Thoái vốn ở 10 DN lớn: Phá vỡ sự trì trệ trong quản lý vốn nhà nước

Phương Hà - Hồ Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 19/10/2015 17:14 PM (GMT+7)
Thông tin Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ bán phần vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp (DN) lớn như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn FPT, Công ty CP Bảo Minh... đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Bình luận 0

PV NTNN đã phỏng vấn ThS Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội) và chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Nhìn nhận ở nhiều chiều

Thưa ông, trước thông tin SCIC tuyên bố sẽ thoái phần vốn nhà nước trị giá tới gần 3 tỷ USD ở 10 DN lớn, cá nhân ông có những nhận xét gì về động thái này ?

- Ông Đinh Tuấn Minh: Cần phải phân tích động thái bán vốn của nhà nước ở 2 khả năng. Khả năng thứ nhất, là do vấn đề ngân sách đang khó khăn, bán cổ phần để có tiền trang trải cho chi tiêu. Từ đây các vấn đề liên quan nợ công, liên quan đến chi thường xuyên, không đủ vốn đầu tư  sẽ đặt ra gay gắt hơn. Hành động bán vốn này thậm chí được so sánh nghiệt ngã với hình ảnh anh nông dân bán đất để tiêu, và kết quả cuối cùng tiền tiêu hết nhưng không tạo ra được giá trị gì. Khả năng thứ 2, là thực hiện lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải cách thể chế đang đi vào chặng nước rút. Việc Nhà nước bán vốn tại các ông lớn này có chủ đích, mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực DN, giảm bớt phần can thiệp của Nhà  nước. Tuy nhiên, nếu là nhằm mục đích này cũng cần có sự theo dõi. 

img

Dây chuyền đóng hộp sữa tươi tại Nhà máy sữa Vinamilk.  Ảnh: IT

Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, Nhà nước can thiệp nền kinh tế thông qua chính sách mà không cần phải cầm tay chỉ việc. Có khung chính sách chung thì DN sẽ tự vận hành, bản thân DN cũng có nhiều cơ hội được phát triển trong môi trường mới cạnh tranh. Bán vốn nhà nước là việc nên làm song cũng mở ra nhiều vấn đề cần quan sát để có hướng đi hiệu quả hơn.

Nếu việc nắm vốn của Nhà nước tại các tập đoàn, DNNN thời gian qua được cho là không hiệu quả thì theo ông tới đây việc chuyển giao nguồn vốn này cần phải nhắm đến đối tượng nào để tăng sức mạnh cho DN ?

- Muốn biết được hướng đi DN hậu chuyển giao cần nhìn vào phần vốn được chuyển nhượng cho ai, được đưa ra rộng rãi trong công chúng hay tư nhân, các nhà đầu tư ngoại hay là một đối tác chiến lược được SCIC nhắm tới.  Cũng  có nhiều ý kiến lo ngại bán hết cổ phiếu thì tạo  cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm hết và mình trở thành người làm thuê trên chính đất mình. Tôi cho rằng, cần phải nhìn nhận nhiều chiều. Mình muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, muốn có sự cạnh tranh trong và ngoài nước thì phải chấp nhận điều đó. Và DN trong nước cũng hoàn toàn có thể mua lại cổ phiếu đó cơ mà.

Lo gì nước ngoài thâu tóm

"  Việt Nam  muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, muốn có sự cạnh tranh trong và ngoài nước thì phải chấp nhận  thoái vốn. Ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng hoàn toàn có thể mua lại cổ phiếu đó cơ mà.”
 Ông Đinh Tuấn Minh 

"  Việc thoái vốn là nhằm  mạnh dạn phá vỡ sự trì trệ quản lý vốn của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Thoái vốn bớt để tư nhân làm, cạnh tranh lẫn nhau thì người dân được lợi”.
 Ông Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, việc nhà nước thoái vốn tại các DN lớn là bước đi đúng đắn nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách DNNN, cổ phần hóa. Thoái vốn bớt để tư nhân làm, cạnh tranh lẫn nhau thì người dân được lợi. Đây là bước đi đúng hướng, đáp ứng mục tiêu Chính phủ muốn huy động nguồn vốn 4 tỷ USD để cân đối ngân sách và giải quyết các nhu cầu tài chính khác. Sau khi thoái vốn, nhà nước hoàn toàn có thể chuyển giao sang các ngành hàng khác. Ví dụ các lĩnh vực chiến lược như công nghệ thông tin, phần mềm, công nghệ dược, điện tử… Những ngành này các DNNN chưa làm được gì.

Chắc chắn với các công ty lợi nhuận cao như VNM, FPT… thì việc rao bán vốn sẽ không quá khó khăn như các DN làm ăn thua lỗ. Nếu phần vốn này được chuyển sang các nhà đầu tư nước ngoài thì theo ông, cái lợi cái thiệt là gì?

- Trong chiến lược thì SCIC sẽ ưu tiên bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cái lợi dễ nhận thấy trước hết sẽ thu hút được lượng vốn ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài. Sau đó có thể cải thiện khả năng quản trị kinh doanh vì khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào HĐQT thì sẽ làm hiện đại hóa quản trị.

Trước mắt chưa có gì để lo ngại cả mặc dù một số ý kiến cho rằng sẽ có nguy cơ nước ngoài sẽ thâu tóm. Tuy nhiên, tôi cho đó là việc bình thường, vấn đề phụ thuộc chính vào khả năng quản trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nếu mình quản trị giỏi mình vẫn quản lý được.

Theo ông, trong quá trình chuyển giao chủ sở hữu tại các DN “đẻ trứng vàng” này, giữa việc bán giá cao và bán cho ai cái nào nên được ưu tiên?

- Tôi cho rằng phải có quy trình công khai minh bạch. Vì đây là số tiền lớn, được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Chính vì vậy, SCIC cần có phương án cụ thể quy định chi tiết đối tượng mua cổ phiếu, nguồn gốc dòng tiền, phương thức thỏa thuận giá cả… để tránh khả năng làm phát sinh những biểu hiện tư lợi. Vì khi đã công khai, minh bạch thì việc người mua là ai, giá bao nhiêu sẽ do thị trường quyết định.

Xin cảm ơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem