“Thẻ vàng” IUU: Đã sẵn sàng cho lần thanh tra quyết định

Anh Thơ Thứ ba, ngày 05/11/2019 11:04 AM (GMT+7)
Từ ngày 5 - 14/11, Đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản thuộc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần 2 việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành chức năng, các địa phương đã sẵn sàng cho công tác kiểm tra.
Bình luận 0

Nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), ngay sau khi EC rút “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, cả hệ thống chính trị, các địa phương và ngư dân đã nghiêm túc, khẩn trương triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC.

Đến nay, sau 2 năm, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản năm 2017, 2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng, 8 thông tư của Bộ NNPTNT hướng dẫn luật. Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 2.019/2.618 tàu cá (77,1%); nhóm tàu cá từ 15m đến dưới 24m là 4.996/28.923 tàu cá (17,3%) và nhóm tàu dưới 15m là 77 tàu cá.

img

 Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của các cảng cá. (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, ngành chức năng cũng đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.

“Có thể nói, công tác tổ chức thực thi pháp luật được tăng cường, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc. Từ năm 2018 đến nay, Bộ NNPTNT đã tổ chức gần 20 đoàn công tác đi kiểm tra; 8 tỉnh đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá” - ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.

Cũng theo ông Luân, công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPNT ngày 15/11/2018 dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Trong thời gian qua, chúng ta đã hợp tác với 6 nước để xác minh 33 trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường EU.

“Để khắc phục khai thác hải sản trái phép IUU, công tác kiểm tra, xử lý và công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện. Hàng tuần, các tỉnh đều có báo cáo về Bộ NNPTNT tổng hợp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục, cũng như công bố tại tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nêu tên và có những hình thức xử lý, xử phạt đảm bảo tính răn đe, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài” - ông Luân cho hay.

Hy vọng đạt được kết quả khả quan 

Để khắc phục khai thác hải sản trái phép IUU, công tác kiểm tra, xử lý và công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện”.
Ông Trần Đình Luân -  Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Trao đổi với báo chí trước thềm chuyến kiểm tra, đánh giá của Đoàn thanh tra EC lần 2 bắt đầu, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt với quyết tâm cao nhất là gỡ “thẻ vàng” của EC, bởi những tác động của thẻ vàng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản là không nhỏ.

“Việc thủy sản Việt Nam bị rút thẻ vàng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu. Thống kê cho thấy, sau khi EC rút “thẻ vàng” do khai thác IUU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm 10%, năm 2018 đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD; chi phí xuất khẩu tăng lên do thời gian kiểm tra kéo dài thêm 15 - 20 ngày. EU từ vị trí thứ hai trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 4” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu thực tế.

Kết quả rất đáng ghi nhận là tình trạng khai thác trái phép ở các quốc đảo đã chấm dứt, chỉ còn những vi phạm ở vùng đang xảy ra tranh chấp.

“Thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã xử lý nghiêm 118 tàu có dấu hiệu vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp, công bố công khai thông tin về những tàu này; tổng số tiền phạt các tàu vi phạm lên đến 17 tỷ đồng. Có những địa phương như Bến Tre, mức xử phạt tàu vi phạm lên đến 800 triệu đồng, cho thấy nhiều địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt” - ông Tiến thông tin thêm.

Theo ông Trần Đình Luân, mặc dù việc thực hiện 4 khuyến nghị của EC vẫn gặp phải một số khó khăn như hạ tầng đầu tư cần có thêm thời gian, không thể hoàn thiện trong ngày một ngày hai, tiến độ lắp thiết bị giám sát hành trình vẫn chậm, nhưng với những chuyển biến trong thời gian qua, hy vọng sẽ có được kết quả khả quan sau chuyến làm việc của đoàn thanh tra EC.

“Về lâu dài, song song với việc thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC, Bộ NNPTNT sẽ có chính sách ưu tiên cho nuôi biển. Khi cường lực khai thác giảm, quy mô nuôi biển tăng lên, chắc chắn nguồn lợi thủy sản sẽ được cải thiện” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem