Thủ tướng chưa duyệt siêu dự án sông Hồng: Quyết định kịp thời

Hải Phong Thứ tư, ngày 11/05/2016 06:27 AM (GMT+7)
“Khi dư luận và các chuyên gia phản biện, Thủ tướng đã xem xét một cách nghiêm túc, lắng nghe ý kiến đa chiều và đưa ra quyết định, theo tôi là hợp lý” - GS -TSKH Phạm Hồng Giang nhận xét.
Bình luận 0

Như NTNN/Dân Việt thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện, vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Lấy ý kiến rộng rãi

Ngày 10.5, trao đổi với NTNN/Dân Việt, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhận định: Như vậy là những ý kiến phản biện của báo chí và các chuyên gia, nhà khoa học những ngày qua đã được Thủ tướng để tâm, xem xét, coi đó như một căn cứ để chứng minh đề xuất dự án này chưa đạt được tính đồng thuận cao.

img

Sông Hồng đang góp phần  tạo nên những mùa vàng ở miền Bắc. Ảnh: Nông dân huyện Đông Hưng (Thái Bình) thu hoạch lúa. Ảnh: Internet

Theo GS Võ, về quy định pháp luật, dự án chỉ được chấp thuận khi có quy hoạch. Dựa vào căn cứ đó, vì dự án này mới chỉ ở dạng đề xuất, chưa có quy hoạch cụ thể nên Thủ tướng đã giao cho Bộ KHĐT và Bộ TNMT xem xét, xây dựng Quy hoạch tổng thể sông Hồng để sau đó có cơ sở pháp lý xem xét, quyết định có thực hiện hay không thực hiện dự án này.

“Muốn vậy, các bộ liên quan sẽ phải lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân vì mức độ phạm vi ảnh hưởng của dự án là rất rộng lớn. Khi đó các nhà khoa học, các chuyên gia lại tiếp tục cho ý kiến để xem nó có khả thi, hợp lý hay không” - GS Đặng Hùng Võ cho biết. Theo GS Võ, có quy hoạch mới có thể đưa ra được những phản biện, luận cứ chính xác. Lúc đó, chủ đầu tư cũng sẽ tâm phục khẩu phục.

GS-TSKH Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cũng hoan nghênh quyết định của Thủ tướng. Theo ông, đây là quyết định đúng đắn, dứt khoát và kịp thời trong điều kiện đề xuất như vậy của Công ty TNHH Xuân Thiện (đơn vị đề xuất dự án) đã được một số cơ quan có thẩm quyền xem xét một cách chóng vánh rồi trình lên Thủ tướng. “Tuy nhiên, khi dư luận và các chuyên gia phản biện, Thủ tướng đã xem xét một cách nghiêm túc, lắng nghe ý kiến đa chiều và đưa ra quyết định theo tôi là hợp lý” - GS Giang nhận xét.

Dư luận phản đối là điều cần thiết

“Loài người đã rút ra một kết luận là chúng ta không nên tác động, can thiệp sâu vào các yếu tố tự nhiên. Với tự nhiên, chúng ta có thể can thiệp, nhưng những can thiệp đó phải thuận theo tự nhiên, không được trái với tự nhiên. Đó là điều mà các dự án, đặc biệt là những dự án có liên quan trực tiếp tới môi trường như Dự án đường thủy xuyên Á phải tính tới”.
GS-TS Đặng Hùng Võ 

Về tính hiệu quả của Dự án đường thủy xuyên Á, GS Phạm Hồng Giang phân tích: Việc xây dựng đập hay làm thủy điện trên các con sông là việc bình thường. Chính phủ cũng đã đặt ra vấn đề khai thác tiềm năng thủy điện của sông Hồng từ rất lâu, khoảng 50 – 60 năm trước. Nhưng cho tới nay, các công trình thủy điện trên sông Thao (sông Hồng đoạn chảy qua Việt Trì) vẫn chưa có dự án nào được đưa vào quy hoạch thủy điện.

“Không phải các chuyên gia khoa học không nhận ra điều này trước khi có Dự án đường thủy xuyên Á, mà thực tế thì hiệu quả của việc xây đập làm thủy điện là rất thấp. Các nhà máy thủy điện nếu có xây dựng thì công suất nhỏ. Còn về mặt thông thương hàng hóa thì bản thân bà con ta không được hưởng lợi nhiều từ dự án. Thế nên việc dư luận phản đối đề xuất này cũng là điều cần thiết” - GS Giang kết luận. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem