Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty cổ phần năm 2021
Trường hợp giảm vốn điều lệ
Theo khoản 5 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần tiến hành thủ tục giảm vốn điều lệ trong những trường hợp sau đây:
- Công ty mua lại cổ phần đã phát hành. Cụ thể, công ty cổ phần sẽ mua lại cổ phần theo 02 trường hợp:
+ Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông.
+ Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty.
- Công ty hoàn trả một phần vốn góp theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.
- Vốn điều lệ không được cổ đông thanh toán đầy đủ theo Điều 112 Luật doanh nghiệp 2014:
+ Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.
+ Nếu sau thời hạn trên có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ.
Thủ tục giảm vốn điều lệ đối với công ty cổ phần
* Thành phần hồ sơ
Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:
1. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
2. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ.
3. Bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ.
4. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.
5. Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư 2014.
6. Cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.
7. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp phải nộp kèm theo:
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
- Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Trường hợp không phải chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp văn bản uỷ quyền kèm bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Các văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Trình tự thủ tục giảm vốn điều lệ công ty cổ phần
Bước 1: Nộp hồ sơ
Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Bước 3: Nhận kết quả
* Thời hạn giải quyết: 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
* Lệ phí giải quyết: 50.000 đồng/lần (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).
Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty cổ phần được thực hiện tương tư như các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc cần thiết của công ty là nên hạn chế những trường hợp phải giảm vốn điều lệ .