Thanh long rớt giá, nông dân vẫn chong đèn, ít quan tâm đến cửa khẩu đóng mở ra sao

Nguyễn Vy Thứ hai, ngày 02/05/2022 06:35 AM (GMT+7)
Thanh long vẫn là cây trồng chủ lực trong nước. Đợt khủng hoảng giá vừa qua buộc nông dân phải thay đổi cách nghĩ về hiệu quả kinh tế của thanh long để tìm cách làm phù hợp.
Bình luận 0

Bà Hồ Thị Bạch Hoàng - Giám đốc HTX thanh long Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) kể, thanh long rớt giá không phải chuyện mới. Thế nhưng, đợt rớt giá lần này kéo dài quá lâu đã đẩy nhiều nông dân đến tình trạng khủng hoảng.

Theo bà Hoàng, giá giảm vì dịch Covid-19 là điều dễ hiểu nhưng do nhiều nông dân vẫn chủ quan thành ra bất ngờ.

Giá thanh long giảm sâu vào cuối năm 2021 (âm lịch). Một tuần trước Tết Nguyên đán, giá bất ngờ tăng. Nhiều nông dân đánh cược khi tiếp tục chong đèn thanh long mà ít quan tâm đến tình hình nơi cửa khẩu biên giới. Ăn tết xong chừng nửa tháng thì cửa khẩu lại đóng, giá thành long lại rớt. Đầu tháng 4, giá thanh long bắt đầu nhích lên nhưng chưa ổn định.

gop/ Cần tư duy mới cho chu kỳ trồng trọt mới - Ảnh 1.

Nhiều vườn thanh long nghịch vụ ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) chín đỏ vườn nhưng nông dân không bán được. Ảnh: Trần Khánh

Bà Hoàng cũng là chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo và chế biến nông sản. Ở góc độ kinh doanh, bà Hoàng kể, có nhiều doanh nghiệp (DN) đã thua lỗ rất nặng. Thế nhưng, thua lỗ của DN khác với thua lỗ của nông dân vì họ dám chấp nhận lời ăn lỗ chịu.

Nhiều nông dân thua lỗ thì kêu gọi HTX, DN giúp đỡ. Nhưng chính HTX, DN lúc này cũng ở trạng thái quờ quạng, phải tìm "phao cứu sinh" khắp nơi.

Vị đại diện HTX Hàm Kiệm cho rằng, cung cầu phải tương ứng mới đem lại lợi nhuận. Làm nông cũng là làm kinh tế, có thắng có thua. Hơn nhau là ở chỗ hạn chế được rủi ro, cắt giảm thua lỗ đến mức thấp nhất.

Bài học vừa qua khiến HTX Hàm Kiệm phải tư duy lại việc sản xuất thanh long. Đã có nhiều hộ, trại chủ động giảm diện tích sản xuất. Bà Hoàng chia sẻ, HTX Hàm Kiệm chọn cách rải vụ, giãn vụ.

Bà Nguyễn Thị Hiền trồng 1.500 trụ thanh long ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Cả 3 lứa thanh long nghịch vụ vừa qua, bà không bán được. Bà đã chặt bỏ bớt 500 trụ thanh long già cỗi. 1.000 trụ còn lại, bà vẫn duy trì chăm sóc. Tuy nhiên, do giá vật tư tăng cao, bà Hiền chỉ bón một nửa lượng phân bón so với trước để tiết kiệm chi phí.

Ông Võ Văn Nguyên trồng 300 trụ thanh long ở xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc) kể, ông đã chi phí hết 3 triệu đồng phân gà, 2 triệu đồng phân hóa học. Vừa qua, ông bán thanh long giá 8.000 đồng/kg. So với giá thành 7.000 đồng/kg thì tiền lãi 1.000 đồng/kg chỉ là lấy công làm lời.

Tuy nhiên, ông Nguyên vẫn tin tưởng tương lai của cây thanh long: "Hiện nay đã có nhiều nông dân chăm sóc theo hướng hữu cơ, giảm giá thành. Mặc dù vậy, bà con nông dân vẫn cần có thêm nhiều DN để kết nối với các thị trường khó tính".

Bà Bạch Hoàng gợi ý, nông dân nên tính đến phương án lập quỹ dự phòng. Đây là cách mà nhiều DN đang làm, nhằm đề phòng rủi ro thị trường và dịch bệnh để bình ổn sản xuất.

Theo Thạc sỹ Võ Tòng Anh - cố vấn cấp cao Công ty CP Phân bón Miền Nam, 3 thập kỷ vừa qua, nông dân Bình Thuận chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp. Nông dân chỉ chú trọng tạo ra sản lượng và mẫu mã đẹp, bất chấp khuyến cáo.

Khi đổ xô làm theo cái lợi trước mắt, hiệu quả mang lại chỉ trong ngắn hạn. Và sau đó tất cả cùng thua lỗ. Tư duy sản xuất nông nghiệp kiểu cũ cần chấm dứt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem