Đại tá Vũ Huy Lễ - Thuyền trưởng tàu HQ-505 qua đời: Nhớ về bản hùng ca đảo Gạc Ma

Trần Phượng Thứ bảy, ngày 20/08/2022 14:43 PM (GMT+7)
Đại tá Vũ Huy Lễ (SN 1946), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người chỉ huy tàu HQ-505 tham gia trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa, đã qua đời tại nhà riêng ngày 19/8.
Bình luận 0

Vị thuyền trưởng lưu giữ nhiều kỷ vật và tư liệu về bảo vệ chủ quyền biển đảo

Theo thông tin của Ban tang lễ, lễ viếng đại tá Vũ Huy Lễ diễn ra vào hồi 10 giờ ngày 20/8/2022 tại nhà riêng số 12/14/114 Lũng Bắc, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng.

Có mặt tại Lễ viếng đại tá Vũ Huy Lễ, vị Tổ trưởng tổ dân phố số 16, Lũng Bắc, phường Đằng Hải cho biết, đại tá Lễ là nhân vật lịch sử, có công với đất nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong trận chiến Gạc Ma nên hậu sự của đại tá Lễ đã được gia đình cùng với chính quyền địa phương, tổ dân phố tổ chức rất chu đáo.

Hải Phòng: Anh lùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng trận chiến Gạc Ma qua đời - Ảnh 1.

Lễ viếng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ tại nhà riêng sáng ngày 20/8. Ảnh: PV

Hải Phòng: Anh lùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng trận chiến Gạc Ma qua đời - Ảnh 2.

Lễ viếng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ tại nhà riêng sáng ngày 20/8. Ảnh: PV

Tại Lễ tang, anh Vũ Ngọc Tú, con trai út đại tá Vũ Huy Lễ bùi ngùi chia sẻ, gia đình và bác sĩ cũng đã tận tâm cứu chữa nhưng do bệnh trọng nên đại tá Lễ không qua khỏi. Đây là sự mất mát lớn với gia đình anh. 

Anh Tú cũng cho biết thêm, khi còn sống, đại tá Lễ là người lưu giữ lại nhiều kỷ vật và tư liệu truyền thống một thời anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, cụ Lễ hay ôn lại kỷ niệm, kể lại những câu chuyện năm xưa, về những người bạn anh dũng chiến đấu trên đoàn tàu HQ-505 cho con, cháu và chia sẻ với báo chí những câu chuyện về cuộc sống của những người lính đã anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trao đổi với PV Dân Việt, cụ Lê Khắc Đệ (79 tuổi), trú tại phường Vạn Kiếp, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, một người bạn thân với cụ Vũ Huy Lễ ngậm ngùi cho biết, đại tá Lễ là người có công với đất nước và cụ luôn là niềm tự hào của người thân, con cháu và dòng họ.

Hải Phòng: Anh lùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng trận chiến Gạc Ma qua đời - Ảnh 3.

Lễ viếng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ được tổ chức tại nhà riêng sáng ngày 20/8. Ảnh: PV

Thuyền phó tàu HQ 505 Nguyễn Huy Cường nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi, ngày 27/7 vừa qua, anh em đồng đội vẫn hân hoan gặp nhau và còn hứa hẹn sẽ dự buổi bầu lại Ban lãnh đạo sau nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 7/8 và cụ Lễ nhận lời có tham gia. Hai cụ vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhau để cập nhật thông tin về cuộc sống của nhau? Ngày 31/7 cụ Nguyễn Huy Cường điện thoại cho cụ Lễ thì được gia đình báo đi cụ đi vắng. Sau đó, gặng hỏi mãi thì được biết cụ Lễ bệnh nặng và phải nằm viện. 

Đến ngày 18/8, cụ Lễ yếu quá nên được đưa về nhà riêng. Nhà hai cụ ở gần nhau nên vẫn kịp qua gặp bạn đồng ngũ lần cuối. Nói đến đây, thuyền phó Nguyễn Huy Cường nghẹn ngào, giọng trùng xuống, bày tỏ sự buồn thương đau xót trước sự ra đi đột ngột của người anh em vào sinh ra tử, từng sống chết có nhau. 

Hải Phòng: Anh lùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng trận chiến Gạc Ma qua đời - Ảnh 4.

Ảnh tư liệu của cụ Vũ Huy Lễ được phóng viên chụp lại tại nhà riêng.

Quay trở lại thời điểm quá khứ, khi đại tá Vũ Huy Lễ 22 tuổi còn đang đi học thì sự kiện Vịnh Bắc Bộ diễn ra. Ngay lập tức, vào thời điểm đó, người thanh niên trẻ đã xung phong nhập ngũ và được đơn vị phân công nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào miền Nam chiến đấu chống Mỹ ở đội tàu không số (nay là Lữ đoàn 125).

Năm 1982, ông Vũ Huy Lễ vinh dự được cử đi đào tạo ở Leningrad (Liên Xô cũ). Ngay khi học xong, về nước, ông được giao làm thuyền trưởng tàu HQ-505, một con tàu lớn vận tải quân sự.

Hải Phòng: Anh lùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng trận chiến Gạc Ma qua đời - Ảnh 5.

Đại tá Vũ Huy Lễ - thuyền trưởng tàu HQ-505 hàng dưới thứ 2 từ trái sang. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

Biến con tàu thành pháo đài giữ đảo

Tới đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng trái phép một số đảo ngoài Trường Sa như đảo Châu Viên, đảo Đá Nhỏ… Lúc đó, HQ-505 mới vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào Cam Ranh. Anh em trên tàu đang chuẩn bị ra Bắc ăn Tết thì nhận nhiệm vụ phải đưa tàu ra chốt trực, giữ đảo ngoài Trường Sa.

Ngày 13/3/1988, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận mật lệnh tiến ra Cô Lin để giữ đảo. Khoảng 9 giờ ngày 13/3, tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin.

Sáng sớm ngày 14/3/1988, sau khi tàu HQ 604 bị bắn chìm thì tàu HQ 505 bị tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào. Tàu bị trúng đạn vào buồng máy bên phải nên bị hỏng máy và trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. Tất cả các khoang máy đều bốc cháy dữ dội, điện tắt tối om, nước tràn vào tàu, dầu lênh láng. Tàu có xu hướng nghiêng, khả năng chìm trên vùng biển sâu 1.000 m.

Trong thời khắc sinh tử, thuyền trưởng Lễ nhận định nếu tàu HQ 505 chìm, cán bộ chiến sĩ hy sinh, tàu mất, đảo không giữ được. Vì thế, ông quyết định bằng mọi giá phải giữ được tàu. Chỉ trong vòng 3-4 phút, ông yêu cầu anh em kỹ thuật tập trung sửa máy tàu. Khi sửa xong, ông lệnh chạy cả 2 máy để mũi tàu hướng về đảo Cô Lin.

Khi gần đến Cô Lin, ông hạ lệnh mở hết tốc lực, cho tàu HQ 505 phi thẳng lên đảo. Lúc này tàu HQ 505 nằm gác 1/3 thân trên đảo và trở thành pháo đài kiên cố giữ đảo. Sau khi đưa 5 chiến sĩ trên tàu bị thương lên đảo Cô Lin để cấp cứu, thuyền trưởng Lễ cùng nhiều đồng đội khác đưa xuồng cứu sinh quay lại đảo Gạc Ma để ứng cứu đồng đội.

Việc ứng cứu đồng đội lúc đó là vô cùng gian nan, nguy hiểm. Xuồng liên tục bị lính Trung Quốc dùng súng AK bắn đạn vãi ngay trước mũi xuồng nhằm ngăn cản. Tuy vậy, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn anh dũng cùng anh em ứng cứu đồng đội trong suốt buổi sáng hôm ấy. Kết quả họ đã vớt được 44 đồng đội, trong đó có những người bị thương và cả những người đã anh dũng hy sinh, rồi đưa tất cả về đảo Sinh Tồn để cứu chữa và tổ chức mai táng.

Đến tối 14/3/1988, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng 9 người nữa ở lại tàu, giữ đảo, luôn đặt mình trong trạng thái chiến đấu. Tại đảo, thiếu thốn trăm bề lại luôn ở tâm thế trực chiến, căng thẳng về tinh thần do ngày nào quân Trung Quốc cũng quấy nhiễu, cho tàu chiến đến đe dọa, kêu gọi đầu hàng.

Đến khoảng tháng 6/1988, các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc mới giảm xuống và chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững nhờ những người lính kiên cường, anh dũng như cụ Lễ và những đồng đội anh hùng.

Năm 1989, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều chiến sĩ cán bộ được tặng thưởng Huân chương chiến công vì những thành tích đặc biệt anh dũng của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem