Thầy giáo Hà Nội choáng khi nghe học sinh than học thêm 4 lớp Anh, 7 lớp Văn

Hà Minh Thứ ba, ngày 30/03/2021 13:06 PM (GMT+7)
Học sinh này cho biết ngày nào cũng phải học rất muộn (thường thức đến 1-2h sáng, sáng hôm sau 6h lại dậy đi học) để làm bài học trên lớp và bài học thêm, nhưng em vẫn không đủ thời gian.
Bình luận 0

Học thêm, ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng vẫn không đủ thời gian

Sinh con ra cha mẹ nào cũng đặt nhiều kỳ vọng vào con, muốn con học giỏi giang, vào những trường tốt, trường điểm để sau này thành công, có vị trí trong xã hội. Thế nên, lúc nào cha mẹ cũng đau đầu, mệt mỏi suy tính con học trường gì, học thêm môn nào, kèm con ra sao... và vô tình khiến đứa trẻ ngày nay bị đè lên vai áp lực học hành của chính mình và cả những ước mơ của bố mẹ. 

Thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Toán ở Hà Nội phải choáng váng khi nghe một học sinh lớp 9 chuyên Toán kể lịch học thêm của mình. Thầy Thắng cho biết, ngoài học ở trường, con học thêm 1 lớp Toán, 4 lớp Anh và 7 lớp Văn. Lý do của việc học nhiều lớp Văn vậy bởi con bị 1 điểm 7 kiểm tra Văn, chừng nào lên được 9 điểm thì bố mẹ mới giảm cho số buổi học Văn.

Thầy giáo Hà Nội choáng váng nghe học sinh than thở: "Con học thêm 1 lớp Toán, 4 lớp Anh và 7 lớp Văn" - Ảnh 1.

Học sinh đi học tới 12 lớp học thêm, không đủ thời gian để làm bài tập. (Ảnh minh họa)

"Con nói con bị kiệt sức, thiếu ngủ, chán nản và mất động lực học tập. Con đã nhiều lần nói chuyện với mẹ nhưng không thay đổi được. Ngày nào cũng phải học rất muộn (thường thức đến 1-2h sáng, sáng hôm sau 6h lại dậy đi học) để làm bài học trên lớp và bài học thêm nhưng vẫn không đủ thời gian. Đến lớp thì con phải tranh thủ giờ ra chơi và giờ ngủ trưa để làm bài tập học thêm mà vẫn rất khó để hoàn thành", thầy Thắng kể lại.

Một học sinh lớp chuyên Toán từng nói 1 câu mà thầy Thắng nhớ mãi: "Thầy ơi, giờ ra chơi và giờ ngủ trưa sinh ra với chức năng như tên gọi của nó, sao lại phải trưng dụng để làm bài tập về nhà?". 

Thầy Thắng bày tỏ: "Rõ ràng gia đình có mục tiêu tốt là cho con thi vào trường chuyên cấp 3 nhưng việc đi theo con đường 1 cách thái quá như thế này thực sự không hiệu quả. Cậu bé hay thở dài và chán nản, mình chỉ sợ con sẽ trầm cảm trước khi thực hiện được mục tiêu đỗ chuyên của gia đình".

Phụ huynh ép con mình học thêm vô tội vạ

Ngay từ bậc tiểu học, thậm chí từ lớp 1, nhiều học sinh ngoài các giờ học trên lớp đã quá quen với việc học phụ đạo, học thêm. Điều đó khá phố biến ở các thành phố lớn trong cả nước. Đặc biệt là với các học sinh thi vào 10, một kỳ thi chuyển cấp gay cấn nhất hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước thì tình trạng học thêm để có 1 suất đỗ vào trường chuyên, trường THPT công đã khiến nhiều học sinh quay cuồng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải và anh Bùi Ngọc Phúc là 2 tác giả viết nhiều bài báo và sách về giáo dục, đồng tác giả các cuốn sách về giáo dục như "Cùng con bước qua các kì thi" và cuốn sách "Tư vấn kì thi vào 10" vừa xuất bản, đã có những chia sẻ về việc học thêm của các em học sinh trong kì thi vào 10 hiện nay.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hải, một thực tế là, bất cứ cái gì tồn tại đều có lý do của nó, dạy thêm và học thêm một phần cũng xuất phát từ "cung và cầu" của chính xã hội. Việc học thêm thực ra không có gì xấu, nếu như là học để bổ sung kiến thức với các con học còn yếu và nâng cao, mở rộng kiến thức với các học sinh có tố chất để thi chuyên. Nhưng nếu học tràn lan, không có hiệu quả, tốt tiền bạc, thời gian, công sức thì là điều cần dẹp bỏ. 

Thầy giáo Hà Nội choáng váng nghe học sinh than thở: "Con học thêm 1 lớp Toán, 4 lớp Anh và 7 lớp Văn" - Ảnh 2.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hải học tràn lan, không có hiệu quả, tốt tiền bạc, thời gian, công sức thì là điều cần dẹp bỏ.

Chị Thanh Hải cho biết: "Chính con tôi, để thi vào chuyên Anh trong kỳ thi vào 10 cũng phải đi học thêm để nâng cao kiến thức nhưng mọi chuyện không quá căng thẳng khi 2 mẹ con xác định rõ mục tiêu từ đầu và học kiểu "mưa dầm thấm lâu" chứ không phụ thuộc kiểu học thêm cấp tốc để thi vào 10 khiến con căng thẳng. 

Hàng năm, càng gần đến ngày thi chuyển cấp, các phụ huynh nhắn tin, điện thoại, xin gặp trực tiếp tôi để tư vấn về việc học thêm của con lớp 9 thi vào 10 càng nhiều. Thực trạng nhiều phụ huynh sợ con trượt thi vào 10, cho con học cấp tốc, học thêm 1 tuần 2 lớp toán, 4 buổi học, 2 lớp Anh, 4 buổi học và học thêm Văn, Sử, vậy là con kín tuần học thêm, những ngày cuối tuần học 2-3 ca liền là chuyện thường".

Anh Bùi Ngọc Phúc cho biết: "Thật ra vấn đề ở đây chưa chắc do con hay các thầy cô, áp lực trước một kỳ thi chuyển cấp đang đến gần chính là nguyên nhân khiến phụ huynh sốt ruột. Phụ huynh thường ép con đi học thêm, trong khi con không muốn đi. Nguyên nhân nhiều khi chỉ để con mình được học bằng với con nhà khác, trong khi phụ huynh cũng không biết sức học con mình đang ở mức nào và con cần học thêm như thế nào. 

Thầy giáo Hà Nội choáng váng nghe học sinh than thở: "Con học thêm 1 lớp Toán, 4 lớp Anh và 7 lớp Văn" - Ảnh 3.

Anh Bùi Ngọc Phúc: "Các con chỉ cần học tốt những kiến thức cơ bản trên lớp, kết hợp với việc học thêm tại một nơi hoặc tự học ở nhà, con có thể đạt 7 đến 8 điểm trong kì thi chuyển cấp".

Nhiều cô giáo chia sẻ rất thẳng thắn: Có phụ huynh ép con mình học thêm vô tội vạ, con học nhiều đến mức không còn thời gian để chuẩn bị bài vở trên lớp. Thậm chí có việc các con ngủ trên lớp do mệt xảy ra thường xuyên. Trong khi đó, theo các thầy cô, thực ra các con chỉ cần học tốt những kiến thức cơ bản trên lớp, kết hợp với việc học thêm tại một nơi hoặc tự học ở nhà, con có thể đạt 7 đến 8 điểm trong kì thi chuyển cấp".

Cũng theo chị Thanh Hải, một số phụ huynh xin cho con học thêm tại các lớp nâng cao, nhưng con chưa nắm vững kiến thức cơ bản, điều này khiến con không theo kịp các bạn, dẫn đến tâm trạng mệt mỏi, chán học, thậm chí là sợ học. Đó là sự tai hại của việc "ngồi nhầm lớp". 

Thực tế đã chứng minh, không phải học sinh nào đỗ vào THPT hệ công lập cũng đi học thêm triền miên. Có một số phụ huynh đến nhờ tư vấn khi đã quá muộn, con đi học thêm khắp nơi, thậm chí học các thầy cô nổi tiếng ở các trường chuyên nhưng rồi vẫn hổng kiến thức, áp lực gần mùa thi đến nỗi con bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm, sợ khi nghĩ đến kỳ thi không phải ít. Điều quan trọng là mỗi phụ huynh sẽ nắm rõ sức học của con mình để vạch ra lộ trình phù hợp với con, tránh tình trạng học tràn lan, không hiệu quả, làm hại con mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem