Thi công ì ạch, phim trường cổ trang lớn nhất Việt Nam bị "khai tử"
Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam do Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa thực hiện, tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí.
Đến nay, chủ đầu tư mới chỉ làm được một số phần việc nhỏ nhoi, như làm một số bờ kè đá, xây hồ nhỏ và phục dựng một số ngôi nhà gỗ được thu mua từ các tỉnh phía Bắc.
Lý do chấm dứt hoạt động: Dự án chậm tiến độ 1 năm 6 tháng và không được UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét gia hạn thời gian thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư.
Theo thiết kế ban đầu, phim trường chia làm hai khu vực với 2 con đường dẫn vào là đường Đào Nguyên và đường Tùy Duyên.
Ở phim trường 1 bố trí cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa và nhiều công trình phóng tác như: chợ quê, bãi tập binh lính, đền, miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, cổng thành cổ, lầu gác, nhà sàn…
Trong tương lai, nơi đây sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hóa với những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mô phỏng đạo cụ dùng trong các bộ phim cổ trang quay tại phim trường.
Phim trường cổ trang lớn nhất kỳ vọng sẽ là cơ sở vật chất, phát triển điện ảnh trong nước, mở ra ngành du lịch điện ảnh. Tại phim trường, các du khách sẽ được hóa thân vào các nhân vật trong lịch sử.
Khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa (gồm cả nội thị và ngoại thành). Khu Hoàng Thành là bối cảnh chính với Đại Điện rộng 1500m2, bên trong là một phim trường tạo dựng nội thất của các cảnh phim. Đại Điện còn dùng làm phòng chiếu và là nơi lưu trữ tư liệu giới thiệu các bộ phim cổ trang quay tại đây.
Ngoài ra, dự án còn có các công trình phố thị, nhà quan lại, làng xã thuần Việt, 20 chiếc cầu đá, 60 ngôi nhà gỗ cổ, hàng ngàn đồ gốm sứ, vũ khí cổ, vườn địa đàng Thượng Uyển, thác đổ, sông suối v.v.. Không gian được thiết kế rất hài hòa với thiên nhiên vừa đậm chất điện ảnh nhưng cũng rất đời thường lại tiến gần hơn với xu hướng giải trí mới của nền điện ảnh thế giới hiện đại.
Sa bàn thiết kế phim trường cổ trang Yên Tử.
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chỉ cần thay đổi hoa văn, những con rồng đá, rồng trên nóc cung điện, trang trí nhà cửa v.v... là một bối cảnh của triều đại khác sẽ hiện ra để phục vụ cho những bộ phim cổ trang tiếp theo. Như thế, công năng sử dụng của phim trường này là rất cao, sản phẩm được tạo ra phục vụ du lịch cũng sẽ rất phong phú.
Ngoài ra, dân cư trong và ngoài khu vực phim trường cũng có thể sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các vật phẩm lưu niệm có mặt trong các bộ phim nổi tiếng để bán cho du khách hoặc làm hướng dẫn viên, phục vụ nhu cầu ăn nghỉ vui chơi giải trí của du khách. Chính vì điều đó, phim trường sẽ mở ra hàng loạt các sản phẩm dịch vụ "ăn theo" du lịch.
Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam được UBND tỉnh Quảng Ninh giao Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư theo quyết định 1885/QĐ-UBND ngày 27/8/2014. Ngày 8/7/2016, công ty này được Sở KHĐT Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.
Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam nằm trong Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, với diện tích 14,6ha. Dự kiến, đây sẽ là phim trường cổ trang chuyên nghiệp, hiện đại đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam.