Tiếng chuông chùa vọng từ Trường Sa (Bài 3): Những người gìn giữ "cột mốc" tâm linh Trường Sa

Bình Nguyên Thứ bảy, ngày 30/07/2022 13:26 PM (GMT+7)
Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, các nhà sư gắn bó với những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, công hiến cho Phật giáo; cùng chiến sĩ, ngư dân gìn giữ biển đảo.
Bình luận 0

Những vị trụ trì giữa biển khơi

Trên con tàu HQ 571 chở đoàn công tác Trường Sa cuối tháng 6, Đại đức Thích Tâm Tri, trụ trì chùa Nam Huyên (đảo Nam Yết) vừa vào đất liền và trở ra đảo trên chuyến này. Đại đức đã có 7 năm ở Trường Sa trong đó một năm trụ trì ở chùa Sinh Tồn. 

Cũng như nhà sư khác trên các đảo, ngoài giờ tụng kinh, tu tập, Đại đức Tâm Trí lại cầm cuốc, xách nước tưới rau. "Khó khăn nhất là khi hậu khắc nghiệt vào mùa khô, thiếu nước, điều kiện sinh hoạt hạn chế nhưng lâu dần cũng thành quen. Nhờ cán bộ, chiến sĩ trên trợ giúp nên các thầy đều vượt qua được"- Đại đức Thích Tâm Tri chia sẻ.

Ký sự Tiếng chuông chùa vọng từ Trường Sa Bài 3: Những "người lính áo nâu" ở cột mốc tâm linh Trường Sa  - Ảnh 1.

Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa Lớn bên cạnh cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Bình Nguyên.

Tình nguyện ra Trường Sa từ 10 năm trước, Đại đức Thích Nhuận Đạt chia sẻ dự kiện ban đầu sẽ làm Phật sự hai năm ở chùa Song Tử Tây. Nhưng rồi mảnh đất đầu sóng, ngọn gió, tình cảm của chiến sĩ người dân trên đảo níu giữ bước chân người tu sĩ. Sau 7 năm ở Song Tử Tây, Đại đức Nhuận Đạt tiếp tục tình nguyện sang đảo Trường Sa Lớn làm trụ trì cho đến nay.

"Thời chiến tranh, nhà sư cùng nhân dân tham gia chiến đấu, đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, những nhà sư trẻ như chúng tôi cũng mong muốn được cống hiến cho Phật pháp, đất nước", Đại đức Nhuận Đạt chia sẻ. 

Thư phòng của vị trụ trì ngoài hàng trăm cuốn kinh sách là những tảng đá san hô mài nhẵn. Mỗi vị khách đến thăm chùa đều được đại đức tặng một bức thư pháp tiếng Việt bay bổng trên đá san hô.

Mới ra đảo trụ trì Song Tử Tây được 6 tháng, Đại đức Thích Nhật Anh chia sẻ dù tâm lý vững vàng đến đâu cũng không tránh khỏi lúc nhớ đất liền. Ngoài giờ tụng kinh, tu tập, Đại đức Nhật Anh gặp gỡ chia sẻ với chiến sĩ trẻ trên đảo.

"Tôi luôn động viên mình phải quyết tâm tu hành, giữ tinh thần lạc quan. Có như vậy mới có thể lan tỏa điều tích cực đến chiến sĩ, người dân ở nơi đầu sóng ngọn gió", Đại đức Nhật Anh nói.

Ký sự Tiếng chuông chùa vọng từ Trường Sa Bài 3: Những "người lính áo nâu" ở cột mốc tâm linh Trường Sa  - Ảnh 2.

Đại đức Thích Nhật Anh trong khuôn viên chùa Song Tử Tây. Ảnh: Bình Nguyên.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ba lần ra thăm Trường Sa. Mỗi chuyến đi lại gợi lên trong lòng thượng tọa cảm xúc khác nhau. "Các thầy gắn bó với nơi này thật đáng trân trọng. Tôi mong các thầy luôn vững tâm để phụng sự Phật giáo, dân tộc".

Tự nhiên hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc

Còn Thượng tọa Thích Nguyên Đạt, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, khẳng định việc tôn tạo 9 ngôi chùa và sự đồng hành của nhà sư với chiến sĩ, người dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc là "hoàn toàn tự nhiên trong dòng chảy của lịch sử dân tộc".

"Thường mọi người hay dùng từ đồng hành khi nói về Phật giáo với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi nên gọi là chung thuyền. Đồng hành bước lệnh nhau vẫn tồn tại. Lịch sử nước ta đã chứng minh, khi đất nước lâm nguy thì Phật giáo Việt Nam lâm nguy, đất nước thịnh vượng Phật giáo Việt Nam thịnh vượng", Thượng tọa Nguyên Đạt nói.

Thượng tọa Nguyên Đạt chia sẻ tâm đắc với tinh thần của Hòa thượng Thích Trí Quang (1923 – 2019) khi trả lời ký giả Jerrold Schecter trong cuốn "Diện mạo mới của Đức Phật - Phật giáo và sức mạnh chính trị ở Đông Nam Á" (The New Face of Buddha: Buddhism and Political Power in Southest Asia) xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1967.

Hòa thượng Thích Trí Quang từng khẳng định: "Phật giáo là ý thức mang tính dân tộc và là bản chất trong nhân cách người Việt Nam. Nền tảng cho đạo đức và hành động nằm ở đạo Phật". Đạo Phật hình thành, hiện hữu không phải trong sự thầm lặng của các thiền viện, mà từ ước vọng của một nước Việt Nam tự do, hòa bình. Các nhà sư ở Việt Nam trước khi trở thành tín đồ Phật giáo, họ là Việt Nam, mang trong mình ý thức dân tộc, trung kiên với tổ quốc nơi họ sinh ra.

Ký sự Tiếng chuông chùa vọng từ Trường Sa Bài 3: Những "người lính áo nâu" ở cột mốc tâm linh Trường Sa  - Ảnh 3.

Chùa Trường Sa Lớn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bình Nguyên.

Về ý nghĩa lịch sử của các ngôi chùa ở Trường Sa, Thượng tọa Thích Nguyên Đạt dẫn giải, từ xa xưa những nơi tiền tiêu trọng yếu của tổ quốc đều dựng chùa ở đó. "Ngôi chùa biểu thị cho sự che chở, bình yên".

Trong chuyến đi này còn có sự có mặt của nhà sử học Dương Trung Quốc. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đối với người Việt Nam, trong tâm thức của mình luôn gắn đời sống tâm linh với lòng yêu Tổ quốc. Đối với người ra biển cả, việc tìm được nơi trú ngụ, tìm được nơi có thể giúp họ mưu sinh, có thể giúp họ thể hiện trách nhiệm với quốc gia về lãnh thổ là sự gắn bó dưới mái chùa trên biển đảo xa.

"Vì thế mà trong xa xưa, trong hoàn cảnh cụ thể chỉ là ngôi miếu rất nhỏ. Khi điều kiện cuộc sống cho phép thì người ta hướng đến với ngôi chùa to hơn, vững chãi hơn. Và, trên quần đảo Trường Sa, tất cả những tâm thức ấy đã được thể hiện. 

Về mặt tâm linh, người Việt dựng chùa không chỉ để cầu siêu cho các chiến sĩ hy sinh, ngư dân Việt tử nạn trên biển mà còn cả những người xấu số từ đất nước khác trôi dạt về. Điều đó thể hiện rõ nét tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật; tính nhân văn của người Việt " - ông Dương Trung Quốc nói.

Cách đây gần 20 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã đầu tư tu bổ, khôi phục 6 ngôi chùa: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh tại Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Năm 2020, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tiếp tục khôi phục 3 ngồi chùa trên đảo: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem