Thí điểm cấm xe máy: Hàng trăm nghìn người gặp khó

Hoàng Thành An Thứ năm, ngày 14/03/2019 06:10 AM (GMT+7)
Câu chuyện về việc thí điểm cấm xe máy tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông những ngày qua đang làm xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng, đại đa số người dân sinh sống tại TP.Hà Nội đang sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại hàng ngày; cộng thêm mạng lưới giao thông chằng chịt của thành phố hiện nay, việc cấm xe máy sẽ khó khả thi.
Bình luận 0

Cần giải quyết “gốc, rễ”

Không thể phủ nhận, xe máy là phương tiện thuận tiện nhất để đi lại ở Hà Nội. Thế nhưng, cũng chính vì sự phổ biến, tiện lợi này đang dẫn đến những bất cập cho tình hình giao thông thành phố. Theo đó, xe máy đang là một trong những phương tiện mất an toàn nhất ở nước ta. Vì vậy, chính quyền TP.Hà Nội đã có những phương án hạn chế, tiến tới dừng hẳn loại phương tiện này lưu thông ở nội thành.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, hiện TP. Hà Nội đang nghiên cứu và dự kiến cấm xe máy thí điểm tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Các tuyến đường nói trên đều có vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân nên việc thí điểm là cần thiết.

img

Lưu lượng xe cộ đi lại trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông vào giờ cao điểm thường rất lớn. Thành An  

"Việc thí điểm cấm xe máy ở những tuyến đường nào sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng" - ông Viện khẳng định”.

Khác với nhận định của lãnh đạo ngành giao thông, nhiều người dân sinh sống tại Hà Nội vẫn rất lo lắng trước thông tin này. Anh Nguyễn Tuấn Minh (Nguyễn Trãi, Hà Nội) nhìn nhận: “Nếu Hà Nội cấm xe máy thì người dân đi bằng phương tiện gì khi mà hệ thống giao thông chằng chịt: đại lộ - đường vành đai - đường nhánh - ngõ - ngách… Cho nên thành phố phải rất thận trọng trong việc giải quyết vấn đề này, xem cốt lõi của việc tắc đường, ô nhiễm không khí là gì, nguyên nhân chính có phải do xe máy không để có những biện pháp tối ưu nhất không gây phiền hà cho người dân thủ đô”.

Đồng ý với chủ trương hạn chế xe máy của lãnh đạo Hà Nội, nhưng chị Nguyễn Minh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Cấm xe máy hoặc hạn chế xe máy là xu thế nhưng chưa phải thời điểm bây giờ và vài năm tới. Nếu muốn làm nhanh thì thành phố phải đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông công cộng. Đây mới là cách giải quyết vấn đề gốc rễ. Chứ giờ, vừa xây dựng được một vài trục đường sắt trên cao (nhưng hướng tâm duy nhất về trung tâm); một tuyến đường BRT… đã tính đến cấm xe máy thì tình hình giao thông sẽ càng trở nên bi đát hơn. Cấm xe máy lấy phương tiện gì phục vụ đi lại, buôn bán, giao thương cho hàng trăm nghìn người? ”.

Phải làm tốt phương tiện công cộng

Góp ý  về giải pháp phát triển giao thông Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ - chuyên gia về giao thông cho rằng: Hà Nội chỉ cấm xe máy khi và chỉ khi phát triển hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, quy hoạch cơ sở hạ tầng thông thoáng, giãn dân nội đô…

Ủng hộ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên ĐBQH Hà Nội cho rằng: “Nếu đi xe buýt mà phải đi bộ cả nửa tiếng hoặc cả tiếng mới đến điểm bắt xe rồi lại mất nửa cây, cả cây số mới đến nơi làm việc thì bất tiện. Do đó, việc bố trí các phương tiện công cộng phải có lợi cho dân, dù không được tuyệt đối 100% nhưng phải được 80- 90% thì dân mới tham gia, lựa chọn nó. Lúc ấy người dân sẽ nhận thấy việc cấm xe máy là hợp lý chứ không thể bắt buộc họ được” - bà An nhấn mạnh.

Về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến  phố, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định: “Trước hết, chúng ta phải áp dụng những giải pháp mềm. Vào giờ cao điểm, các phương tiện giao thông như ôtô đi hàng 3, hàng 4 và xe này “nhảy” lên đầu xe kia, xe máy đi lên vỉa hè gây ùn tắc. Vì vậy, cần tuyên truyền người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông”.

Ông Liên cũng cho rằng, đường sắt trên cao đang hoàn thành và sắp đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nếu người dân đi xe đạp, xe máy đến điểm đầu và điểm cuối để đi đường sắt trên cao thì phương tiện của họ sẽ để ở chỗ nào?

 “Cho nên, cơ quan chức năng nên đưa ra giải pháp cụ thể. Nếu chỉ làm chung chung, khi đi vào thực tiễn phát sinh vấn đề lại không giải quyết được. Chỉ khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại và tiện lợi, người dân tự từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân  để lựa chọn loại hình giao thông này” – ông Liên bày tỏ.

Giao thông công cộng mới đáp ứng được 8 - 10%

 “Hiện tại giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại, còn đến 90% người dân sẽ di chuyển bằng gì nếu cấm xe máy? Thứ hai, nếu nói chỉ cấm đường Nguyễn Trãi và đường Lê Văn Lương thì không đúng. Bởi giao thông liên thông với nhau, cấm tuyến đường này muốn đi sang đường khác dân phải di chuyển bằng gì? Hà Nội mà áp đặt thì chỉ càng làm giao thông thêm lộn xộn, ùn tắc..."

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia về giao thông

img

Phương tiện thay thế là gì?

 “Khi thí điểm cần tìm giải pháp cho người dân thường xuyên lưu thông qua con đường, nhất là những hộ dân sinh sống trên tuyến đường đó. Ngoài ra, cần đề cập đến vấn đề “liệu chỉ cấm xe máy hay cấm cả những xe khác, cấm xe máy thì những phương tiện nào được lưu thông, Hà Nội cũng phải công khai”. Tôi muốn lưu ý đề xuất làm sao đừng để quá ảnh hưởng vấn đề lưu thông của dân. Bởi xe máy vẫn đang là phương tiện giao thông chính của người dân sử dụng để đi làm".

Bà Bùi Thị An - Viện trưởng  Viện Tài nguyên - Môi trường và  Phát triển cộng đồng  

img

Cần linh hoạt hơn

Tuyến đường này có xe buýt công cộng, nhưng sở dĩ tôi vẫn phải đi xe máy hàng ngày vì nhà tôi ở khá xa bến xe buýt, đi bộ ra tới bến mất khoảng 10 phút. Thậm chí, ngay cả khi có bến xe buýt ở gần nhà tôi, tôi cũng thấy khó khăn trong việc chọn xe buýt đi làm vì cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay chưa đồng bộ, khiến người dân phải qua nhiều trạm trung chuyển mới tới được nơi làm việc.Vì vậy, các cơ quan quản lý giao thông cần có phương án linh hoạt hơn chứ không thể bắt người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, đi lại được.

Chị Nguyễn Minh Huệ  (Hà Đông, Hà Nội)

PV (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem