Thăm quê cụ Chu Văn An ở Hà Nội

Nguyễn Văn Ất Thứ bảy, ngày 11/11/2023 14:42 PM (GMT+7)
Chu Văn An tên thật là Chu An, tên chữ là Linh Triệt, sau về ẩn cư thì xưng hiệu là Tiều Ẩn. Khi ông mất, được vua phong tước Văn Trinh Công, nên người đời sau mới gọi là Chu Văn An.
Bình luận 0

Ông sinh ra tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sử sách không chép rõ ông sinh năm nào, nhưng theo thần tích tại đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm Thành Hoàng, thì ông sinh năm Nhâm Thìn 1292 và mất năm Canh Tuất 1370.

Chu An là người chính trực, không màng danh lợi. Ông đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ), nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà mở trường dạy học. Học trò của Chu An lên đến vài ngàn người, xa gần đều biết tiếng, đến mức mà vua Trần Minh Tông vời ông ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám (tức Hiệu trưởng).

Chu An là thầy dạy của hai vị hoàng tử mà sau này đều trở thành vua là Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông. Thế nhưng, đến năm 1357, sau khi thượng hoàng Minh Tông băng hà, vua Dụ Tông được nắm trọn đại quyền nên bắt đầu lao vào cuộc ăn chơi, nghe lời xúc xiểm của đám nịnh thần, triều đình trở nên thối nát. Trong khi chính sự suy đồi, tình thế nhiễu nhương, Chu An đã nhiều lần can gián vua và cũng là học trò của mình. 

Thăm quê cụ Chu Văn An ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đình thờ Chu Văn An tại quê nhà xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Văn Ất.

Cuối cùng ông đã hiên ngang dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần mà sử sách gọi là "Thất trảm sớ". Sớ này ngày nay đã thất lạc nên không biết rõ chính xác tên của 7 tên nịnh thần mà Chu An xin chém. Nhưng qua việc vua Dụ Tông từ chối lời đề nghị của thầy mình là Chu An, cũng đủ thấy thế lực và ảnh hưởng của 7 tên nịnh thần ấy lớn dường nào!

Thỉnh cầu không được vua chấp nhận, quan Tư nghiệp Chu An lập tức cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn, dạy học, viết sách cho tới cuối đời.

Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội quê hương của cụ Chu Văn An là một làng cổ, chạy dọc sông Tô Lịch trên chiều dài chừng hơn 1 km, bên sông này có cầu Quang Bình bắc qua, nối làng với làng Bằng Liệt; lại có Cầu Tó bắc song song trên đường 70 Văn Điển - Hà Đông, không chỉ thuận tiện cho đi lại mà còn tạo ra cảnh quan đẹp.

Thanh Liệt là vùng đất cổ, sớm được người Việt đến tụ cư, khai phá. Năm 1926, làng đã có đến 2091 nhân khẩu. Đây là quy mô làng rất lớn ở thời kỳ đó.

Trước đây Thanh Liệt đã có nhiều đặc sản: vải của Thanh Liệt được Nguyễn Trãi nhắc đến trong sách Dư địa chí; còn nhãn lồng được ví ngang ổi làng Định Công ("ổi Định Công, nhãn lồng Kẻ Quang").

Làng có chợ Quang họp đầu cầu Quang Bình (nối với làng Bằng) khá sầm uất. Chợ Quang họp ngay dưới gốc cây gạo cổ thụ đầu cầu. Cây gạo này cùng với hai cây phi lao trong trại ấp của nhà ông Phán Thành (hiện nay là trường tiểu học Thanh Liệt, nằm giữa địa giới hai xóm Tràng và Mụ) từ xa xưa là cái mốc để người Thanh Liệt đi xa về nhận biết làng xóm mình. Cho đến những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, từ cách xa gần chục cây số, người đi trên đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, ngã tư Vọng, Giáp Bát, Pháp Vân... vẫn nhìn thấy rõ các cây này vươn lên trời cao.

Trước đây xã Thanh Liệt có 10 xóm: Thượng, Chùa Nhĩ, Bơ, Nội, Cầu, Giữa, Tràng, Mụ, Vực, Văn; 9 xóm liền nhau thành một dải; riêng xóm Văn, quê Chu Văn An, nằm riêng biệt bên kia sông Tô Lịch.

Một điều đặc biệt đáng nói đó là các công trình phúc lợi có rất sớm ở Thanh Liệt. Những năm đầu thế kỷ XX, khi Tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu (dân quen gọi là Ông Thiếu Hà Đông, ông làm Tổng đốc Hà Đông bắt đầu từ năm 1906 và ở chức vị này trên 20 năm). Ông là người có đầu óc canh tân và muốn cho tỉnh Hà Đông phát triển, Thanh Liệt là nơi được ông áp dụng nhiều chính sách và công việc mở mang. 

Trong thời gian này, ông cho lập trường tiểu học Thanh Liệt - trường tiểu học thuộc loại sớm nhất trong vùng (nằm trên đất xóm Tràng nhìn ra sông Tô Lịch, ngoài toà nhà kiến trúc khá đẹp với các phòng học còn có khoảng đất rộng làm sân vận động), nhà Ấu trĩ (nằm trên đất xóm Bơ), xây dựng giếng máy (giếng khoan dùng bơm quay tay để bơm nước), nhà hộ sinh (nằm trên đất xóm Giữa nhìn ra sông Tô Lịch), dùng vật liệu dỡ bỏ của chợ Hàng Da mang về để xây quán chợ Quang, xây cầu Quang Bình (có trụ bằng bê tông cốt thép) nối với làng Bằng. Những công trình này có cái tồn tại và hoạt động cho đến những năm 70, 80 của thế kỷ XX mới bị xuống cấp, dỡ bỏ hoặc thay thế.

Con đường chạy dọc bờ sông Tô Lịch nối từ đường Nguyễn Trãi (gần Ngã Tư Sở) tới đường 70 ở Cầu Tó, hiện nay được đặt tên là đường Khương Đình và đường Kim Giang, xưa chỉ là đường đất. Đến năm 1939 con đường mới được rải đá. Người bỏ tiền ra rải đá con đường là một người giàu có ở xã Thanh Liệt, tên ông là Sáu Nhàn. Trại tạm giam Thanh Liệt hiện nay của Bộ Công an chính là dinh cơ ngày xưa của ông Sáu Nhàn. Đến năm 1968 đoạn đường qua xã Thanh Liệt mới được trải nhựa.

Ở Thanh Liệt có đình thờ Cụ Chu. Đó là Đình Nội nơi thờ Chu Văn An vốn xa xưa là ngôi đền cổ, đến thời Lê Trung hưng trở thành văn từ thờ các vị khoa bảng trong làng. Nên khi xây đình các vị tiến sĩ đại khoa cũng được phối thờ. Đình được khởi dựng vào năm Ất Dậu (1765). Mùa xuân năm Nhâm Dần (1892) đình được mở rộng. Đình còn được trùng tu vào năm 1921. Đến năm Nhâm Ngọ 1942 xây thêm nhà thuỷ toạ rất đẹp. Đình Nội được xây trên khu đất cao, thoáng rộng ở giữa làng, hướng đông bắc nhìn ra sông Tô Lịch. Kiến trúc kiểu chữ công với ba nếp nhà cao thấp khác nhau. 

Trước đây di tích là một khối liên hoàn chặt chẽ gắn kết với nhau. Những năm chiến tranh chống Mỹ, con đường trước cửa đình được mở rộng để thuận tiện cho các loại vũ khí phòng không của quân đội ta cơ động chiến đấu, ngôi đình bị chia đôi với nhà Thuỷ đình. Năm 2010, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ngôi đình được trùng tu và chẳng hiểu sao nhà Thủy tọa đã bị phá bỏ. 

Nay nghe nói Khu tưởng niệm Cụ Chu Văn An đang được quy hoạch để xây dựng với diện tích gần 50 hec-ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem