Thủ lĩnh Thái Bình Thiên Quốc nào nghe lời Hồng Tú Toàn, tắm máu gia tộc Dương Tú Thanh?

Thứ hai, ngày 24/04/2023 18:32 PM (GMT+7)
Mấu chốt của sự kiện Thiên Kinh chi biến là mâu thuẫn giữa Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh, cuối cùng dẫn đến việc Dương Tú Thanh bị giết mà người chịu trách nhiệm chủ đạo trực tiếp trong việc giết người chính là Vi Xương Huy...
Bình luận 0

Là thủ lĩnh có công hay là phần tử đầu cơ

Tên trong phổ tộc của Vi Xương Huy là Chí Chính, thường gọi là “Vi Chính”, Xương Huy là tên được đổi sau khi Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa. Ông ta là người thôn Kim Điền huyện Quế Bình tỉnh Quảng Tây, nghe đồn tổ tiên là người Khách Gia di dân tới từ thời Minh triều, phụ thân tên là Vi Nguyên Giới, sử liệu phía Thanh triều nói “gia sản vạn bạc“, hào phóng hết mực, thực ra điều này không chính xác.

Có chuyên gia thời Dân Quốc phát hiện ở miếu Tam Giới thuộc trấn Giang Khẩu một “tấm bia trùng tu miếu Tam Giới”, trên bia ghi rõ ràng “Vi Nguyên Giới quyên bốn quan tiền”, người địa phương cực kỳ coi trọng việc tu sửa miếu tượng, nếu thực sự là địa chủ, tuyệt đối không thể nào chỉ quyên góp bốn quan tiền, còn vui vẻ khắc lên bia đá. Người địa phương nói, nhà họ Vi mỗi năm “thu tô hơn 200 gánh ngũ cốc”, xét theo con số này thì cũng chỉ là một tiểu địa chủ mà thôi.

Thủ lĩnh Thái Bình Thiên Quốc nào nghe lời Hồng Tú Toàn, tắm máu gia tộc Dương Tú Thanh? - Ảnh 1.

Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc.

Nghe nói nhà họ Vi tuy giàu có nhưng địa vị thấp kém, bao đời chẳng có nổi một ông tú tài. Vi Nguyên Giới vì tranh tiếng nói đã bỏ tiền mua cho con trưởng Vi Xương Huy chức giám sinh. Đó là vào năm Đạo Quang thứ 29, cũng tức là năm 1849, lúc này Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn đã hoạt động rầm rộ ở Kim Điền.

Nghe đồn Phùng Vân Sơn vừa tới Tử Kinh Sơn thì đã quen biết cha con Vi Nguyên Giới, Vi Xương Huy. Kim Điền nằm giữa Tử Kinh Sơn và bình địa Quế Bình, là con đường tất phải đi qua khi vào núi, cùng là người Khách Gia, những người đọc sách như Phùng, Vi sớm kết giao cũng không phải là chuyện lạ lẫm.

Nhưng không có dấu hiệu cho thấy lúc này cha con họ Vi muốn “đầu cơ” vào “sự nghiệp” của Phùng Vân Sơn. Vi Xương Huy lúc này “ra vào nha môn, lo việc kiện tụng”, giống như dạng luật sư dân gian, mà cha ông ta Vi Nguyên Giới vào năm 1849 thì đã 81 tuổi, cái ăn cái mặc thừa thãi, có 5 người con trai lo việc nuôi dưỡng ma chay, có vẻ cũng chẳng nhiệt tình tham gia chống nhà Thanh cho lắm.

Bước ngoặt có lẽ đến vào trung tuần tháng 2 năm Đạo Quang thứ 29, đại thọ thứ 81 của Vi Nguyên Giới.

Để tăng thể diện cho người được chúc thọ trong ngày sinh nhật, Vi gia cho người làm một tấm biển có khắc lên bốn chữ “thành quân tiến sĩ” (cũng có thuyết nói là “thành danh tiến sĩ”). “Thành quân tiến sĩ” là mỹ xưng của chức giám sinh, Vi Xương Huy treo thì được nhưng để Vi Nguyên Giới treo thì có chút không phù hợp.

Nào ngờ làng bên có tên tú tài địa phương họ Lam, trước giờ luôn không vừa mắt với nhà họ Vi, bèn nhân lúc mọi người không chú ý, lấy dao cạo đi hai chữ “thành quân” rồi chạy đến nha môn tố cáo họ Vi vi phạm chế độ, tự ý treo biển “tiến sĩ”. Phải biết rằng cấp bậc giữa tiến sĩ và giám sinh cách nhau đến mấy bậc, tội danh này không thể coi là nhỏ, cuối cùng Vi gia “rồng mạnh chẳng địch nổi rắn gần nhà”, bị phán phải nộp phạt 300 lạng bạc.

Nhà họ Vi bất quá chỉ là một địa chủ nhỏ, đâu phải là cự phú, ngay cả đến một việc lớn như tu sửa miếu cũng chỉ quyên có 4 quan tiền, nay phải bỏ ra 300 lạng, mối hận này lớn thế nào không cần nói cũng đủ hiểu.

Lúc này Bái Thượng đế hội đã chìa về phía họ đôi tay nồng ấm. Khi đó Tiêu Triều Quý động một tý là giở bài Jesu hạ phàm đã đặc biệt lấy danh nghĩa Jesu tặng một bài thơ chúc thọ: Niên tiêu hoa cảnh quải mãn đường, giới nhân thử tiền tự do đương; Vị tử giám sinh độc thư lang, chính nhân tử tiền nhị tiêu lượng.

Nói thực, bài thơ này của Jesu ngoài vần ra thì chẳng có chút gì giống thơ, thậm chí còn chẳng giống “lời người”, nhưng với nhà họ Vi đang bừng bừng phẫn nộ thì đó chính là nghĩa khí trong tuyết tặng than, đó càng là một cây đại thụ có thể nương tựa.

Ông lão ngoài tám mươi Vi Nguyên Giới cảm động vô cùng, không chỉ đem toàn bộ gia sản quyên hiến cho Bái Thượng đế hội, còn cực lực cổ vũ Vi Xương Huy nhập hội. 

Tháng 8 năm Đạo Quang thứ 29, dưới sự sắp xếp của Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý đến nhà họ Vi ở thôn Kim Điền. Ngày 23 tháng 8, thông qua thánh chỉ của “Jesu” do Tiêu Triều Quý truyền, Vi Xương Huy được xác nhận là con của Thượng đế, là em của Jesu và Hồng Tú Toàn, chính thức trở thành một lãnh đạo hạt nhân.

Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai hai gia tộc người đông thế mạnh mà nhân tài liên tục xuất hiện, là lực lượng cốt cán đáng nương tựa nhất của cuộc khởi nghĩa Kim Điền. So với Thạch Đạt Khai tính cách quật cường và có quan hệ mật thiết với nhà họ Vương ở thôn Tứ Cốc, họ hàng với Thiên Vương và bị Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý nghi kỵ nhất thì họ Vi ở gần Tử Kinh Sơn nhất (Thạch Đạt Khai là người huyện Quý), tính cách mềm mỏng phục tùng vì thế càng được Dương, Tiêu tín nhiệm, cho nên bọn họ không chỉ đặt bản doanh ở nhà họ Vi mà còn thường để Vi Xương Huy đảm nhiệm công tác điều binh khiển tướng.

Theo tương truyền của phụ lão thôn Kim Điền, nhà Vi Xương Huy thực ra chính là nơi chế tạo các loại vũ khí; để che giấu tiếng rèn thép, Vi Xương Huy cố ý nuôi một đàn ngỗng ở ao sau nhà, dùng tiếng ngỗng kêu để che giấu tai mắt của mọi người.

Năm 1850, Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh phát lệnh đoàn doanh Kim Điền, vài vạn giáo chúng khắp vùng Lưỡng Quảng tụ tập về thôn Kim Điền. Ngày 10 tháng 12 âm lịch năm đó, là ngày sinh nhật của Hồng Tú Toàn, hội Bái Thượng đế cử hành khánh điển ở nhà họ Vi, tuyên bố khởi nghĩa. Qua tết nguyên tiêu năm sau, mấy vạn quân Thái Bình xuất phát từ thôn Kim Điền, men theo sông Đại Hoàng đông hạ, bước trên con đường chinh chiến kéo dài 14 năm. Người nhà họ Vi tòng quân nghe nói đến “hơn ngàn”, sự thực thì họ Vi ở Kim Điền không quá trăm người, thêm những người trong tộc ở các vùng phụ cận cũng chỉ khoảng vài trăm người.

Con em họ Vi trong lần xuất chinh này đa phần đều không thể trở về quê hương. Em trai của Vi Xương Huy là Vi Nghiệp Tôn (có thể là Vi Chí Tiên), Vi Thập Nhất (có thể là Vi Chí Năng) tử trận tại hiểm ải thung lũng Phong Môn ở Tử Kinh Sơn ngày 28 tháng 8 năm 1851; con trai của Vi Chí Năng là Vi Dĩ Đức tử trận tại núi Bán Bích tỉnh Hồ Bắc ngày 24 tháng 11 năm 1854; chú của Vi Xương Huy là Vi Nguyên Quang vào ngày 6 tháng 4 năm 1852, sau khi quân Thái Bình từ Vĩnh An phá vây không lâu, bị đại tướng quân Thanh Ô Lan Thái truy kích, chết ở ngoài thành Cổ Tô Xung; người trong Vi tộc là Vi Đắc Linh tử trận ở phủ Thái Bình, tỉnh An Huy vào năm 1854.

Nhà họ Vi gia cảnh vẫn tốt như vậy, vốn dĩ phải trở thành gia tộc cơ sở cho nền móng thống trị của Thanh triều, duyên cớ nào lại trở thành lực lượng phản Thanh trung kiên?

Sau chiến tranh nha phiến tài chính của Thanh đình thiếu hụt, thêm vào việc bạc trắng thiếu thốn nghiêm trọng, dẫn đến việc dùng bạc trắng kết toán thuế ruộng và các loại tạp thu khác nước lên thuyền lên theo, khiến cho hộ “đọc sách cày ruộng” điển hình như Vi Xương Huy phải chịu áp lực rất lớn. Vi thị là “người ngoài” (người Khách Gia tới Quảng Tây thời gian rất ngắn), bị những thế tộc bản địa lật đổ, quan phủ địa phương lại lẩm cẩm hồ đồ theo, nên không chỗ kêu oan, cuối cùng đã ép bọn họ đến bước phải đi tìm “con đường phi thường”.

Những năm 30 của thế kỷ trước khi giáo sư Giản Hựu Văn đi tìm hiểu thực tế địa phương, rất nhiều người cao tuổi kể những câu chuyện sống động như thật về những hộ tiểu địa chủ, hộ tự canh như Vi gia bị quan phủ, hương thân từng bước từng bước dồn vào đường cùng như thế nào, cuối cùng phải tìm đến Thượng đế của Hồng Tú Toàn tìm công đạo.

Từ đó có thể thấy, cho dù con đường Thái Bình Thiên Quốc đi dẫn tới rất nhiều tranh cãi thậm chí trách cứ, nhưng căn nguyên bùng phát của nó lại nằm ở sự mục nát của Thanh triều và sự sụp đổ kinh tế địa phương, dù không có Hồng Tú Toàn và Thượng đế của ông ta, “quan bức dân phản” cũng là kết quả tất yếu – năm đó các hội đảng, gia tộc ở Lưỡng Quảng khởi nghĩa nhiều như lông trâu chính là những ví dụ rõ ràng.

Là chiến tướng anh dũng hay là bạch diện thư sinh?

Lý Tú Thành trong bản cung khai nói Vi Xương Huy “ra vào nha môn”, “xuất thân giám sinh”, trong “Tặc tình hối toản” nói ông “vóc dáng gầy nhỏ, mặt trắng, gò má cao, râu lông mày thưa thớt, thấu hiểu văn chương, âm trầm gian hiểm”. Những ghi chép này trong một thời gian dài tạo cho người ta cái ấn tượng Vi Xương Huy là một bạch diện thư sinh gày gò văn nhã.

Tân Khai nguyên niên (1851), Hồng Tú Toàn ở Trà Địa Quảng Tây hạ chiếu, bố trí binh lực phá vây. Lúc đó Vi Xương Huy đảm nhận Hữu quân chủ tướng cùng với Hậu quân chủ tướng Phùng Vân Sơn, người cũng vốn thư sinh phụ trách đoạn hậu, còn danh tướng đã được công nhận của quân Thái Bình là Thạch Đạt Khai và Tiêu Triều Quý, người được Lý Tú Thành xưng là “dũng mãnh kiên cường, đệ nhất xung phong” thì đánh tiên phong. Điều này mang lại cho người ta ấn tượng “Vi Xương Huy không phải là chiến tướng”.

Thế nhưng một số ghi chép khác lại không như vậy.

Hồng Đại Toàn (Tiêu Lượng) sau khi bị bắt bên ngoài châu Vĩnh An đã cung khai, Vi Xương Huy “đốc quân đánh trận, thiện chiến dũng cảm, nói ông thường mang một nghìn quân, quân Thanh có một vạn quân cũng không sợ”. Tuy bản cung khai của Hồng bị cho rằng tạp nham phóng đại, nhưng lúc này hắn ở đại doanh tiền tuyến quân Thanh, người thẩm vấn là tổng chỉ huy tiền tuyến của quân Thanh Trại Thượng A, nếu Vi Xương Huy thật sự không phải là chiến tướng, hắn bịa đặt như vậy, đương nhiên là không qua được.

Người trong Vi tộc vào thời Dân quốc đã từng trả lời phỏng vấn, nói Vi Xương Huy “chinh chiến đại giang nam bắc, tuy người mang bệnh vẫn lệnh cho người đánh xe đỡ lên ngựa, đích thân đốc chiến”.

Từ những tư liệu ngày nay có thể biết, quân Thanh mãi hơn một năm sau khi cuộc khởi nghĩa Kim Điền nổ ra mới biết chắc chắn Hồng Tú Toàn mới là “đại đầu mục” của phong trào. Các tướng lĩnh ban đầu bên phía địch như Hướng Vinh, Ô Lan Thái đều căn cứ vào những điều tâm đắc có được khi tác chiến và những bản cung khai của tù binh để đưa ra những phán đoán về các đầu mục quân Thái Bình, những phán đoán này thì đủ kiểu nhưng phần lớn đều ngộ nhận Vi Xương Huy là đầu lĩnh số một của quân Thái Bình.

Tục ngữ nói rất hay, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Tướng lĩnh tiền tuyến coi trọng nhất việc thu thập tình báo mà loại hành động quân sự mang tính trấn áp này, việc làm rõ ai là “kẻ đầu sỏ” gần như là nhiệm vụ quan trọng nhất, Vi Xương Huy nếu như không phải là “tội ác tày trời”, thường chỉ huy quân Thái Bình tác chiến, kinh nghiệm phong phú thì người tinh tường lão luyện như Hướng Vinh đâu đến nỗi mắc sai lầm có tính thường thức là tưởng “Vi Xương Huy là đại ca thôn Kim Điền” tới cả năm trời.

Khi mới khởi nghĩa ở Kim Điền, Vi Xương Huy được phong là Hữu quân chủ tướng, Hậu hộ hữu phó quân sư, cùng với ba vị quân sư Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, Phùng Vân Sơn đều xưng là “vương gia”, dưới Hồng Tú Toàn, là “bốn người trợ lý” trong đám quần thần. Trong giai đoạn này, Dương Tú Thanh bệnh nặng mới khỏi tọa trấn trung ương, dần dần độc nắm đại quyền, người thư sinh đầu tiên sáng lập hội Bái Thượng đế Phùng Vân Sơn thì trở thành người phụ tá triều chính, nên cơ hội cầm quân đánh trận của Vi Xương Huy là tương đối nhiều, điều này mang lại cho Thanh triều và các đồng minh cảm giác “năng chinh thiện chiến”.

Đến khi Tiêu Triều Quý, Phùng Vân Sơn lần lượt tử trận, Vi Xương Huy trở thành phụ tá đắc lực nhất của Dương Tú Thanh, sứ mạng chủ yếu đành phải chuyển qua ở phía sau xử lý sự vụ. Rất nhiều văn kiện có tính chất sự vụ, chính sách quan trọng (thậm chí cả những chuyện không quan trọng như sinh nhật con của Thiên Vương, tìm đại phu chữa về mắt cho Dương Tú Thanh) trong năm 1853 đến năm 1854 (hai năm đầu Thái Bình Thiên Quốc kiến đô Thiên Kinh) còn giữ lại được cho tới nay đều do Vi Xương Huy ban bố. Cơ hội để ông cầm quân đánh trận trở nên ít ỏi. Điều này dễ dàng mang lại cho người ta ấn tượng về một “bạch diện thư sinh”.

Tháng 7 năm 1856, quân Thái Bình công phá đại doanh Giang Nam, quân thế đạt đến giai đoạn cực thịnh trong thời kỳ đầu, Dương Tú Thanh phái Vi Xương Huy xuất kinh, tới Hồ Bắc đốc chiến. Đây là lần đầu sau 2 năm, Vi Xương Huy xuất kinh cầm quân đánh trận nhưng chiến tích tầm thường: ngày 6 tháng 7, ông đại phá quân địa phương Giang Tây ở Nhiêu Châu, chiếm lĩnh thành phủ thành; ngày 3 tháng 8, ông mang quân bản bộ tăng viện Thụy Châu nhưng bị quân Tương của Tăng Quốc Hoa đánh cho tan tác dưới chân thành, ngay cả “Hoàng Kiều, Tú Tản” cũng mất. Trong khoảng thời gian nửa tháng sau đó, ông ở dưới thành Thụy Châu hỗn chiến với đạo Tương quân phụ trợ chỉ có vài ngàn này, đôi bên có thắng có thua.

Nếu như chỉ tính chiến tích trong khoảng thời gian này thì Vi Xương Huy có thể nói là chẳng có thành tích gì, đem so với đốc sư ở Giang Tây là Thạch Đạt Khai thì càng là tối tăm ảm đạm. Nhưng xét một cách công bằng, lần này ông được phái ra ngoài là có sự nghi kị, gạt bỏ của Dương Tú Thanh, còn đã nhận được mật chiếu trừ Dương của Hồng Tú Toàn, chuẩn bị để có thể hồi Kinh bất cứ lúc nào (ngày 1 tháng 9 ông về đến Thiên Kinh, có lẽ là rời Giang Tây vào khoảng ngày 15 tháng 8, cũng tức là nói rõ thời gian cầm quân ở bên ngoài không đến tháng rưỡi), đâu có tha thiết chiến đấu.

Không chỉ như vậy, do bị Dương Tú Thanh “sai phái” nên lực lượng ông ta mang theo không phải là quân đội con cháu Vi gia. Người thiện chiến nhất là em trai ông, Vi Tuấn và người cháu Vi Dĩ Lâm lúc này đều ở Vũ Hán. Trận Nhiêu Châu, quân đội ông mang theo là Tả ngũ thừa tuyên Hồ Đỉnh Văn, Tả tam thập thất thừa tuyên Hoàng Văn Kim của Đông điện, đây đều là người thuộc “dây” Dương Tú Thanh; Trận Thụy Châu, ông chỉ mang 3000 quân cứu viện, chủ lực là quân Điện tả nhị thập thất kiểm điểm Lại Tục Tân, thuộc Dực điện của Thạch Đạt Khai.

Sau đó, ông quay về Kinh mưu giết Dương Tú Thanh, số quân mang theo nghe nói là “hai, ba nghìn”. Điều này cũng chứng minh từ một góc độ khác. Đội quân này số lượng không nhiều, khả năng đây mới là đội quân “gia tộc” đáng tin cậy của Vi Xương Huy ở Giang Tây.

Có thể nói, Vi Xương Huy chỉ huy những đơn vị phối thuộc như Hồ Đỉnh Văn, thời gian để tìm hiểu hòa hợp đương nhiên là không thể hoàn thành chỉ trong hơn một tháng ngắn ngủi được. Chính vì như vậy, Vi Xương Huy với thực lực như vậy thừa sức đối phó với quân phòng thủ của triều đình ở Giang Tây nhưng rất khó có thể phá được Tương quân, một đội quân đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu được tăng viện cho đất Cống.

Thật sự là “kẻ có dã tâm”?

Mấu chốt của sự kiện Thiên Kinh chi biến là mâu thuẫn giữa Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh, cuối cùng dẫn đến việc Dương Tú Thanh bị giết mà người chịu trách nhiệm chủ đạo trực tiếp trong việc giết người chính là Vi Xương Huy. Vấn đề là, Vi Xương Huy giết Dương Tú Thanh rốt cuộc là hành vi chủ động hay là nhận chỉ thị của Hồng Tú Toàn?

Lý Tú Thành, khi đó giữ chức Địa quan hựu phó thừa tướng, ghi lại sau 8 năm, Dương Tú Thanh “khoe mẽ uy phong, không biết tự e dè”, ép Hồng Tú Toàn phong là “vạn tuế”, Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai “tích hận trong lòng”, tự ý hẹn nhau giết Dương “thanh trừng kẻ xấu bên cạnh nhà vua”, còn bản thân Hồng thì trước đó không hề hay biết; Còn Dực Vương Thạch Đạt Khai thì nói rằng Vi Xương Huy bất bình cho Hồng Tú Toàn, đề xuất giết Dương, Hồng Tú Toàn miệng nói không chịu nhưng trong lòng lại đồng ý, lại còn cố ý gia phong cho Dương Tú Thanh là vạn tuế để khích nộ Vi Xương Huy, cuối cùng dẫn tới đại họa.

Khi xảy ra Thiên Kinh sự biến, Lý Tú Thành không ở trong thành mà đang khổ chiến ở tiền tuyến Đan Dương; Thạch Đạt Khai thì được phái đi tăng viện cho Vũ Hán, cũng không ở Thiên Kinh khi sự việc xảy ra. Xét từ tình và lý, việc gia phong “vạn tuế” không thể vì để khích nộ Vi Xương Huy, vì nếu như Vi không bị khích nộ, một nước hai vạn tuế thì kết cục sẽ như thế nào?

Kế hoạch Thiên Kinh sự biến rất bí mật, Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương đều là đại tướng cầm quân, nếu như không có chiếu chỉ thì không những không thể vào thành mà còn chắc chắn mang tội chết. Sự thực thì lại là hai người không những mang quân vào thành cùng một ngày mà Dương Tú Thanh không hề phát giác, điều bí mật trong đó là Tả thiên hầu Trần Thừa Dung, người phụ trách giữ chìa khóa cổng thành đã mở cửa cho vào. Trần là lãnh tụ triều thần, nếu không có ý chỉ của Hồng Tú Toàn, thì có cho mười lá gan, ông ta cũng không dám làm chuyện lớn đến độ đủ chết cả nhà như vậy.

Theo tài liệu chép tay của người đương thời mới được phát hiện thì Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương trước khi đột ngột tấn công phủ Đông Vương không những có chiếu thư mà còn tiến hành động viên trước cuộc chiến. Người phụ trách truyền đạt ý chỉ là đại phò mã của Hồng Tú Toàn, Thiên nhị phò mã Chung Vạn Tín, sau này được phong làm Kim Vương.

Rất hiển nhiên, nếu như nói Vi Xương Huy là con dao đồ sát huynh đệ trong Thiên Kinh sự biến, vậy thì bàn tay máu cầm dao chính là Hồng Tú Toàn. Gọi Vi Xương Huy là “kẻ có dã tâm”, có lẽ cũng không quá đáng, nhưng một mặt thì đánh giá Vi như vậy, mặt khác lại ca ngợi Hồng là hình tượng đại diện tuyệt đối đúng đắn cho Thái Bình Thiên Quốc thì lộ ra sơ hở trong lập luận.

Đây không phải là nói Vi không có vấn đề. Quân tử tòng trị mệnh bất tòng loạn mệnh, ông ta hoàn toàn có thể giống như Thạch Đạt Khai, trung lập quan sát, giương cung nhưng không bắn. Rốt cục, không có dao, chỉ dựa vào đôi tay thì đâu thể khuấy lên trận gió tanh mưa máu lớn đến như vậy.

Không chỉ có vậy, Vi Xương Huy sau môt thời gian dài chịu sự lăng nhục và áp chế của Dương Tú Thanh, một khi lật đổ được ngọn núi lớn này thì bỗng nhiên trở nên điên cuồng và nổi dã tâm. Ông ta không chỉ mượn cớ “diệt trừ Đông đảng” để thẳng tay loại trừ những kẻ dị kỷ mà còn muốn giết luôn cả Thạch Đạt Khai, người đã chỉ trích ông ta lạm sát, sau khi không thành công lại giết sạch cả nhà Thạch.

Một loạt những hành động điên cuồng này của Vi Xương Huy không chỉ khiến Hồng Tú Toàn lại động sát tâm, cũng nhanh chóng khiến bản thân ông ta trở thành cái bia cho tướng sĩ trong triều dã công kích, cuối cùng Hồng Tú Toàn mượn danh tiếng của Thạch Đạt Khai dễ dàng làm tan rã thế lực của Vi.

Ngày 2 tháng 9 năm 1856, Vi Xương Huy giết chết Dương Tú Thanh để lên thay vị trí. Hạ tuần tháng 11, với sự phối hợp tác chiến của đại quân Thạch Đạt Khai đã tới gần Ninh Quốc, An Huy, Hồng Tú Toàn bất ngờ lệnh cho nữ quan trong cung kéo cờ hiệu lòng vàng viền xanh của Dực Vương, hô khẩu hiệu “phụng chiếu trừ gian”, thuộc hạ của Vi Xương Huy kinh hãi tan vỡ, ông ta bỏ trốn bị bắt được, cắt mạch cổ tay mà chết, thủ cấp được đưa tới quân doanh của Thạch Đạt Khai ở Ninh Quốc. Nghe nói thịt của ông ta bị cắt thành vô số miếng nhỏ, treo ở các lán trong thành Thiên Kinh để thị chúng, bên cạnh treo một tấm bảng gỗ – “thịt của Bắc gian, chỉ được xem, không được lấy”.

Đỗ Trung Thành (Theo Nghiên Cứu Lịch Sử)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem