Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Đừng bàn đến việc thi 3 môn hay 4 môn nữa?

Thứ tư, ngày 09/03/2022 17:15 PM (GMT+7)
Nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho rằng, môn thi thứ 4 không hẳn là môn thi gây áp lực cho học sinh và thời điểm này không nên bàn về việc thi ba hay bốn môn thi nữa.
Bình luận 0

Việc bớt môn thi có quan trọng?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, thực ra việc thi 3 môn hay 4 môn không quan trọng. Điều quan trọng theo ông Lâm, vậy thi lớp 10 năm nay sẽ thế nào?

Theo ông Lâm, quan niệm năm học này ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 thì phải giảm tải, không thể yêu cầu như mọi năm là đúng. Tuy nhiên, việc thi vào lớp 10 năm nay vẫn phải đảm bảo yêu cầu học sinh học đảm bảo về sự phát triển, vì hiểu biết chứ không phải tư duy thi để có điểm số.

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Đừng bàn đến việc thi 3 môn hay 4 môn nữa? - Ảnh 1.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh, học sinh không nên quá lo lắng về việc bớt môn thi, thay vào đó cần làm rõ trọng tâm thi.

Yêu cầu của cuộc thi là kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Vì vậy, khi ra đề, Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của học sinh đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm.

Vì thế, theo ông Lâm, để giảm tải áp lực cho học sinh thi vào lớp 10 năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội nên hướng dẫn rõ ràng trọng tâm của các môn thi. Cần cho học sinh biết đâu là trọng tâm, đâu là kiến thức cơ bản.

Ngoài ra, cũng theo ông Lâm, cũng cần xem cách các em vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống ra sao. Đó là năng lực cần hướng tới.

“Tôi cho rằng Sở sớm công bố trọng tâm các môn thi và có định dạng bài giải, rèn tư duy gắn với thực tiễn để học sinh luyện tập chứ không nên cộng nhiều giờ học bù để gắn kiến thức vào. Như thế sẽ không lo học 3 hay 4 môn, không cần chạy theo số lượng”- ông Lâm nêu quan điểm.

Nêu quan điểm về đề xuất bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 của Hà Nội, Ông Nguyễn Quốc Đạt, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Long Biên (Hà Nội) cho rằng, nếu mạnh dạn bỏ thì cũng thuận lợi cho học sinh nhưng cũng không quá áp lực là phải bỏ cho bằng được. “Tôi cho rằng cách tổ chức thi và tổ chức thế nào mới quan trọng" - ông Đạt nêu quan điểm.

Môn thi thứ 4 có phải là môn gây áp lực?

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT sáng 8/3, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ giữ nguyên phương thức như năm ngoái.

Cụ thể, năm học này Hà Nội dự kiến có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS, và gần 100.000 thí sinh dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Cũng như những năm trước, trong số đó sẽ chỉ có khoảng 62% học sinh đỗ suất học vào các trường công lập, số còn lại sẽ học các trường trung cấp nghề, Trung tâm GDTX- GDNN; hệ thống trường ngoài công lập….

Có thể cuối tháng 3 Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố nhưng thông tin đơn vị này vẫn giữ ổn định phương thức thi tuyển như năm trước đã râm ran trên nhiều cộng đồng mạng.

Cụ thể, sẽ thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là một trong 6 môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Môn thứ 4 được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3.

Thời điểm hiện tại, giáo viên các trường cũng mong muốn Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh hoặc nếu giữ nguyên như những năm trước thì cũng nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập.

Cô Nguyễn Thu Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Hà Nội ở bày tỏ, trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay.

Cũng theo cô Thủy, đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Do Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4 nên học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả môn.

Việc dạy on-off khiến học sinh và giáo viên rất vất vả khó khăn. Đúng là thời điểm này Sở chốt sẽ vẫn thi 4 môn như năm trước nên ngay từ khi đi học trực tiếp, nhà trường yêu cầu giáo viên củng cố kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh, dạy đều tất cả các môn, giúp học sinh có tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Tuy nhiên, cô Thủy cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tình trạng học online dài ngày, học sinh có những lỗ hổng kiến thức khó có thể lấp đầy nên trong ba tháng nữa sẽ là giai đoạn khó khăn cho cả cô và trò.

“Tôi cho rằng, giờ không phải là lúc mà đặt ra thi 3 môn thi hay bốn môn thi nữa mà nhà trường cần sự hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Năm nay đề thi như thế nào để phù hợp với tình hình học online là chủ yếu”- vị hiệu trưởng này cho biết.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hà Nội cho rằng, đánh giá, ngay cả những năm mà Hà Nội chỉ tổ chức 2 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 thì học sinh lớp 9 cũng đã chịu áp lực rồi chứ không hẳn có 4 môn môn thi mới áp lực.

Cũng theo bà Dung, việc chờ đợi Sở công bố môn thi thứ 4 năm nào cũng khiến học sinh và phụ huynh “nín thở”.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, thực tế, môn thi thứ 4 không hẳn là môn thi gây áp lực cho học sinh. Khi công bố kết quả thì đây lại là môn có kết quả cao, thậm chí là môn thi gỡ điểm cho học sinh.

Bà Dung cho rằng, như kỳ thi năm 2020-2021, phổ điểm môn Lịch sử (môn thi thứ 4) không phải là thấp. Ở nhiều trường, đây là môn gỡ điểm cho các sĩ tử.

“Đơn cử như ở trường bà, môn thi thứ 4 là môn Lịch sử điểm số cao thứ 5 trong toàn huyện. Nhiều thí sinh điểm môn này “gỡ gạc” cho 3 môn khác”- bà Dung cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo bà Dung, nếu thời điểm giữa hay cuối tháng 3 mới công bố môn thi thứ 4 mà rơi vào những môn như Vật lí, Hóa học, Sinh học thì sẽ có khó khăn với học sinh vì không hẳn chỉ cần chăm chỉ, học thuộc là có thể kiếm điểm được.

Đỗ Hợp (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem