Tập huấn ngắn, hiệu quả cao, nông dân Bình Thuận "tằng tằng" đi lên

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 29/07/2018 18:40 PM (GMT+7)
Nhằm giúp nông dân nâng cao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nền nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh dạy nghề, nâng cao sản xuất, mang lại thu nhập cao cho bà con.
Bình luận 0

Tập huấn ngắn, hiệu quả cao

Thăm trang Trại Phúc An của anh Nguyễn Quốc Nguyên Vũ, tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Ninh Thuận), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những giàn thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP của anh.

Anh Vũ cho biết 20 năm quen với lối canh tác cũ, khi chuyển qua sản xuất theo quy trình mới, chặt chẽ và khoa học hơn, nhưng thời gian đầu anh gặp không ít bỡ ngỡ. “May mắn được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn của các chuyên gia nông sản sạch, tôi cũng như nhân công của mình giờ đây đã thuần thục với các công đoạn, quy trình chăm sóc theo chuẩn toàn cầu” – anh Vũ nói.

img

Nhiều hộ gia đình ở Bình Thuận đã vươn lên thoát nghèo nhờ chuyển giao trồng cây măng tây.  Ảnh: T.L

Mục tiêu của tỉnh Bình Thuận từ 2018-2020 là đào tạo nghề cho 16.000 LĐNT, trong đó đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp cho 5.650 người, đào tạo nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp cho 10.350 người. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động.

Sở LĐTBXH tỉnh Bình Thuận

Hiện, hơn 25ha thanh long ruột trắng đã cho thu hoạch, trang trại đang tiếp tục trồng thêm 20ha thanh long ruột tím hồng cũng theo chuẩn GlobalGAP. Tất cả sản phẩm thanh long của anh đều được xuất đi một số thị trường trên thế giới. Chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, New Zealand, Canada và Úc.

Mô hình trồng măng tây xanh cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm cho các nông dân các xã Tiến Lợi, Tiến Thành (Phan Thiết), Tân Thuận (Hàm Thuận Nam)… theo hình thức liên kết với doanh nghiệp để chuyển giao giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Anh Lê Xuân Lực (Tân Thuận, Hàm Thuận Nam), cho biết: Với 1.000m2  trồng cây măng tây, trung tâm hỗ trợ  cây giống, nhà lưới, hệ thống tưới theo chính sách. Chi phí lưới, cột bê tông, hệ thống tưới… khoảng 50 triệu đồng/sào.  Ước tính, khi cây trưởng thành tốt, mỗi sào măng tây cho thu hoạch trung bình 10kg măng/ngày. Với giá bán 50.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, người trồng lãi 300.000 đồng/sào.

“Vui nhất là thời gian tập huấn chuyển giao kỹ thuật của trung tâm ngắn, nhưng bà con chúng tôi lại tiếp thu nhanh, nhiều kiến thức áp dụng ngay được vào sản xuất. Hiện tại, mô hình trồng măng tây được nhân rộng ra nhiều xã thuộc huyện  Hàm Thuận Nam” – anh Lực nói.

Chuyển giao kỹ thuật tại các huyện miền núi

Bình Thuận hiện có trên 300.000 lao động ở nông thôn, phần lớn lao động nông thôn (LĐNT) trước đây sản xuất theo tập quán, mùa vụ nên năng suất lao động chưa cao, thu nhập và đời sống của người dân còn khó khăn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Thuận, nhờ được đào tạo nghề mà hàng nghìn LĐNT ở đây đã được nâng cao kiến thức, tiếp cận thông tin về kinh tế thị trường. Thêm vào đó họ cũng được tiếp cận khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, làm giảm chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm tốt hơn.

“Thực tế cho thấy các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày nhằm truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cao su, cây thanh long, măng tây, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp… ở nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đang đạt được kết quả cao. Nhờ vậy tạo điều kiện cho LĐNT có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả” – bà Tâm nói.

Thời quan qua các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông (Sở NNPTNT tỉnh) còn liên kết, phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, trạm khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo lớp chuyên ngành lái xe, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, thú y, mộc dân dụng…; đồng thời, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho nông dân. Nhờ vậy, hơn 92% LĐNT sau học nghề đã có việc làm.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Thuận, trong năm 2017, địa phương này tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 11.314/10.000 người, đạt 113,14% kế hoạch năm và bằng 101,3% so với năm 2016. Trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT là 7.103/7.000 người, đạt 101,47% kế hoạch năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem