Thủ tướng yêu cầu xây dựng Tổng Công ty đường sắt theo mô hình Tập đoàn

An Linh
06/04/2025 09:08 GMT +7
Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình Tập đoàn).

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 05/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ thống nhất quan điểm tầm nhìn đến năm 2030-2045, Việt Nam phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt...)

Theo Thủ tướng, tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. 

Hiện, Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường sắt lớn, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá trên 67 tỷ USD, dự kiến khởi công cuối năm 2026; dự án đường sắt đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá hơn 8,4 tỷ USD;  các đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái…. 

Theo Thủ tướng, đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…). Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn của bản thân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường… 

Về các giải pháp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hình thành các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; huy động mọi nguồn lực (bao gồm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động từ nguồn vốn vay, vốn ODA, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất theo hình thức TOD…); Xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; Bổ sung đầy đủ các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt cho các Dự án (như bổ sung cơ chế chỉ định thầu, huy động nguồn lực…); Phải có tổng công trình sư có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để chỉ đạo các dự án.

Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, hành động phải quyết liệt; làm có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc ấy; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; triển khai trước tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nghiên cứu mở rộng để triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, kéo dài đến mũi Cà Mau các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. 

Việc phân công phải bảo đảm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ thẩm quyền" làm cơ sở để theo dõi, kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, thiếu trách nhiệm, đồng thời biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân sáng tạo, đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ Xây dựng xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025; phối hợp với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các cơ quan, trường, đơn vị, địa phương liên quan để xác định rõ nhu cầu, hình thức, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác các Dự án…

Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình Tập đoàn) để tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Thủ tướng cũng đồng ý đối với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.