Thừa Thiên Huế vượt chỉ tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020
Ngày 20/1, Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2020, kế hoạch chương trình năm 2021.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) các cấp, từ năm 2019 đến 2020, có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Các nhóm sản phẩm thuộc các ngành: Thực phẩm 25 sản phẩm, đồ uống 4 sản phẩm, thảo dược 2 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ trang trí 4 sản phẩm, vải, may mặc 1 sản phẩm. 100% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. Hiện còn 8 sản phẩm đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ tiếp tục đánh giá phân hạng. So với mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2019-2020, đã vượt kế hoạch về cả sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và sản phẩm phấn đấu 4-5 sao.
Về chủ thể tham gia chương trình, có 21/34 (62%) chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, số lượng doanh nghiệp là 2/34 chủ thể kinh tế, hộ đăng ký kinh doanh là 11/34 chủ thể. 100% các chủ thể được củng cố, kiện toàn khi tham gia chương trình OCOP.
Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm OCOP, có 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác đã được thành lập với mục đích huy động sức mạnh cộng đồng tham gia, liên kết phát triển (HTX Mắm và nước mắm Tân Thành, HTX Mắm và nước mắm Phú Thuận, HTX Thủy sản Phú Hải, Tổ hợp tác thịt bò A Lưới, Tổ hợp tác bún Vân Cù). Các chủ thể kinh tế là hợp tác xã được đánh giá, phân hạng cao (4/4 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đều là hợp tác xã).
Thừa Thiên Huế là 1/12 tỉnh chỉ đạo điểm của trung ương về chương trình OCOP. Tỉnh có 4/26 sản phẩm được trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao, trong đó 2 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận), 1 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ (mây tre đan Bao La), 1 sản phẩm là dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch tại thành phố Huế.
Đến nay đã có 1 sản phẩm (mây tre đan Bao La) đã được đánh giá và phê duyệt phân hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Tỉnh đã lựa chọn, hỗ trợ và xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020, tỉnh đã phân khai 1.752,15 triệu đồng từ nguồn vốn trung ương và bố trí 9.727,95 triệu đồng từ kinh phí địa phương để hỗ trợ 3 chủ thể kinh tế thực hiện các dự án chuẩn hóa, nâng cấp sản phẩm với mục tiêu đạt sản phẩm 5 sao.
Theo đánh giá chung, mặc dù đây là chương trình mới, chưa có tiền lệ và kinh nghiệm, nhưng với sự vào cuộc tích cực các cấp, ngành, từ chính quyền địa phương đến chủ thể kinh tế, chương trình OCOP ở tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra giai đoạn 2019-2020 đến nay đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.
Chương trình đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác…