Thay đổi cách tính giá xăng dầu, 1 mặt bằng giá mới cho toàn dân
Vẫn 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần
Điểm c, Khoản 1, Điều 38 Nghị định 83 quy định "Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá".
Với quy định này, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhiều lần cho rằng giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới. Hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 83 không thấy có sự thay đổi như kiến nghị của Hiệp hội Xăng dầu.
Phản hồi ý kiến trên, Bộ Công Thương cho rằng: Theo đánh giá của một số cơ quan liên quan, cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP hiện vẫn hợp lý. Thời gian giữa hai kỳ điều hành giá xăng dầu (15 ngày) được đa số doanh nghiệp đánh giá là phù hợp.
“Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 83, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Như vậy, thời gian giữa hai lần điều hành không cố định là 15 ngày mà được quy định nhằm giúp thị trường hàng hóa trong nước ổn định hơn (hạn chế tăng giá nhưng khuyến khích giảm giá), có lợi hơn cho người tiêu dùng”, Bộ Công Thương giải thích.
Không bỏ giá cơ sở, chỉ thay đổi cách tính
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương không đồng tình và lý giải, do xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của nhà nước.
Thay vào đó, có một điểm sửa đổi quan trọng tại dự thảo lần này liên quan đến cách tính giá cơ sở xăng dầu. Công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại dự thảo được xây dựng trên cơ sở đánh giá lại khi hiện nay, sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là 70-75%, xăng dầu từ nhập khẩu chỉ chiếm 25-30% trong tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa. Vì vậy, việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn (trong nước và nhập khẩu) để kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Không bỏ quỹ bình ổn
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Không ủng hộ đề xuất này, Bộ Công Thương lập luận: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.
Song, Bộ Công Thương cũng rà soát sửa đổi quy định về Quỹ Bình ổn giá theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với Quỹ; Bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ trong khi Quỹ tại doanh nghiệp đang bị âm; Bổ sung quy định trong Nghị định về chế tài xử lý vi phạm (như thu hồi giấy phép hoạt động) nếu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện việc trích lập, kết chuyển số dư Quỹ Bình ổn giá theo quy định.