Thanh Hóa: Nông dân thuê 120.000 đồng/người/ngày để đi… vớt ngao chết

Bùi Oanh- Hồng Đức Thứ tư, ngày 04/01/2017 14:32 PM (GMT+7)
Nửa tháng trở lại đây, hàng trăm tấn ngao chết bất thường tại các xã Hải Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa) khiến người nuôi trắng tay. Không chỉ vậy họ còn phải thuê nhân công đi với ngao chết với giá 120.000 đồng/ngày công.
Bình luận 0

img

Hàng nghìn tấn ngao chết trắng bãi, người nuôi phải thuê nhân công đi thu gom ngao chết đem đi xử lý. Ảnh Hồng Đức

Dọc các bãi nuôi ngao ven biển các xã Hải Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc), tình trạng ngao chết há miệng la liệt, bốc mùi hôi thối. Trên bãi, hàng trăm người được các chủ hộ nuôi ngao thuê đi thu gom ngao chết để mang đi xử lý nhằm vớt vát số ngao còn lại.

Mất tết vì ngao chết

img

Ông Mai Văn Thủy (thôn Tân Lộc, Hải Lộc) không khỏi xót xa cho biết: Gia đình có 2ha ngao nuôi, nếu cho thu hoạch được 100 tấn, giá thị trường 10.000 đồng/kg thì năm nay nhà ông mất ngót 1 tỷ chỉ trong nữa tháng. Ảnh Hồng Đức

Đứng trên bờ, hướng đôi mắt tiếc nuối ra biển, anh Phạm Văn Ba (38 tuổi, trú tại thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, Hậu Lộc) lắc đầu ngao ngán, chia sẻ: Tôi nuôi ngao từ năm 2006, nhưng chưa năm có hiện tượng ngao chết bất thường với diện tích lớn như năm nay. Gia đình tôi có hơn 16ha nuôi ngao, trong đó, có 10ha nuôi ngao thương phẩm và 6ha ngao giống, tổng đầu tư năm nay gần 9 tỷ. Thời điểm này là thời điểm ngao cho thu hoạch nhưng giờ thì bị chết trắng hơn 90%, phần còn lại đang chết lác đác.

“Khoảng 3 năm trở lại đây ngao thường bị chết nhiều vào dịp trước và sau tết âm lịch, nhưng chỉ chết khoảng 30%, nhưng năm nay mất trắng. Thời điểm ngao chết, tôi phát hiện trên bãi có nhiều tua mực, nhầy mực và có mùi hôi khó chịu, rất có thể nguyên nhân ngao chết là do việc xả thải của các công ty chế biến thủy hải sản trên biển”- anh Ba tâm sự.

Ngao chết, không những mất trắng số tiền lớn mà gia đình anh bà con phải bỏ tiền ra thuê 30 lao động mỗi ngày với giá 120.000 đồng/ngày để đi thu gom ngao chết đem đi xử lý, làm sạch môi trường nuôi.

Không dấu được nỗi buồn, anh Đinh Văn Tập (51 tuổi, thôn Y Bình, xã Hải Lộc, Hậu Lộc) buồn bã, nói: Nhà tôi nuôi ngao từ năm 2000 đến nay đây là lần ngao chết “đau” nhất. Với 5ha diện tích nuôi ngao nếu cho thu hoạch đúng thời vụ khoảng 500 tấn, giá ngao thương phẩm 10.000 đồng/kg thì năm nay tôi cầm chắc 5 tỷ trong tay, trừ chi phí cũng còn hơn 2,5 tỷ đồng. Nhưng giờ ngao chết trắng hết thế này thì tôi biết lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng.

Thu thập mẫu nước để kiểm tra

img

Người dân đã bắt quả tang một thuyền đang chở 14 thùng chất thải chết biến mực ra biển đổ. Ảnh Bùi Oanh

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Hậu Lộc, từ trung tuần tháng 12.2016 đến nay có hơn 40 ha diện tích ngao chết tại 2 xã Hải Lộc và Đa Lộc. Ngay sau khi nhận được tin ngao nuôi bị chết, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp, trạm thú y huyện phối hợp với cán bộ chuyên môn của Chi cục Thú y, Phòng nuôi trồng thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa) xuống kiểm tra, giám sát thu thập mẫu nước và mẫu ngao bị bệnh gửi Trung tâm chuẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm.

Đến ngày 27.12.2016, kết quả xét nghiệm của Trung tâm chuẩn đoán thú y Trung ương (Chi cục thú y) cho thấy: “Ngao nuôi không mắc bệnh truyền nhiễm perkinsus (là bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan thành dịch và phải công bố dịch).

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản- Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc, cho biết: Trước tình hình ngao chết, huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng xuống vùng ngao chết năm tình hình, lấy mẫu nước và mẫu ngao gửi đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.

Trước mắt, huyện chờ cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân ngao chết. Đồng thời, huyện chỉ đạo xã và các hộ nuôi thu gom, xử lý ngao chết để làm sạch môi trường nuôi. Đối với con ngao không bị chết mà đủ kích cỡ thương phẩm thì người nuôi có thể thu hoạch đem bán. Khuyên khích người nuôi san thưa nơi có mật độ ngao dày sang để  làm thưa mật độ. Động viên, tư tưởng bà con ổn định tinh thần.

“Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cán bộ, người dân trên địa bàn xã về các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ra môi trường biển. Trong thời điểm này, huyện sẽ thống kê, già soát lại diện tích ngao bị thiệt hại và tìm biện pháp hỗ trợ người nuôi”- ông Toản cho biết.

Trước đó, ngày 31.12.2016, người dân phối hợp với công an xã đã bắt quả tang một thuyền đang chở 14 thùng chất thải chế biến mực ra biển đổ. Tại thời  điểm bắt, chủ thuyền đã đổ được 11 thùng, còn 3 thùng được người dân phối hợp với cơ quan chức năng đem về trụ sở xã Hải Lộc.

Hiện, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm, hiện vẫn đang chờ kết quả mẫu nước.

Danviet.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem