Thiếu nguyên liệu, nhân công, nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn chưa thể mở cửa trở lại

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 18/09/2021 14:45 PM (GMT+7)
Tuy đã được phép song nhiều cơ sở kinh doanh, hàng quán tại Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại do thiếu hụt các điều kiện cơ bản như nguyên liệu, nhân công...
Bình luận 0

Cơ sở kinh doanh, nhà hàng e dè

Từ 12h ngày 16/9, 19 quận, huyện ở Hà Nội được phép mở cửa cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ được bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Dù đã được hoạt động trở lại song theo ghi nhận của PV, 2 ngày qua, thị trường các ngành dịch vụ nói trên vẫn khá trầm lắng. Nguyên nhân là do các cơ sở chưa chuẩn bị kịp điều kiện để trở lại kinh doanh, ngoài ra, chủ một số đơn vị kinh doanh còn tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh.

Anh Trần Hùng, chủ cửa hàng phở trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện tại, cơ sở kinh doanh này vẫn chưa kết nối lại được với các đầu mối cung cấp nguyên liệu như thịt bò, rau, gia vị,…

Thiếu nguyên liệu, nhân công nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn chưa thể mở lại - Ảnh 1.

Nhiều hàng quán vẫn chưa bắt đầu hoạt động dù đã được phép. (Ảnh: Thanh Phong)

"Qua 4 đợt giãn cách kéo dài gần 2 tháng, mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã dừng lại, giờ muốn mở cửa trở lại thì có rất nhiều việc cần phải chuẩn bị như nguyên liệu, nhân công,... Hiện tại, tôi vẫn ở quê và chưa biết quy định phòng chống dịch của thành phố đối với những người làm mô hình hộ kinh doanh như chúng tôi khi quay trở lại như thế nào", anh Hùng bày tỏ.

Theo chị Nguyễn Trang, chủ chuỗi nhà hàng Nhật Bản Furyu Restaurant chia sẻ, hiện tại, với việc thành phố vẫn có thêm những ca mắc mới, các đơn vị kinh doanh chưa vội vàng mở cửa, tiếp tục theo dõi tình hình để có phương "sống chung" với dịch.

"Với đặc thù kinh doanh, chế biến yêu cầu hàng tươi sống, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao, lao động phải có tay nghề, việc quay trở lại kinh doanh với chúng tôi không đơn giản. Hiện tại, bài toán nhân sự với chúng tôi đang rất đau đầu do việc phải ship hàng, nếu thuê đơn vị ngoài sợ chi phí cao nhưng vận hành với lượng nhân viên đông thì các khâu quản lý, tính toán lại rất phức tạp", chị Trang bày tỏ.

Lên kế hoạch "sống chung" với dịch Covid-19

Ngoài ra, cũng theo chị Trang, đơn vị này dự định sau ngày 21/9, tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh rồi mới có kế hoạch kinh doanh cụ thể.

"Hiện thành phố vẫn có những ca mắc mới, việc nhà hàng có thể hoạt động được không hoàn toàn trên cơ sở khả năng kiểm soát dịch. Sau vài đợt dịch bệnh chúng tôi đã chịu quá nhiều thiệt hại, trước mắt chỉ dám chạy thử nghiệm để duy trì hoạt động. Sau đó, nếu thành phố kiểm soát được dịch thì mới hoạt động tối đa công suất, không thể vội vàng làm ngay được, vì nếu kinh doanh vài ngày rồi lại phải đóng cửa thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều", chị Trang nhấn mạnh.

Cùng cảnh ngộ thiếu nhân sự, anh Nguyễn Văn Hợp, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Đội Cấn thông tin thêm, cửa hàng có 4 thợ ở ngoại tỉnh đều đã nghỉ gần 2 tháng.

Thiếu nguyên liệu, nhân công nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn chưa thể mở lại - Ảnh 2.

Các cơ sở kinh doanh đã phải tính tới việc "sống chung" với dịch Covid-19. (Ảnh: Thanh Phong)

Do đó, hiện tại, dù đã được phép mở cửa nhưng anh Hợp vẫn chưa thể hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, mối lo với anh còn nằm ở việc nếu dịch bệnh không được kiểm soát, người lao động bị "mắc kẹt" lại thành phố sẽ khiến tình hình thêm khó khăn.

"Cũng mong dịch bệnh ổn để kinh doanh trở lại, trong 2 tháng qua chủ nhà giảm 30% tiền thuê nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải đóng gần 20 triệu đồng tiền thuê cửa hàng, đợt dịch này là khó khăn nhất. Giờ tôi gọi thợ lên nhưng vẫn lo, nếu dịch bùng phát trở lại vẫn phải trả lương mà không kinh doanh được thì thêm lỗ, chỉ dám gọi 2 người lên làm tạm", anh Hợp cho hay.

Theo văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trong đó, các địa bàn được hoạt động một số cơ sở kinh doanh: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Cũng theo văn bản trên, UBND thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem