Thất thu 650 tỷ đồng/năm vì buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam

Thứ tư, ngày 16/01/2013 08:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình trạng buôn lậu đường đang diễn ra "như cơm bữa" ở biên giới Tây Nam. Thế nhưng, nghịch lý là đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh An Giang khi kiểm tra hàng lậu trên bờ lại... không phát hiện được gì.
Bình luận 0

Rầm rộ kiểm tra nhưng...

Dịp giáp tết, hàng lậu ồ ạt tràn vào Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Để ngăn chặn hàng lậu, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương, Phó ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang đã ký Quyết định 04/QĐ-BCĐ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổng kiểm tra hàng lậu, gian lận thương mại dọc tuyến biên giới từ 14 đến 31.1.

Và ngay trong ngày 14.1, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang chủ trì đã "ra quân"… đột kích các kho hàng nghi là hàng nhập lậu tại huyện An Phú - điểm nóng hàng nhập lậu giáp ranh Campuchia. Thế nhưng, đoàn đi tới đâu cũng gặp phải cảnh "vườn không nhà trống" tới đó: Kho thì ngừng hoạt động từ lâu, kho thì chủ bỏ địa phương đi đâu không rõ… Kết quả, đoàn kiểm tra không thu được kết quả gì.

img
Chuyển đường lậu từ ghe lớn sang vỏ lãi.

Cùng thời điểm này, PV NTNN không đi theo đoàn, mà tự dùng nhiều phương tiện đi dọc tuyến biên giới và ghi được cảnh hàng lậu ầm ầm đổ vào Việt Nam, cả thủy lẫn bộ. Từ cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú), PV thuê xuồng máy xuôi về hướng xã Khánh An, cũng thuộc An Phú. Tại địa bàn xã Khánh An là dãy nhà kho gần chục cái cặp theo bờ sông.

Trong khi các kho chứa nông sản chỉ làm cầu gỗ để di chuyển hàng, thì có một nhà kho rất lớn được lắp băng chuyền ra thẳng phía sông. "Kho này của "Tỷ đường" (tên thật là Vi Ngươn Thạnh) - trùm buôn lậu đường Thái Lan ở khu vực này. Do lượng hàng nhập quá lớn nên phải dùng băng chuyền mới tải nổi" - người dẫn đường nói.

Ngày 14.1, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Vi Ngươn Thạnh, người có biệt danh là "Tỷ đường" để xác minh xem kho đường ở Khánh An có phải của ông hay không. Ông Thạnh cho biết, kho này là do chị ruột của ông là bà Vi Mai đứng tên.

Bên kia bờ sông là đất Campuchia, chúng tôi đếm được có 8 chiếc ghe loại 70 - 100 tấn chở khẳm đường đang đậu. Những chiếc vỏ lãi gắn máy công suất lớn đang đậu cặp hông ghe lớn để bốc hàng. Hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được là, sau khi bốc đầy hàng lên chiếc vỏ lãi có ký hiệu "00... " vẽ bằng sơn trắng, rồi lái tàu cho vỏ lãi đâm thẳng qua kho chứa hàng của "Tỷ đường". Tại đây, nhóm bốc vác thảy các bao chứa đường lên băng chuyền, chạy thẳng vào kho. Theo quan sát của chúng tôi, từ sáng đến chiều 13.1, toàn bộ số đường trên sông được chuyển hết vào kho, ước tính hàng trăm tấn.

Cả năm chỉ phát hiện được… 2 tấn đường lậu

Năm 2012, Chi cục QLTT tỉnh An Giang phát hiện gần 1.800 vụ vi phạm hàng hóa với tổng giá trị hàng hóa gần 15 tỷ đồng; trong đó hàng cấm, hàng nhập lậu là 9,7 tỷ đồng. Trong số này, đường cát Thái Lan nhập lậu bị phát hiện, thu giữ chỉ có… 2 tấn. Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trung bình hàng năm có khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu Lào và Campuchia, chiếm 20-30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, dọc biên giới Tây Nam giáp Campuchia, lượng đường nhập vào chủ yếu qua ngả An Giang, mỗi năm cả trăm ngàn tấn.

Theo giới cửu vạn, hiện giá đường cát Thái Lan từ bên kia biên giới vào đến kho cho các đầu mối phân phối, thì người nhập lậu kiếm khoảng 30.000 đồng/bao 50kg (khoảng 600 đồng/kg). Trong khi giá đường cát loại 1 (Biên Hòa) bán lẻ ở mức 22.000 đồng/kg, còn đường Thái Lan chưa đến 15.000 đồng/kg nên bán rất chạy.

Dư luận cho rằng, nhân vật thao túng đường nhập lậu cả chục năm nay chính là ông trùm "Tỷ đường". Thế nhưng, cho đến nay cơ quan chức năng chưa lần nào xử phạt được. Gần đây nhất, tháng 7.2008, cơ quan chức năng đột kích kho hàng của "Tỷ đường" ở Khánh An, tạm giữ 322 tấn đường Thái, không có hóa đơn chứng từ. Song không hiểu sao, chỉ vài ngày sau, ông Vi Ngươn Thạnh lại trình cơ quan chức năng 140 hóa đơn chứng từ trùng khít số đường bị bắt. Ngoài hóa đơn hóa giá đường Thái Lan, ông Thạnh còn có hóa đơn xuất kho của nhiều công ty đường trong nước.

Trao đổi với PV NTNN, ông Phan Lợi - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang cho biết, cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn khi các đối tượng nhập lậu đường dùng chiêu "quay vòng" hồ sơ hóa giá đường nhập lậu của các tỉnh. Ngoài ra, đối với đường Thái dùng hóa đơn xuất kho của các doanh nghiệp trong nước, QLTT cũng gặp khó khi đưa đường đi giám định lại không xác định được kết quả. "Bằng mắt thường cũng phân biệt được đường Thái và đường Việt nhưng cái này không thể làm căn cứ xử lý. Mấy lần chúng tôi đem đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật- Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng 3 ở TP. HCM, không xác định được đâu là đường Thái nên cũng không xử lý được" - ông Lợi nói.

Ông Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Chỉ cần khảo sát 1 ngày là thấy hết đường lậu!

Trao đổi với NTNN chiều qua (15.1), ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: "Hiện theo thông tin của các doanh nghiệp báo lên Hiệp hội, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường lậu tràn vào nước ta, tương đương với 1 năm có khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường nhập lậu".

Theo ông Long, chỉ cần đi tham quan du lịch hay các nhà báo đi khảo sát 1 ngày cũng có thể thấy được ngay tình trạng nhập lậu đường được tiến hành công khai giữa ban ngày. "Vậy mà, không hiểu sao các cơ quan chức năng mỗi năm chỉ bắt được có vài trăm tấn đường lậu, chưa bằng lượng đường nhập khẩu 1 ngày"- ông Long nói. Hiện giá đường lậu của Thái Lan luôn bán thấp hơn giá đường trong nước từ 300- 500 đồng/kg. Cụ thể, ở thời điểm giá đường đạt mức cao, trên 17.000 đồng/kg, đường của Thái Lan chỉ bán với giá 16.500 đồng/kg. Hiện tại, khi giá đường trong nước xuống 13.800 đồng/kg, giá đường lậu của Thái Lan chỉ bán ở mức 13.500 đồng/kg.

Cũng theo ông Long, lượng đường nhập lậu khiến Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỷ đồng mỗi năm, trong đó khoảng 5% thuế nhập khẩu (khoảng 250 tỷ đồng), và mất 5% thuế VAT (250 tỷ đồng), đồng thời các đối tượng buôn lậu còn tránh được hàng trăm tỷ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, nông dân trồng mía cũng là người chịu thiệt hại nặng do ngành đường trong nước không cạnh tranh lại đường Thái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem