Thiếu trầm trọng người tiêm vaccine cho đàn gia cầm

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 10/03/2020 19:00 PM (GMT+7)
Dịch cúm gia cầm do chủng virus cúm A/H5N6, A/H5N1 bùng phát trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy đã có những lỗ hổng trong giám sát, phòng ngừa dịch bệnh. Nguyên do xuất phát từ việc thiếu cán bộ thú y cơ sở.
Bình luận 0

Thiếu người tiêm vaccine

Theo ngành chức năng, một trong những lý do khiến các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh thời gian qua là do đàn gia cầm không được tiêm phòng vaccine đầy đủ dù Bộ NNPTNT thông báo, lượng vaccine sản xuất trong nước đảm bảo đủ cho đàn gia cầm, nếu thiếu sẵn sàng nhập thêm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở do nhiều nơi sáp nhập trạm thú y vào các trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Đơn cử như tại Nghệ An, từ cuối năm 2019, cấp xã, phường không còn cán bộ phụ trách mảng chăn nuôi, thú y nên trong đợt dịch cúm gia cầm H5N6 vừa xảy ra đầu năm 2020, nhiều xã phải thuê người có kiến thức về thú y để tiêm phòng cho đàn gia cầm. Thực trạng này khiến công tác quản lý có những lúc bị động.

img

Tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: I.T

Bộ NNPTNT cũng đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức hội thảo về hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y sau khi các địa phương thực hiện việc sáp nhập, cắt giảm lực lượng làm công tác thú y tại cơ sở; từ đó đề xuất giải pháp kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp...

Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác, đây cũng là lý do khiến tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng vaccine đầy đủ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. “Có nhiều tỉnh, thành tỷ lệ tiêm chỉ đạt khoảng 10 - 20%, thậm chí chỉ khi xuất hiện dịch mới làm thủ tục xin kinh phí mua vaccine để tiêm phòng, vào tháng 10 hàng năm Bộ NNPTNT đều có văn bản đôn đốc các tỉnh xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, trong đó có kế hoạch mua vaccine tiêm phòng cho đàn vật nuôi” - ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết.

Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, chăn nuôi nông hộ chiếm đa số trong khi thời tiết diễn biến phức tạp đã làm dịch bệnh xuất hiện. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1) tại 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con. Tất cả các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng. Hiện nay, cả nước có 37 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 32 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1) tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong khi đó, nguồn vaccine tiêm phòng cho đàn vật nuôi tương đối dồi dào. Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đã cung ứng 91 triệu liều vaccine cúm gia cầm cho 63 tỉnh, thành phố để tiêm phòng. Dự báo, hết quý I/2020, các doanh nghiệp có thể cung ứng thêm 61 triệu liều vaccine cúm gia cầm. Dự kiến cả năm 2020, cung ứng 500 triệu liều.

Đánh giá lại hoạt động của thú y cơ sở

Theo ông Nguyễn Văn Long, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rất cụ thể; đồng thời chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập.

Nguyên nhân là do hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện ở nhiều nơi không còn hoặc đã sáp nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp nên không nắm được tình hình, không báo cáo đến cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn; thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở; chính quyền và cơ quan chuyên môn tại một số địa phương (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa) chưa chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch; Bộ NNPTNT phải gửi công văn đến Chủ tịch UBND các tỉnh này để đôn đốc địa phương thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, không được để dịch lây lan trên diện rộng.

Mầm bệnh còn lưu hành trong đàn gia súc, gia cầm nhưng một số địa phương chưa tổ chức lấy mẫu kịp thời để xét nghiệm xác định bệnh, chưa tổ chức tiêm phòng vaccine đầy đủ và kịp thời cho đàn gia súc, gia cầm.

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, ông Long cho biết, thời gian tới, ngành chức năng sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành virus cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tổ chức kiểm tra các cơ sở buôn bán thuốc trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán các loại thuốc, vaccine thú y không bảo đảm chất lượng, thuốc giả, chưa được phép lưu hành, gian lận thương mại…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem