Thiếu hàng chục nghìn giáo viên một số môn, Bộ GDĐT đề xuất tuyển người có trình độ cao đẳng

Anh Tuấn Thứ hai, ngày 25/03/2024 15:39 PM (GMT+7)
Theo Bộ GDĐT việc tuyển dụng giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm để bảo đảm có đủ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học là cần thiết.
Bình luận 0

Theo dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GDĐT đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Theo Bộ GDĐT, đề nghị này nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học.

Thiếu hàng chục nghìn giáo viên một số môn, Bộ GDĐT đề xuất tuyển người có trình độ cao đẳng- Ảnh 1.

Đến hết học kì I năm học 2022-2023, các địa phương tuyển dụng được 55,5% chỉ tiêu giáo viên biên chế được giao. Ảnh minh họa: Mỹ Quỳnh

Theo Bộ GDĐT, đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.1082 (tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018-2019). Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn như đề cập ở trên.

Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022- 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023-2024 giao bổ sung 27.860 biên chế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến hết học kì I năm học 2022-2023, các địa phương tuyển dụng được 55,5% chỉ tiêu được giao.

Một trong những nguyên nhân mà các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao là thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là môn Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên và các môn học có tính đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Trước thực trạng này, Bộ GDĐT trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định cho phép những địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018.

Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Theo Bộ GDĐT việc tuyển dụng giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên, bảo đảm có đủ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học, là cần thiết. Nếu không kịp thời tuyển dụng số giáo viên này thì tiếp tục xảy ra tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên.

Dự tính, số lượng người có trình độ cao đẳng chuyên ngành để dạy các môn học đề xuất tại dự thảo Nghị quyết (nếu được thông qua) khoảng 10.000 người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem