu gần nghìn tỷ vẫn trượt gói thầu không có đối thủ cạnh tranh - Ảnh 1.

Cty Trí Nam đã trúng nhiều gói thầu công nghệ phục vụ tiện ích công cộng thời gian qua.

Tổng giá trị trúng thầu của đơn vị này lên tới hơn 969 tỷ đồng, hơn 50% số gói thầu, Trí Nam trúng với vai trò liên danh (531 tỷ đồng). Tính từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp này dự thầu 9 gói, trúng và được chỉ định thầu 7 gói.

Trong 2 gói thầu mới dự tại tỉnh Hòa Bình gần đây, Trí Nam trượt 1 gói, 1 gói chưa có kết quả. Nhà thầu này trượt Gói thầu số 4: Mua sắm thiết bị, phần mềm bản quyền và nâng cấp nền tảng dịch vụ tích hợp và chia sẻ dùng chung (LGSP) tỉnh Hòa Bình do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình chủ đầu tư.

Việc Trí Nam trượt gói thầu trị giá 7,3 tỷ đồng nêu trên được đánh giá là bất ngờ khi hoàn toàn "đơn thương, độc mã" tham dự. Đáng chú ý, nhà thầu bị đánh trượt với lý do chuyên môn khi không đáp ứng E-HSMT.

Trước đó, trong năm 2023 với các gói thầu tương tự, Trí Nam đã trúng và được chỉ định thầu 7 gói với tổng giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng. Thậm chí, trong một số gói, nhà thầu này với tư cách độc lập đã vượt qua các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thông tin như: CTCP Công nghệ Mobifine Toàn Cầu, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel,…

Vào tháng 7 vừa qua, Liên danh Trí Nam và Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng (GAET) đã trúng Gói thầu MS-01: Mua sắm 03 bộ tổng đài và thiết bị, vật tư đồng bộ do Bộ Tham mưu - Binh chủng Thông tin liên lạc làm chủ đầu tư.

Tham gia gói thầu trên, Trí Nam với tư cách liên danh chính đã vượt qua đối thủ với nhiều cái tên lớn là Liên danh Công ty cổ phần Viễn thông VTC - Công ty cổ phần Công nghệ Truyền thông DTS - Công ty TNHH thiết bị viễn thông ANSV (VTC-DTS-ANSV).

Cụ thể, Liên danh Trí Nam – GATE trúng gói thầu trên với giá 159,179 tỷ đồng, giảm gần 161 triệu đồng so với giá dự toán gói thầu. Qua đó, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách nhà nước đạt khoảng 0,1%.

Ngoài ra, một số gói thầu lớn khác Trí Nam cũng trúng với mức "suýt soát" giá dự toán như: Gói thầu: Cung cấp, lắp đặt hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm; Gói mua sắm thuê phần mềm quản lý đào tạo.

Hai gói thầu nêu trên có chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Giá các gói thầu là 17,560 và 11,7 tỷ đồng.

Cty Trí Nam trong vai trò độc lập và liên danh trúng 2 gói thầu với giá lần lượt 17,460 và 11,548 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách nhà nước 2 gói thầu ở quanh mức dưới 1%.

Hé lộ "bệ đỡ" của Tập đoàn Trí Nam

Dữ liệu của Dân Việt cho biết, vào tháng 5/2018, ba cổ đông sáng lập của Tập đoàn Trí Nam gồm ông Đỗ Bá Dân, ông Nguyễn Quang Thắng, và ông Nguyễn Mạnh Trường nắm giữ 100% vốn của Tập đoàn Trí Nam với tỷ lệ sở hữu chia đều cho 3 cổ đông. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Tập đoàn Trí Nam là 18 tỷ đồng. Đến tháng 2/2020, trong khoảng 21 tháng, sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của Tập đoàn Trí Nam đạt mức 150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Trong 2 năm trở lại đây, khách hàng của Tập đoàn Trí Nam chủ yếu là Cục Bảo trợ Xã hội; Ban quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tập đoàn Đèo cả; Tập đoàn Cienco 4; Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – Công ty TNHH; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Công ty cổ phần BOT Cầu Bạch Đằng; Viện khoa học hình sự...

Tập đoàn Trí Nam cũng có quan hệ kinh tế với Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Meey Land.

Hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm giá trị gia tăng cao, ngành đang "hot" như Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu... nhưng số liệu tài chính cho thấy Trí Nam hoạt động không mấy hiệu quả nếu xét về kết quả kinh doanh khi doanh thu mang về hàng trăm tỷ, nhưng lợi nhuận nhỏ giọt vài tỷ đồng. Đơn cử như giai đoạn 2016 -2020, doanh thu Trí Nam ghi nhận 100 tỷ đồng/năm đến 338,5 tỷ đồng/năm, nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 1,9 tỷ đồng đến hơn 4 tỷ đồng/năm.

Tỷ suất sinh lợi thấp là điều doanh nghiệp không mong muốn. Nhưng ở góc độ khác, lợi nhuận thấp "giúp" Tập đoàn Trí Nam giảm thiểu được chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem