Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu: "Có vẻ như hai từ "thất bại" là một cái gì đó xấu hổ..."

Tào Nga Thứ bảy, ngày 30/10/2021 07:09 AM (GMT+7)
"Nếu hỏi mình có tự hào về những thành công không thì đúng là có. Nhưng có lẽ nếu hỏi mình học được nhiều nhất từ gì thì mình sẽ nói là từ thất bại", TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.
Bình luận 0

TS Nguyễn Chí Hiếu hiện là CEO Tổ chức Giáo dục IEG, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, cố vấn cao cấp cho nhiều hệ thống trường và các tổ chức giáo dục tại Việt Nam. 

TS Hiếu chia sẻ: "Chúng ta thường nói rất nhiều về thành công. Báo chí cũng thường chỉ tung hô những thành công. Mạng xã hội giờ đây vẫn nghiêng về đánh bóng thành công. Và xã hội có những định nghĩa khá cứng nhắc, rập khuôn về thành công. Thế nên, có vẻ như hai từ "thất bại" là một cái gì đó xấu hổ, tầm thường và không có gì để khoe". 

Ngay bản thân TS Chí Hiếu, mặc dù là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh nhưng anh thú nhận mình đã từng thất bại.

Chúng tôi xin đăng tải dòng chia sẻ của anh.

Là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh nhưng TS Nguyễn Chí Hiếu thú nhận: "Mình đã thất bại thế đấy" - Ảnh 1.

Nộp đơn thất bại

"Thất bại đầu tiên của mình chính là vào năm 2003 khi nộp đơn vào Cambridge, nhưng bị đánh trượt... thẳng cẳng. Cũng năm đó, mình nộp đơn đi Mỹ, bị toàn bộ các trường Stanford, Yale, Chicago, Columbia, Northwestern, Notre Dame,… từ chối, duy chỉ có một trường ngoài top 50 nhận nhưng không cho đủ tiền để đi học. Lúc đó, mình thất bại thật nhưng mình không từ bỏ.

Cầm thư chấp nhận học vào LSE (Học viện Kinh tế và Chính trị London) với số học bổng vừa vặn, mình tự dặn lòng: Vào được trường xếp hạng thấp hơn không có nghĩa là bạn thấp hơn người khác. Hoặc thậm chí bạn có thấp hơn đi nữa thì điều đó không là mãi mãi. 

Vèo một cái đến 3 năm sau. Được Cambridge chấp nhận vào làm Tiến sĩ chỉ sau 3 ngày nộp đơn, và cũng được Stanford nhận làm Tiến sĩ. Hơn 10 năm sau, nộp đơn Cambridge học MBA cũng được nhận, và các trường đã từng từ chối mình cũng nhận. 

Khi đó, mình học được bài học: Tất cả chỉ là khởi đầu, và đi tiếp thế nào mới là quan trọng.

Đi học thất bại

"Mang tiếng" là sinh viên A-level giỏi nhất nước Anh, nhưng vào học đại học thì mới tá hỏa: Ôi trời, sao nhiều bạn giỏi vậy. Lúc đó, mới nhận ra: Giỏi nhất nước Anh thôi, chứ thế giới này gần 200 nước, và cái giỏi đó cũng chỉ được đo qua vài bài thi, chứ không nói gì về năng lực trọn vẹn của một người. Thế là mình lao vào học và trải nghiệm để rồi, khi 1/5 lớp rời bỏ chương trình vì không qua các bài thi, thì trong hơn 20 người còn lại, mình lại trong nhóm hoàn thành chương trình sớm nhất dù không theo con đường giáo sư, học thuật.

Là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh nhưng TS Nguyễn Chí Hiếu thú nhận: "Mình đã thất bại thế đấy" - Ảnh 2.

TS Nguyễn Chí Hiếu từng là sinh viên giỏi nhất nước Anh. Ảnh: NVCC

Rồi đi học Oxford, "mang danh" tiến sĩ Stanford, nhưng mấy bài thuyết trình, xử lý case study, giải quyết vấn đề doanh nghiệp, lập trình tài chính, định giá công ty, viết báo cáo doanh nghiệp,… thì cứ nói là bị dân đi làm chuyên nghiệp bỏ xa vạn dặm.

Mấy bài kiểm tra đầu tiên, mình toàn nằm trong nhóm "mém rớt" vì chọn toàn những môn không phải thế mạnh nghiên cứu. Thế là mình lại lao vào gò dũa bản thân. Mỗi lần dấn thân vào những đề bài đó, cái khái niệm Thất Bại trong đầu cũng chẳng còn tồn tại nữa.

Để rồi, danh hiệu thủ khoa Oxford hay vài môn có điểm số kỷ lục trong lịch sử của trường, ở ngay cả những môn "xém rớt" đầu năm, thì tất cả chỉ là sản phẩm phái sinh. Đích đến từ lâu đã không còn nằm ở đó, mà nằm ở những "phép toán" hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Khi đó, mình học được bài học: Tất cả chỉ là thử thách để mình thúc đẩy giới hạn của bản thân và được lớn lên mà không theo bất cứ định nghĩa, thước đo của người nào khác.

Xin việc thất bại

Năm 2006 vừa nộp đơn cao học, vừa xin việc dù trong đầu đã quyết tâm học cao học. Nộp tầm 20 đơn, bị 18 bên từ chối thẳng thừng. Năm 2011 vừa làm luận văn tiến sĩ, vừa nộp đơn xin việc. Nộp đâu "sương sương" tầm 90 nơi, thì chắc phải hơn 70 thư từ chối từ vòng gửi xe. Đi phỏng vấn gần 15 bên, bị từ chối liên tiếp, cuối cùng được 4 bên nhận. Nhưng rồi vẫn chọn về Việt Nam.

Năm 2015, mình đi học MBA. Dẫu đã bỏ túi hai lời mời công việc chắc chắn sau khi học xong, nhưng vẫn cứ thử nộp vài bên để xem số phận đưa đẩy thế nào. Nộp tầm 10 bên thì cuối cùng cũng chỉ được 2 bên nhận. Và rồi vẫn quyết định về Việt Nam lần nữa.

Thế nên, nếu nói khoản nộp đơn xin việc thì mình thất bại nhiều hơn thành công rất rất nhiều. Mình học được bài học: Từ việc học đến chuyện đi làm là một khoảng trống to... chà bá. Học giỏi chưa chắc làm giỏi, và thước đo của môi trường làm việc khác rất xa môi trường học tập. 

Là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh nhưng TS Nguyễn Chí Hiếu thú nhận: "Mình đã thất bại thế đấy" - Ảnh 3.

"Nếu hỏi mình có tự hào về những thành công không thì đúng là có. Nhưng có lẽ nếu hỏi mình học được nhiều nhất từ gì thì mình sẽ nói là từ thất bại", TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ. Ảnh: NVCC

Đi làm thất bại

Hơn chục năm đi làm tư vấn cho các hệ thống trường học, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp, dự án nào mới bắt đầu cũng gặp không ít thất bại. Thế nhưng, ai bỏ đi hay chê bai thì mặc kệ, kể cả có người không một lời từ biệt và biến mất khỏi dự án. Còn với mình, mình mặt dày hơn. Mình làm cho đến ngày cuối của dự án. Để rồi giờ đây, ai muốn ném đá, bĩu môi, liếc háy mình thì cũng cần cân nhắc, suy nghĩ lại. Ai đã từng dừng lại dự án thì cũng sẵn lòng đón nhận mình quay lại. Và ai có nói gì, thì mình vẫn bình an theo đuổi và chú tâm công việc. Hãy để kết quả là câu trả lời.

Khi đó, mình học được bài học: Khi mình không làm được như người ta mong đợi, thì có thể đó là thất bại lớn. Nhưng thất bại lớn hơn chính là vì những cái dở hơi trong suy nghĩ, lời nói của người khác và của bản thân mà mình dừng lại, thay vì đi đến cùng để được nhìn kết quả cuối cùng. Có thể kết quả tốt hoặc chưa tốt, nhưng còn hơn là đẽo cày giữa đường vì hai chữ… thất bại.

Bao lâu nay, người ta hay nhắc đến mình với những thành công. Nhưng thật ra, số lượng thành công đó là quá bé so với số lần thất bại.

Nếu hỏi mình có tự hào về những thành công không thì đúng là có. Nhưng có lẽ nếu hỏi mình học được nhiều nhất từ gì thì mình sẽ nói là từ thất bại. Mình nhớ cảm giác của những lần thất bại rõ ràng và sâu sắc hơn cảm giác những lúc lên nhận thưởng.

Mình học được…

Thất bại trong mắt người đời cũng chỉ mới là khởi đầu của bản thân. Đi tiếp thế nào mới là quan trọng.

Thất bại trong mắt người đời cũng chỉ là thử thách với bản thân. Đi tiếp được không mới là quan trọng.

Thất bại trong mắt người đời cũng chỉ là giúp bản thân khiêm tốn hơn. Nhìn người, nhìn đời và nhìn mình như thế nào mới là quan trọng.

Và mình học được: Chúng ta có thể thất bại theo cách nhìn của khá nhiều người đời và thước đo của xã hội. Nhưng chúng ta chưa hẳn là người thất bại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem