Thư từ Tacloban: Tận mục cảnh hoang tàn như "địa ngục trần gian"

Thứ tư, ngày 13/11/2013 18:56 PM (GMT+7)
Những gì chúng tôi được chứng kiến sau khi đặt chân xuống sân bay Tacloban mới thực sự khủng khiếp. Tất cả đều nằm ngoài những gì chúng tôi đã biết qua các phương tiện truyền thông những ngày qua...
Bình luận 0
Cả một vùng rộng lớn chìm trong tan hoang. Những cảnh tượng tiêu điều, xác xơ. Đó là ấn tượng về một Tacloban sau siêu bão Haiyan (người Philippines gọi là siêu bão Yolanda). Nhưng những gì chúng tôi được tận mục sau khi đặt chân xuống sân bay Tacloban mới thực sự khủng khiếp. Tất cả đều nằm ngoài những gì chúng tôi đã biết qua các phương tiện truyền thông những ngày qua.

Một chiếc ô tô bị siêu bão lật ngửa bụng ngay trên phố
Một chiếc ô tô bị siêu bão lật ngửa ngay trên phố.

Trên chuyến bay dân sự tới Tacloban trong buổi sáng đầu tiên sân bay Tacloban mở cửa trở lại, tôi ngồi cạnh chị Mariretta Rialino – Chua. Chị đang trở về nhà mình để tìm chồng và hai con trai.

“Tôi rời khỏi Tacloban để đi công tác vào ngày 6.11 thì hai ngày sau được tin ở nhà siêu bão Yolanda đổ bộ vào. Gọi điện cho tôi, đứa con nhỏ hoảng sợ nói gió rất mạnh và nhiều ngôi nhà xung quanh bắt đầu bay mái hoặc sụp đổ. Chồng tôi nói mưa rất to, gió cực mạnh. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được nghe thông tin về họ”, chị Mariretta Rialino – Chua cho hay.

Quệt dòng nước mắt chảy dài trên má, người phụ nữ 55 tuổi nghẹn ngào: “Không có điện, không có điện thoại, tôi không biết chồng và con tôi còn sống hay đã mất. Tôi phải quay trở lại để tìm gia đình tôi”.

img
Những chiếc túi đựng thi thể nạn nhân bên lề đường, chờ lực lượng cứu hộ chuyển đi.

Phía ngoài sân bay Tacloban vào lúc 13 giờ chiều 13.11, một cảnh tượng hỗn độn được tạo ra bởi cả vạn người dân đang mòn mỏi chờ đợi những chuyến bay của hãng hàng không Cebu Pacific giúp họ thoát khỏi thành phố Tacloban tang thương. Họ ăn ở, chờ đợi nhiều ngày nay ngay tại cổng sân bay Tacloban, nơi chính thức mở cửa để đón các chuyến bay từ Cebu từ sáng nay, 13.11. Mỗi khi có chuyến bay hạ cánh, cả đám đông lại vang lên tiếng gọi, tiếng kêu giúp đỡ với hi vọng sớm có một chỗ thoát khỏi thành phố chết.

Còn bên trong sân bay, ngoài lực lượng quân sự của Philippnes đang khẩn trương chuyển đồ tiếp tế từ Cebu tới Tacloban như thuốc men, lương thực, đồ uống... rất nhiều lực lượng hỗ trợ từ nước ngoài cũng tới đây để giúp đỡ người dân Phillipines vượt qua thảm họa như UN, UNICEF, quân đội Mỹ... Mỗi đơn vị phụ trách một nhiệm vụ riêng, từ giúp đỡ chính quyền thành phố tái thiết và giữ gìn an ninh trật tự cho đến việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân, cung cấp đồ cứu trợ, thuốc men.

Anh Jean Yves Chagssagne, thuộc Lực lượng ứng cứu khẩn cấp quốc tế của Pháp cho biết đơn vị anh gồm có 26 người đã có mặt tại Tacloban 2 ngày nay với nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ người dân thành phố trong công tác tìm kiếm, chuyên chở các thi thể nạn nhân của siêu bão ra chỗ khu vực tập trung.

Còn anh Manfred Marpa, một bác sỹ tới từ tổ chức Watch Tower Bible & Tracy Society cho biết nhóm anh gồm có 5 bác sỹ và 2 y tá mang hơn 200kg thuốc men, dụng cụ y tế nhằm giúp người dân Tacloban chống chọi với dịch bệnh sau thiên tai. “Chúng tôi có thể ở đây khoảng 1 tuần hoặc lâu hơn nữa, đến khi nào họ không cần chúng tôi nữa”, Manfred chia sẻ.

Những đống đổ nát phía trước Toà nhà thị chính TP Tacloban.
Những đống đổ nát phía trước Toà nhà thị chính TP Tacloban.

Ngay khi đang lúng túng chưa biết di chuyển ra sao từ sân bay vào sâu trong thành phố, chúng tôi gặp 2 đồng nghiệp một tờ báo ở Việt Nam với vẻ mặt hết sức thất vọng. Tuy cả hai đều có vé máy bay trở về Cebu vào lúc 13 giờ chiều, nhưng do lượng người bên ngoài cửa sân bay quá đông nên cả hai không thể vào kịp trong sân bay và đành chịu lỡ chuyến bay về Cebu.

Nữ nhà báo thông tin nhanh với chúng tôi: "Chúng tôi vừa tới khu siêu thị Robinson để tìm cộng đồng người Việt tại đó nhưng không thấy vì khu vực đó quá rộng lớn. Xác người vẫn nằm đầy đường. Muốn đi vào trung tâm thành phố, chỉ có cách vẫy bất kỳ xe nào để đi nhờ"...

img
Một gia đình ngồi trong những gì còn lại của căn nhà.

Và chúng tôi đã hết sức may mắn khi được Pong, một nhân viên làm dịch vụ vận tải tại sân bay Tacloban cho đi nhờ vào trong trung tâm thành phố. Một quang cảnh hãi hùng hiện ra trước mắt. Hai bên đường phố, nhà cửa, cây cối đổ rạp, tưởng chừng không còn thứ gì có thể tồn tại sau bão.

Nhiều chiếc ô tô bị gió lật nghiêng trên đường. Những chiếc bao đen đựng thi thể xếp thẳng hàng hai bên đường. Những dòng người lầm lũi vẫn đi ngược chúng tôi để đổ về sân bay. Cả một vùng rộng hàng trăm km2 chìm trong điêu tàn, tan tác. Lực lượng an ninh, quân đội có mặt khắp nơi với súng lăm lăm trong tay để giữ gìn, thiết lập trật tự tại nơi trước đó vài ngày đã xảy ra những cuộc cướp phá các cửa hàng để lấy đồ ăn, thức uống... Cả thành phố bốc lên một mùi rất khó chịu. Mùi của sự phá hủy, của chết chóc...

Nhà cửa sập hết, mỗi gia đình tại Tacloban có một khoảng sân để sinh hoạt chung.
Nhà cửa sập hết, mỗi gia đình tại Tacloban chỉ còn một khoảng sân để sinh hoạt chung.

Pong đã rất nhiệt tình đưa chúng tôi tới khu vực phía sau trung tâm siêu thị Robinson, nơi theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam có một số người Việt sống tại đây. Trên đường, Pong dặn dò chúng tôi: "Một là không được ra ngoài buổi tối vì ở đây có lệnh giới nghiêm. Hai là không được tin bất cứ ai".

Phải lòng vòng hồi lâu, hỏi rất nhiều người dân bản địa, chúng tôi mới tìm tới được ngôi nhà nằm tại địa chỉ Phase 1, Block 6. Hàng xóm cho biết ngôi nhà có 3 người Việt Nam sống, nhưng tất cả đều đã chuyển tới Ormoc từ hôm trước. May mắn thay, tất cả đều an toàn sau siêu bão Yolanda... Điều này cũng trùng hợp với thông tin chúng tôi có được từ Đại sứ quán Việt Nam sáng nay là có một nhóm 11 người Việt gồm cả trẻ em và phụ nữ đã di chuyển tới Ormoc an toàn.
Hải Phong – Lê Hữu Thọ (Hải Phong – Lê Hữu Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem