Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành lắng nghe và rút kinh nghiệm để chăm lo đời sống công nhân tốt hơn

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 12/06/2022 12:59 PM (GMT+7)
Gần 12 giờ trưa nay (12/6), trong phần kết luận buổi đối thoại với hơn 4.500 công nhân lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu và thẳng thắn rút kinh nghiệm để chăm lo đời sống, công ăn việc làm cho công nhân lao động tốt hơn, từ đó phát triển đất nước.
Bình luận 0

Sáng nay (12/6), tại Bắc Giang đã diễn ra chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đối thoại với hơn 4.500 công nhân, lao động năm 2022. 

Tham dự buổi đối thoại có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn...

thủ tướng đối thoại công nhân, lao động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia buổi đối thoại với công nhân, lao động tại Bắc Giang sáng 12/6. Ảnh: Thanh Hải

Cùng dự chương trình đối thoại, còn có lãnh đạo các địa phương và 4.500 công nhân, lao động tại điểm cầu trực tiếp Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thay mặt đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam điểm lại 10 nhóm vấn đề lớn mà công nhân lao động quan tâm, đặt câu hỏi tới Thủ tướng. Trong đó có những vấn đề nóng, nổi cộm như: Vấn đề tăng lương tối thiểu; rà soát sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội; vấn đề nhà ở....

Thủ tướng đối thoại với công nhân về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng

Có mặt từ 6 giờ sáng tại Trung tâm hành chính tỉnh Bắc Giang tham dự Thủ tướng đối thoại với công nhân, ngoài niềm vui, nhiều công nhân lao động cũng bày tỏ nhiều trăn trở, mong muốn được gửi tới Thủ tướng nhiều câu hỏi.

Lao động Bành Thị Thanh, 34 tuổi, Công nhân Công ty TNHH GU Vina, tỉnh Bắc Giang chia sẻ sau 2 năm năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.  Giá xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu tăng liên tục, khiến công nhân lao động vô cùng mệt mỏi.

Chị Thanh đặt câu hỏi và kiến nghị: "Bao giờ Chính phủ mới tăng lương tối thiểu vùng và nghiên cứu ban hành chính sách tiền lương mới cho giáo viên và công chức, để người lao động phần nào đỡ khó khăn?"

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mới nhất, sáng nay (12/6) Văn phòng Chính phủ đã ban hành quyết định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022.

Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động

Thủ tướng chính phủ đối thoại với công nhân về vấn đề tiền lương. Ảnh: Thanh Hải

Theo đó, lương tối thiểu vùng sẽ được tăng thêm 6%, cụ thể mức lương tối thiểu theo 4 vùng là: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Mức tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng/tháng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng cụ thể: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Thủ tướng rất mong anh em công nhân lao động tiếp tục chia sẻ khó khăn, với doanh nghiệp, Chính phủ. Tiếp tục nỗ lực tăng năng suất, hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đối thoại với công nhân: Nhiều câu hỏi liên quan tới thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH)

Ngoài vấn đề tiền lương, nhiều công nhân cũng quan tâm tới vấn đề thực hiện chế độ BHXH, tiền hỗ trợ nhà trọ, hỗ trợ khi dịch Covid-19 xảy ra...

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, 48 tuổi tại Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất (Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động khi công nhân mới 40 - 45 tuổi. Nhiều lao động biết rút BHXH 1 lần là thiệt thòi sau này không có lương hưu nhưng cuộc sống quá khó khăn nên vẫn phải rút.

Trước thực trạng này, chị Hà đặt câu hỏi và gửi kiến nghị: "Chính phủ và Thủ tướng chính phủ có giải pháp gì tháo gỡ vấn đề này? Tôi kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần?".

Nhận sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trả lời câu hỏi. Theo ông Dung, ông đã nghe phản ánh nhiều về tình hình rút BHXH một lần trong công nhân lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của công nhân lao động sau này cũng như tính bền vững trong chính sách an sinh xã hội.

Trước khi diễn ra chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, sáng sớm ngày 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, Ban ngành đã trực tiếp xuống phòng trọ của một gia đình công nhân thuê trọ tại thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang để thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tặng quà gia đình công nhân nghèo.

Ông Dung thông tin, cả nước có 55 triệu lao động, trong đó có 20 triệu lao động có giao kết hợp đồng, nhưng chỉ có 16 triệu lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên với 15 năm phát triển BHXH thì đây cũng là thành tựu lớn.

Có điều, đầu quý I và quý II năm 2022, có một số lượng lớn lao động tham gia rút BHXH 1 lần. Điều này ảnh hưởng không tốt tới đời sống công nhân lao động sau này. Nhất là với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Vừa qua Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH xem xét  sửa luật BHXH. Hiện nay Bộ LĐTBXH đã sửa được 1/12 nhóm chính sách BHXH (chính sách tăng tuổi nghỉ hưu). Hiện tại còn 11 chính sách đang lấy ý kiến, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét năm 2023", ông Dung nói.

11 nhóm vấn đề được đề cập khi sửa Luật BHXH, theo ông Dung đó là vấn đề giảm thời gian đóng; tăng quyền lợi hưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ....

"Sau thời gian tăng cường truyền thông tới nay tình trạng rút BHXH 1 lần giảm đi so với quý I và quý II năm 2022", ông Dung nói.

Về việc rà soát, sửa đổi pháp luật, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Quan điểm của Chính phủ trong lần sửa đổi này là phải bảo vệ thật tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Phải xây dựng các chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Công nhân gửi nhiều câu hỏi đối thoại về "tăng lương, nhà ở, BHXH…" tới Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 4.

Sáng sớm ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ đi thăm tặng quà cho lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Bắc Giang. Ảnh: T.H

"Việc thực hiện Luật trong thực tế có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, Chính phủ đã nhìn thấy và sẽ chỉ đạo sớm sửa đổi để luật phù hợp với thực tiễn", Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc tuyên truyền, vận động kêu gọi sự chia sẻ của người lao động với các chủ thể vào cuộc giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Luật BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân, lao động.

Cũng trong buổi đối thoại, nhiều công nhân đặt câu hỏi về việc xử lý tội trốn đóng, nợ đóng BHXH của doanh nghiệp. 

Thủ tướng tin tưởng công nhân, lao động góp sức xây dựng tổ quốc

Kết thúc buổi đối thoại ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết công nhân lao động trong cả nước rất vui mừng, vinh dự được tham dự, buổi gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng chính phủ. 

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã lắng nghe và giải đáp cụ thể nhiều trong tổng số gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, tâm tư, tình cảm thuộc 10 nhóm vấn đề lớn của công nhân lao động đề đạt đối với người đứng đầu Chính phủ.

“Công nhân lao động cả nước và tổ chức công đoàn Việt Nam bày tỏ niềm tin tuyệt đối về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tích cực thi đua, hăng say lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Khang nói. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá rất cao những vấn đề mà công nhân, người lao động đặt ra tại buổi đối thoại: “Đây là vấn đề rất đúng, rất trúng và rất cần được giải quyết. Tôi xin cảm ơn sự đóng góp này của anh, chị, em công nhân.Từ đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung, hệ thống chính trị trong đó có Chính Phủ, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe, trao đổi. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết hết tất cả các vấn đề. Nhưng chúng ta không thể không trao đổi”. 

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ban ngành liên quan cần phải liên tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến, tập hợp các vấn đề. Tập trung rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách. Sau đó cần phải nhanh chóng bổ sung sửa đổi. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các Bộ, Ban ngành phải đặc biệt chú trọng đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của giai cấp công nhân. 

“Những vấn đề được giải quyết kịp thời sẽ mang lại hiệu quả chung cho nhân dân trong đó có anh chị em công nhân. Những gì chưa làm được, các Bộ, ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm, tiếp thu để làm tốt hơn. Thời gian tới đây, đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của anh, chị, em công nhân về đời sống, công ăn việc làm, nâng cao trình độ được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ, ngành và các địa phương trong việc tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để công nhân lao động có việc làm ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao, tạo cơ hội để công nhân được cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của công nhân, lao động, tập trung rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung sửa đổi cho hoàn thiện những điều chưa phù hợp. 

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần chú ý tâm tư nguyện vọng chính đáng hợp pháp của công nhân để giải quyết kịp thời đồng thời tiếp tục phát huy vai trò truyền thống cách mạng để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thủ tướng cho rằng trước những vấn đề bất cập xuất phát từ thực tiễn các bộ ngành, Chính phủ sẽ cùng nhau giải quyết.

Trước trăn trở của công nhân, lao động về tình hình tiêu cực, phòng chống tội phạm, tín dụng đen..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật phải tốt hơn. Các địa phương phải nhanh chóng phối hợp với các bộ ngành, trong đó có cả Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, lợi ích của người dân và công nhân, lao động.

"Tôi tin tưởng anh chị em công nhân tiếp tục phát huy niềm tự hào từ lịch sử, góp phần cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn và đóng góp nhiều hơn nữa hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc", Thủ tướng nhấn mạnh.



Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem