Tiết học cuối cùng

Bách Thuận - Khánh Linh Thứ hai, ngày 21/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
31 ngôi mộ nằm quây quần bên nhau trong khuôn viên một nghĩa trang ở Thái Bình. Cách sắp xếp đặc biệt như vậy bởi vì đây là nơi an nghỉ của cô giáo, Liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh ở xã Thụy Dân (Thái Thụy, Thái Bình). Các cô trò đã "dừng lại ở tiết học cuối cùng" sau trận bom ngày 21/10/1966.
Bình luận 0

Nghĩa trang đặc biệt

Cách TP.Thái Bình gần 30km, trên đường 39 đi phố biển Diêm Điền, tại xã Thụy Dân có một nghĩa trang liệt sĩ đặt biệt mang tên "Nghĩa trang 21/10". Rộng hơn 1.000m2, nghĩa trang được thiết kế giống như một lớp học với Đài tưởng niệm như một trang sách mở, cây bút ở chính giữa, bên trên ngòi bút là ngọn lửa cách điệu hình vầng trăng khuyết.

Đây chính là nơi an nghỉ của cô giáo, Liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học trò của Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân (nay là Trường THCS Thụy Dân). Các cô trò của Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân đã nằm xuống cách đây 56 năm, sau một trận ném bom dữ dội của địch.

31 nấm mộ nằm quây quần bên nhau trong khuôn viên nghĩa trang, được bao bọc giữa xóm thôn trù phú và những cánh đồng lúa bát ngát.

Cách nghĩa trang không xa, những thế hệ thầy cô và học trò xã Thụy Dân đang tiếp tục sự nghiệp trồng người ở mái trường được xây dựng lại trên nền hố bom năm nào. Nghĩa trang liệt sĩ và khu tưởng niệm này đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2021.

Tiết học cuối cùng - Ảnh 2.

Nghĩa trang liệt sĩ 21/10 được thiết kế như một lớp học, Đài tưởng niệm giống như hai trang sách mở. Ảnh: Bách Thuận

Thụy Dân một ngày cuối năm, giữa đông, cái nắng như rót mật vàng. Trường THCS Thụy Dân nằm giữa xóm thôn yên bình, giữa cánh đồng màu xanh mướt những luống khoai tây.

Từ vẻ yên bình hôm nay, cùng với tiếng học bài vọng ra xa của các học trò nhỏ, ít ai biết ngôi trường được xây dựng lại trên nền hố bom, nơi mà trưa ngày 21/10/1966, một trận bom của địch đã giết hại cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh lớp 7, Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân tuổi từ 13- 16, trong đó có 12 em học sinh nữ, cùng với 10 người dân và làm bị thương 6 em khác.

56 năm trôi qua nhưng trong ký ức của ông Lê Văn Thắng (SN 1950, xóm 1, xã Thụy Dân) - một trong số những học sinh may mắn sống sót trong trận bom năm ấy với 3 vết thương ở đầu - vẫn vẹn nguyên.

Có lẽ ông Thắng sẽ không thể nào quên được tiết học cuối cùng năm ấy, thời điểm cô giáo và các bạn học của mình đã vĩnh viễn nằm xuống.

Ở nghĩa trang liệt sĩ 21/10, theo thiết kế, ở hai trang sách mở, một bên ghi lại sự kiện 21/10/1966 và một bên là danh sách cô giáo và học sinh, nạn nhân của vụ ném bom. Đáy bút là một lư hương hình lọ mực và khăn quàng đỏ. Chính giữa là phần mộ cô giáo, Liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân. Hai bên là phần mộ của 30 em học sinh.

Ký ức không thể nào quên

Bên bậu đá của Đài tưởng niệm, trong ký ức của ông Thắng, thời điểm tháng 10/1966, Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân vừa mới khai giảng được hơn 1 tháng, và đó cũng là năm học mới khóa đầu tiên của nhà trường. Vì là ngôi trường mới được xây trong điều kiện vô cùng thiếu thốn nên tất cả vẫn còn bề bộn, hầu như chưa có gì, chỉ có 3 lớp học. Ông Thắng lúc đó học lớp 7, lớp có 52 học sinh và giáo viên chủ nhiệm là cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân, dạy môn Văn.

Theo lời kể của ông Thắng, thời điểm ấy Thụy Dân là một xã nhỏ, vỏn vẹn có khoảng 700 nóc nhà nằm quây quần bên nhau giữa ruộng đồng bát ngát như bao làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cũng sân phơi và nhà kho hợp tác xã, cũng cây đa giếng nước sân đình với con mương thủy lợi nhỏ và đường làng quanh co mới đắp. Ngôi trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân, gọi là trường nhưng lúc đó chỉ có vài ba lớp học tranh tre nứa lá được xây dựng từ trước chiến tranh chống Mỹ, đồng thời là nơi làm việc của cán bộ UBND xã Thụy Dân, nằm ở rìa làng thôn An Tiêm.

Tiết học cuối cùng - Ảnh 3.

Ngôi mộ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân nằm chính giữa, quây quần hai bên là 30 phần mộ của các em học sinh. Ảnh: Bách Thuận

Trước đó, nơi đây rất đỗi yên bình, trong vòng bán kính khoảng 10km không hề có mục tiêu quân sự, giao thông hay kinh tế đặc biệt và nơi đây cũng chưa từng bị đánh bom nhưng vẫn có giao thông hào và các hố cá nhân để phòng bị.

"10 giờ 30 phút ngày 21/10/1966, không khí rất yên tĩnh, xã viên hợp tác xã đã xong buổi làm, các lớp học khác đã tan, lớp 7 của chúng tôi cũng sắp hết tiết học cuối cùng.

Tôi còn nhớ như in hôm ấy cô giáo Xuân dạy bài "Dùi đui mà giữ đạo nhà" của Nguyễn Đình Chiểu. Khi cô đang giảng thì có tiếng máy bay, đồng thời phía trong làng vang lên những tiếng bom nổ, đất đá bay tứ tung, khói cuộn mù mịt. Cô vội dừng ngay bài giảng, hô to cho chúng tôi xuống hào trú ẩn. Ngay lập tức, tôi cùng một bạn nữa tên là Dũng vội vàng chạy ra hố cá nhân ẩn nấp. Lúc đó, tôi vẫn còn nhìn rất rõ những chiếc máy bay chia thành hai tốp, chúng bay qua một vòng rồi quay trở lại.

Bên cạnh tôi, Dũng òa lên khóc. Tôi hỏi: "Sao bạn khóc?" Dũng mếu máo: "Có khi bom bỏ trúng nhà mình rồi" và càng khóc to hơn. Tôi chưa biết an ủi bạn thế nào thì lại nghe tiếng máy bay rít, sau đó là một tiếng nổ long trời lở đất, khói mù mịt, đất đá văng tứ tung, trùm hết lên cả người tôi.

Tiết học cuối cùng - Ảnh 4.

Thầy và trò Trường THCS Thụy Dân tổ chức kỷ niệm tại nghĩa trang 21/10. Ảnh: Bách Thuận

Do sức ép của bom, tôi bị ngất không biết bao lâu, đến khi tỉnh lại thì không còn thấy Dũng đâu nữa. Tôi cố trồi lên và chạy, được khoảng 50m thì gục ngã, không còn biết gì nữa, đến khi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm ở bệnh viện nơi sơ tán, bị 3 vết thương ở trên đầu", ông Thắng nhớ lại.

Những hố bom rộng hoác, sâu hoắm, những đống gạch vụn đổ nát, những àng cây tướp lá, xơ xác, những giao thông hào và hầm chữ A xô lệch không còn nhận ra vị trí nữa.

Những con người mới hôm qua còn ríu rít hát ca thì hôm nay là những mộ dài, cỏ mới. Biết đâu, trong số 30 bạn học của tôi ngày ấy, nếu còn sống, bây giờ đã có một mái ấm gia đình, vui vầy bên con cháu...

Ông Lê Văn Thắng

Trận bom đó đã trút xuống ngay cạnh hầm trú ẩn của nhà trường. 30 học sinh tuổi từ 13- 16, trong đó có toàn bộ 12 học sinh nữ lớp 7 đã bị vùi chết bởi sức ép của bom trong các hầm, hào giao thông, 6 học sinh khác bị thương. Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cũng bị bom vùi lấp khi mới vừa tròn 24 tuổi. Lúc ấy, cô Xuân có một con thơ chưa đầy 3 tuổi và đang mang thai bé thứ 2. Theo lời ông Thắng, lúc tìm được thi thể cô chủ nhiệm, cô vẫn còn ôm chặt hai học sinh thân yêu của mình.

Toàn bộ ngôi trường đã bị san thành bình địa, mặt đất chỉ còn trơ lại một hố bom sâu hoắm có đường kính đến 24m.

Những cống hiến thầm lặng

Sinh ngày 4/10/1942, người con gái của miền quê biển Diêm Điền Bùi Thị Thanh Xuân bước vào đời với bao ước mơ, hoài bão. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại bị tật nguyền nhưng với bản tính thông minh, ham học, cô Xuân đã sớm bộc lộ năng khiếu sư phạm. Tốt nghiệp trường Sư phạm Thái Bình, sau khi ra trường, về công tác tại trường cấp 2 Thụy Phong được một thời gian thì chuyển về dạy tại Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân.

Tiết học cuối cùng - Ảnh 5.

Nghĩa trang liệt sĩ và khu tưởng niệm này đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2021. Ảnh: Bách Thuận

Thời điểm này miền Bắc đang bị quân địch bắn phá, trong khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt, cô Xuân và các thế hệ giáo viên ở Thụy Dân chưa lúc nào ngơi nghỉ, chưa lúc nào thôi cống hiến.

Trong cuốn sổ tay kỷ vật thủng lỗ chỗ được lưu giữ tại Trường Tiểu học và THCS Thụy Dân, chúng tôi đã được đọc những dòng suy nghĩ, những tâm sự của cô về nghề: "... Để sánh vai với người chiến sĩ ở trận tuyến giết giặc cứu nước thì ở hậu phương, ở mái trường thân yêu này, đêm- ngày mình sẽ miệt mài bên trang giáo án, quyết tâm đóng góp công sức của mình làm cho sự nghiệp trồng người ngày càng thêm thay da, đổi thịt...".

Nhớ lần gặp mặt gần đây nhất, ông Trương Vũ Sương - nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chồng của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân chia sẻ, về dạy tại Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân, xa chồng, phải gửi con thơ về Nam Hà nhờ bà nội nuôi giúp nhưng cô Xuân vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Sương chia sẻ, hạnh phúc của vợ chồng ông trọn vẹn chưa được 4 năm. 4 năm đó mỗi người một nơi, không có được ở bên cạnh nhau để giúp nhau chuyên môn nghiệp vụ, để cùng nhau gánh vác công việc gia đình trong những tháng năm gian khổ.

"Bây giờ hồi tưởng lại, tôi cũng thấy xót xa đau đớn, càng thấy thương Xuân vô ngần", chồng Liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân ngậm ngùi.

Lá thư chưa kịp gửi

Được sự đồng ý của ông Trương Vũ Sương, chúng tôi xin trích dẫn lá thư mà cô giáo, Liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân viết gửi cho chồng nhưng chưa kịp gửi thì cô đã hi sinh, để thấy được sự gian lao nhưng đầy tự hào, kiêu hãnh của nhân dân ta, nhất là những thế hệ thầy giáo, cô giáo âm thầm cống hiến cho nền giáo dục nước nhà trong bối cảnh đầy rẫy những khó khăn, thách thức.

"Anh yêu quý của em! Rét mới, đêm không ngủ được. Em trở dậy biên thư cho anh đây... Hôm qua chủ nhật, anh có về thăm con không? Xa xôi em đã hình dung được nỗi vất vả của anh: Trời rét, đường lầy lội.

Không hiểu sao mấy đêm nay em thao thức không ngủ được. Nghe thấy gà gáy nửa đêm mà em vẫn không chợp được mắt. Em chỉ hình dung thấy con trước mặt. Em nhớ và thương nó quá. Chưa đầy ba tuổi mà đã phải xa bố, xa mẹ sống trong tình thương của ông bà…

Mấy hôm nay nghe tin máy bay quần Nam Hà nhiều, em càng nhớ điên lên; chẳng đứng ngồi đâu yên. Hôm nay 17, có thể 15 hoặc 20 hôm nữa sẽ được nghỉ mùa. Em sẽ về thăm con... Kể ra thì rất buồn rất nhớ nhưng vì thời chiến cũng phải chịu vậy. Cách đây sáu hôm nó đã đánh Diêm Điền nhưng không chết ai. Chỗ em vẫn yên ổn, thỉnh thoảng nó bay qua nhưng không ở trên đầu…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem