"Thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa"

Thảo Linh Thứ năm, ngày 09/03/2023 11:29 AM (GMT+7)
Tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học đã được ngành giáo dục đề cập nhiều trong thời gian qua. Cử tri cho rằng Bộ GDĐT cần xem xét giải quyết vấn đề thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bình luận 0

Mới đây, trả lời câu hỏi của cử tri tỉnh Khánh Hòa về tình trạng thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, Bộ GDĐT cho biết, để giải quyết tình trạng thừa cục bộ giáo viên giữa các cấp học ở các địa phương, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 3397/BGDĐT-NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông. Đến nay cơ bản các địa phương đã giải quyết được tình trạng thừa giáo viên theo định mức biên chế ở các cấp học.

"Thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa" - Ảnh 1.

Phú Thọ đang thiếu hơn 2.700 giáo viên ở bậc học mầm non. Ảnh: Phương Thanh

Về vấn đề thiếu giáo viên, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022 - 2026 (Quyết định số 72-QĐ/TW), trong đó đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 (năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương), Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72- QĐ/TW.

Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ GDĐT, đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn Tin học và Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ năm lớp 3, song hai môn này thiếu giáo viên trầm trọng.

Trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên; do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; do dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa; thời gian dài không tuyển và không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển; thiếu nguồn tuyển, hoặc có nguồn đã được đào tạo, nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem