“Thất hổ tướng Tây Sơn" - Võ Đình Tú: Trúng đạn, nằm gục trên lưng ngựa và... cái kết

N.N Thứ tư, ngày 20/03/2024 22:50 PM (GMT+7)
Võ Đình Tú trúng đạn, nằm gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy khỏi chiến trường, chạy một mạch về quê hương ông ở Phú Phong. Đến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết, còn Võ Đình Tú cũng đã lạnh hết chân, tay, nhưng ông đã vượt qua kiếp nạn thấp tử nhất sinh...
Bình luận 0

Sau khi vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh được đưa lên nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lúc ấy, vì Bùi Đắc Tuyên là cậu ruột của vua Cảnh Thịnh được sủng ái nên được làm Thái sư và cũng từ đó mỗi ngày Tuyên càng thêm lộng quyền. Các quan đại thần trong triều nếu người nào ngả theo Tuyên thì được ưu đãi, người nào ra mặt chống đối thì bị hại, người nào thờ ơ thì bị đẩy đi xa. Do đó, tình hình trong triều xảy ra nhiều lộn xộn, kết bè phái chống đối nhau.

Khi ấy, Võ Văn Dũng đang trấn thủ Bắc Hà bị gọi về, nhân đó ông đã tìm cớ diệt Bùi Đắc Tuyên và đồng bọn. Vì chưa hiểu rõ sự tình nhưng Trần Quang Diệu đã kéo binh về nhằm bảo vệ triều đình. Khi hai bên dàn quân sắp đánh nhau thì Võ Đình Tú lấy tình quen thân với cả đôi bên, rồi xin phép vua Cảnh Thịnh đã đứng ra hòa giải. Trước tiên, Võ Đình Tú đến gặp Võ Văn Dũng, phân tích sự được mất khi hai đại thần chống đối nhau:

“Thất hổ tướng Tây Sơn" - Võ Đình Tú: Trúng đạn, nằm gục trên lưng ngựa và... cái kết- Ảnh 1.

Tượng thờ Võ Đình Tú. Ảnh: IT.

- Sở dĩ Trần Quang Diệu phải bỏ Quy Nhơn kéo thủy binh về là chỉ lo cho kinh thành xảy ra biến loạn. Nay Trần Quang Diệu về rồi thì xin cho hai bên gặp nhau để hiểu rõ nguyên nhân.

Tiếp theo, Võ Đình Tú bơi thuyền qua sông Hương, đến vùng An Cựu để gặp Trần Quang Diệu. Tại đây, Võ Đình Tú phân tích rõ sự chuyên quyền của Bùi Đắc Tuyên rồi sẽ làm hư sự nghiệp lớn của nhà Tây Sơn. Vì vậy, Võ Văn Dũng phải ra tay diệt trừ mầm họa. Bây giờ chỉ còn một việc đại sự là phải hàn gắn lại tình đoàn kết của các đại thần trong triều để cùng chung lo việc đánh thắng đội quân của Nguyễn Phúc Ánh.

Nhờ lời hòa giải ấy của Võ Đình Tú mà Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu kết nối lại tình xưa, cùng nhau vào bệ kiến vua Cảnh Thịnh. Sau đó, cả ba người đều được vua Cảnh Thịnh phong chức và giao lo việc triều đình. Nhưng vua Cảnh Thịnh còn nhỏ lại ưa nghe theo lời dèm pha nên đã phong cho Võ Đình Tú chức Binh bộ Tham tri và được vào coi quân ở Phú Yên, Quy Nhơn. Mục đích này của vua Cảnh Thịnh là để phân tán lực lượng có thể chống đối mình là bộ ba Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú.

Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh đem binh vào cửa Thị Nại. Còn tướng Võ Tánh và tướng Nguyễn Huỳnh Đức của nhà Nguyễn thì đem quân lên đóng ở Hàm Long, thuộc huyện Tuy Phước. Núi Hàm Long còn có tên gọi là núi Cần Úc và là một độc sơn, không cao lớn nhưng nằm trong phạm vi thôn Thuận Nghi, hình giống như một cái đầu rồng, miệng há rộng. Còn sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi này thì quành xuống phía đông, rồi chảy ra đầm Thị Nại tạo thành cánh cung ôm lấy chân núi.

Võ Đình Tú đang đi kinh lý ở Phú Yên, được tin quân Nguyễn Phúc Ánh đổ bộ vào Quy Nhơn nên vội kéo quân về và đi thẳng lên núi Cần Úc đánh quân Võ Tánh. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm. Trước tình thế đó, Võ Tánh đã dùng kế trá bại, còn cho Nguyễn Huỳnh Đức phục binh trên núi. Thừa thế thắng, Võ Đình Tú giục quân đuổi theo. Ngay lúc đó, tên từ trên núi bắn xuống như mưa, chen vào đó là nhiều súng nổ, quân Tây Sơn trúng tên, lớp chết, lớp bị thương.

Võ Đình Tú tả đột hữu xông, cây thiết côn tỏa thành một đạo thanh quang gạt phăng hàng vạn mũi tên bắn vun vút vào người, vào ngựa. Nhưng gạt được tên mà không gạt được đạn đồng. Võ Đình Tú trúng đạn, nằm gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy khỏi chiến trường, chạy một mạch về quê hương ông ở Phú Phong. Đến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết, còn Võ Đình Tú cũng đã lạnh hết chân, tay.

Lời bàn:

Binh pháp Tôn Tử có dạy rằng: Khi hòn đá lăn xuống chân đồi, người chiến binh giỏi sẽ vận dụng được đà lăn, người yếu đuối sẽ trốn chạy và người không biết sẽ bị đè bẹp. Và các thủ lĩnh Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ đã vận dụng được cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành anh hùng kiệt xuất của nông dân Việt Nam, một nhà chiến lược thiên tài, một anh hùng dân tộc rạng rỡ, có nhiều cống hiến xuất sắc trong công cuộc chống ngoại xâm và lập lại nền thống nhất đất nước vào thế kỷ XVIII. Vì thế, mặc dù thời đại Tây Sơn tồn tại chỉ hơn 30 năm (1771-1802), nhưng đã trở thành dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc, trong ký ức của nhân dân và là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.

Để có được những trang sử hào hùng ấy, mỗi khi nhắc đến phong trào Tây Sơn, chúng ta không thể quên cuộc đời cũng như sự nghiệp của các tướng lĩnh và văn thần tiêu biểu của đất Bình Định thời ấy, như: Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết. Trí tuệ và tài năng cũng như những chiến công hiển hách mà họ đã đóng góp cho sự nghiệp Tây Sơn là vô bờ bến và sử sách không thể ghi hết. Và điều đọng lại sau giai thoại này là hậu thế sống như thế nào để xứng đáng với các bậc tiền nhân!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem