Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: "Làm sao cho cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng"

Diệu Bình Thứ bảy, ngày 19/11/2022 20:16 PM (GMT+7)
Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống tham nhũng, làm sao cho cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng.
Bình luận 0

Chiều 19/11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP.Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã phản ánh về tình trạng thiếu thuốc men, thiếu máy móc và trang thiết bị y tế, Luật Đất đai (sửa đổi), công tác phòng chống tham nhũng tại TP cũng như cả nước trong thời gian qua…

Thường trực Ban Bí thư: "Làm sao cho cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng" - Ảnh 1.

Các cử tri nêu ý kiến. Ảnh: D.B

Nó về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống đã được chỉ đạo rất quyết liệt, đi vào chiều sâu, kết hợp phòng chống tiêu cực với chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống suy thoái về đạo đức lối sống, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên.

"Đặc biệt, cuối năm 2021, trong năm 2022, chúng ta làm được điều đó. Bên cạnh việc xử lý về mặt Đảng, xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với cán bộ đảng viên sai phạm thì đã kịp thời chấn chỉnh, thay thế cán bộ có uy tín giảm sút, năng lực hạn chế", Thường trực Ban Bí thư nói.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống tham nhũng. Khi chống mạnh, xử lý nghiêm thì sẽ là biện pháp có giá trị răn đe. Còn phòng thì phải bằng nhiều quy định, quy chế, bằng giáo dục, nêu gương. Làm sao cho cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng.

Thường trực Ban Bí thư: "Làm sao cho cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng" - Ảnh 2.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: D.B

Nói thêm về trường hợp kỷ luật Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho hay, Đảng có chủ trương đối với những cán bộ còn trẻ, còn thời gian công tác, có sai phạm nhưng đã nhận thức được và xin từ chức thì có thể xem xét bố trí nhiệm vụ thấp hơn theo tinh thần "đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại" và "sai chỗ nào, đứng dậy chỗ đó" để rèn luyện.

Bên cạnh đó, ông Thưởng nhận định, xây dựng pháp luật trong thời kỳ mới phải có chất lượng, khoa học, khả thi, khắc phục sự chồng chéo và xung đột giữa các bộ luật với nhau.

"Đây là nhu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đôi khi tham nhũng tiền, dự án, miếng đất thì nó còn hữu hình, định giá được. Nhưng khi làm pháp luật, những lợi ích nhóm cài cắm và những người làm luật kết hợp với nhóm lợi ích tự khoét một lỗ hổng để chui qua thì hậu quả rất là lớn. Hiện nay, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này", Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, khi có sai phạm, cần truy trách nhiệm cả cơ quan trình, cơ quan thẩm định và cơ quan thông qua luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem