Thị trường chứng khoán 22/4 "hồi sinh" ngoạn mục
Thị trường chứng khoán 22/4 được tin là sẽ có thêm một phiên chìm sâu trong sắc đỏ. Điều đó đúng với giờ mở cửa. Thế nhưng, từ cuối đợt giao dịch sáng, lực cầu bắt đáy đã hạn chế đà giảm của VN-Index. Và chiều, sắc xanh trở lại ngoạn mục nhờ những nỗ lực đến từ blue-chips.
Đóng cửa phiên giao dịch đầy kịch tính, VN-Index tăng 2,08 điểm, tương đương 0,27% lên 768,92 điểm. Số lượng mã tăng giá nhiều hơn số lượng mã giảm giá. Có tới 19 mã tăng trần và chỉ có 12 mã giảm sàn.
Do lực cầu bắt đáy vẫn yếu nên thanh khoản sụt giảm mạnh từ "mức đỉnh" 6 tháng được thiết lập trong phiên hôm qua. Dù sụt giảm, thanh khoản vẫn đứng ở mức khá cao. Có hơn 253 triệu cổ phiếu, tương đương 4.245 tỷ đồng được giao dịch thành công, giảm 144 triệu cổ phiếu, tương đương 36,3% về khối lượng, giảm 1.878 tỷ đồng, tương đương 30,7% về giá trị.
Nhờ đạt lợi nhuận cao nhất lịch sử nên DBC của ông lớn ngành chăn nuôi heo Dabaco đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, khi VN-Index rung lắc, DBC đảo chiều giảm sàn 2 phiên. Thị trường chứng khoán 22/4 ghi nhận DBC lấy lại được sắc tím, tăng 1.650 đồng/CP lên 25.900 đồng/CP. Đầu phiên, DBC giảm xuống 23.050 đồng/CP.
Cổ phiếu ngành phân bón cũng gây chú ý. DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tăng trần, tăng 520 đồng/CP lên 7.970 đồng/CP. PMB của Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc tăng 700 đồng/CP lên 8.200 đồng/CP. Anh cả DPM không tăng trần nhưng cũng đi lên mạnh mẽ, tăng 900 đồng/CP lên 15.700 đồng/CP.
Blue-chips là thành phần chính "hồi sinh" sàn thị trường chứng khoán 22/4 nên VN30-Index tăng mạnh hơn VN-Index. Chốt phiên, VN30-Index tăng 7,77 điểm, tương đương 1,1% lên 714,42 điểm. Thanh khoản thụt sâu, chỉ đạt 86 triệu cổ phiếu, tương đương 2.076 tỷ đồng được chuyển nhượng, giảm 43 triệu cổ phiếu, tương đương 33,3% về khối lượng, giảm 826 tỷ đồng, tương đương 28,5% về giá trị.
SAB là đầu tàu của nhóm blue-chips. SAB tăng 5.000 đồng/CP lên 175.000 đồng/CP. MWG tăng 2.600 đồng/CP lên 82.000 đồng/CP. FPT tăng 1.800 đồng/CP lên 51.100 đồng/CP. MSN tăng 1.600 đồng/CP lên 58.200 đồng/CP. PNJ tăng 900 đồng/CP lên 58.800 đồng/CP,…
Có thể thấy, các blue-chips tăng mạnh nhất đều thuộc nhóm ngành bán lẻ. Dù chưa có thông báo mới nhất về tình hình giãn cách xã hội nhưng người dân đều kỳ vọng trong tháng 5 năm, mọi sinh hoạt sẽ trở lại bình thường, từ đó hoạt động giao thương trở nên sôi động hơn. Có lẽ kỳ vọng này đã giúp cổ phiếu bán lẻ thăng hoa.
Trong khi đó, do tác động của việc giá dầu thế giới giảm xuống dưới 0 USD/thùng, cổ phiếu xăng dầu vẫn chìm trong sắc đỏ. GAS giảm 1.000 đồng/CP xuống 63.500 đồng/CP. PLX giảm 150 đồng/CP xuống 40.700 đồng/CP.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số thậm chí còn đi lên mạnh hơn. HNX-Index tăng 2,1 điểm, tương đương 2,01% lên 106,8 điểm. HNX30-Index tăng 3,69 điểm, tương đương 1,865 lên 202,27 điểm. UpCOM-Index tăng 0,3 điểm, tương đương 0,58% lên 51,48 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có tới 5 mã tăng trần. HUT tăng 100 đồng/CP lên 1.800 đồng/CP, KLF tăng 100 đồng/CP lên 1.700 đồng/CP. L14 tăng 5.800 đồng/CP lên 64.200 đồng/CP. NRC tăng 700 đồng/CP lên 8.300 đồng/CP. TNG tăng 1.100 đồng/CP lên 12.700 đồng/CP.