TikTok lan truyền thông tin sai lệch về chiến sự Nga -Ukraine: Nguy hại từ những video trăm triệu view

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 10/03/2022 17:09 PM (GMT+7)
Ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu TikTok đang phải đối mặt với một loạt video chiến sự, và câu hỏi lớn đặt ra là liệu nó có đang lan truyền thông tin chưa được xác minh hay không.
Bình luận 0

Người dùng Bre Hernandez từng lướt TikTok để tìm các video có nội dung hướng dẫn và đánh giá xe tải bánh taco. Nhưng kể từ khi Nga mở cuộc chiến sự tại Ukraine, chàng trai 19 tuổi này đã theo dõi từng ngày để cuộn ứng dụng xem video về chiến sự, xem cảnh xe tăng Ukraine bắn vào quân đội Nga và dân thường Nga đang chạy khỏi làn đạn của kẻ thù.

Còn cô Hernandez, một sinh viên ở Los Angeles cho biết: "Những gì tôi thấy trên TikTok thực tế hơn, chân thực hơn các phương tiện truyền thông xã hội khác. Tôi cảm thấy như tôi nhìn thấy một cách thực tế những gì mọi người ở đó đang nhìn thấy".

Có thể thấy, TikTok, ứng dụng video thuộc sở hữu của Trung Quốc, nổi tiếng với các video hát nhép và nhảy lan truyền đã nổi lên như một trong những nền tảng phổ biến nhất để chia sẻ video và hình ảnh về cuộc chiến sự Nga-Ukraine. Trong tuần qua, hàng trăm nghìn video về cuộc chiến sự đã được tải lên ứng dụng từ khắp nơi trên thế giới, theo đánh giá của trang The Times.

TikTok lan truyền thông tin sai lệch về chiến sự Nga-Ukraine. Ảnh: @AFP.

TikTok lan truyền thông tin sai lệch về chiến sự Nga-Ukraine. Ảnh: @AFP.

Chính sự gia tăng này đã đặt TikTok vào một vị thế đầy thách thức. Lần đầu tiên, công ty phải xử lý kiểm duyệt một loạt video - nhiều video trong số đó chưa được xác minh về một sự kiện duy nhất nóng bỏng đã và đang thu hút khán giả toàn cầu. Điều đó dẫn đến việc TikTok về cơ bản phải đối mặt với một lượng lớn thông tin sai lệch và xuyên tạc vốn từ lâu đã làm khuynh đảo các mạng xã hội và trang video trưởng thành hơn, chẳng hạn như YouTube, Facebook và Instagram.

Nhiều video TikTok phổ biến về cuộc chiến - bao gồm cả những người Ukraine phát trực tiếp từ boongke của họ - cung cấp từ các tài khoản thực. Nhưng cũng có các video khác không thể xác thực và chứng minh được. Các nhà nghiên cứu cho biết, một số video giả, chưa xác thực cố gắng tuồn vào nền tảng ứng dụng này có vẻ như để lấy quan điểm khác hơn từ cuộc chiến sự.

Abbie Richards, một chuyên gia độc lập nghiên cứu ứng dụng TikTok cho biết: "Hiện tại, có những người lần đầu tiên nhìn thấy chiến tranh trên TikTok. Mọi người tin tưởng nó. Kết quả là rất nhiều người trong số đó vô tình bị dẫn theo để nhìn vào những thông tin sai lệch về Ukraine và họ lại tin vào điều đó".

Trước mắt, TikTok và các nền tảng truyền thông xã hội khác cũng đang chịu áp lực từ các nhà lập pháp Mỹ và quan chức Ukraine trong việc hạn chế thông tin sai lệch của Nga về cuộc chiến, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông được nhà nước hậu thuẫn như Russia Today và Sputnik. Đáp lại, YouTube cho biết họ sẽ chặn Russia Today và Sputnik ở Liên minh châu Âu, trong khi Twitter và Meta, công ty mẹ của Facebook cho biết họ sẽ gắn nhãn nội dung từ các kênh này là do nhà nước Nga tài trợ.

TikTok cũng đã cấm Sputnik và Russia Today ở EU và tuần qua cho biết họ đã dành nhiều nguồn lực hơn để theo dõi các nội dung gây hiểu lầm về chiến sự giữa Nga - Ukraine.

Hilary McQuaide, phát ngôn viên của TikTok cho biết: "Chúng tôi tiếp tục ứng phó với cuộc chiến ở Ukraine với các nguồn lực an toàn và an ninh thông tin mạng tăng cường để phát hiện các mối đe dọa mới và loại bỏ các thông tin sai lệch có hại". Vào cuối tuần qua, TikTok cho biết họ sẽ tạm ngừng phát trực tiếp và nội dung mới được tải lên từ lãnh thổ Nga.

Trong nhiều năm, TikTok phần lớn thoát khỏi sự liên kết giám sát về nội dung. Không giống như Facebook, ra đời từ năm 2004 và YouTube, được thành lập vào năm 2005, TikTok chỉ được sử dụng rộng rãi trong 5 năm qua. Thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, ứng dụng này được thiết kế để tạo và chia sẻ video dài từ 1 đến 3 phút dễ dàng. Nó nổi tiếng như một điểm đến cho video gây nghiện, ngớ ngẩn và vui nhộn, đặc biệt là đối với người dùng trẻ tuổi.

Nhưng gần đây, TikTok phải đối mặt với những câu hỏi các nội dung tổn hại xuất hiện trên nền tảng, tác hại đến người dùng chưa đủ tuổi và xem thử TikTok có bảo vệ đầy đủ các quyền riêng tư cho đối tượng người dùng trẻ tuổi hay không. Thế nhưng, cuộc chiến sự ở Ukraine đã thay thế các vấn đề đang đối mặt với TikTok. 

Chính các tính năng mà TikTok thiết kế để giúp mọi người chia sẻ và ghi lại nội dung của cá nhân họ cũng giúp dễ dàng truyền tải video chưa được xác minh trên nền tảng. Theo đánh giá của The Times, lượng nội dung về chiến tranh trên các ứng dụng này vượt xa những gì được tìm thấy trên một số mạng xã hội khác. Các video có hashtag #Ukrainewar đã đạt được gần 500 triệu lượt xem trên TikTok. Ngược lại, hashtag #Ukrainewar trên Instagram có 125.000 bài đăng và các biến thể video phổ biến đã được xem hàng ngàn lần.

Ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu TikTok đang phải đối mặt với một loạt video chiến sự, và câu hỏi lớn đặt ra là liệu nó có đang lan truyền thông tin chưa được xác minh hay không. Ảnh: @AFP.

Ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu TikTok đang phải đối mặt với một loạt video chiến sự, và câu hỏi lớn đặt ra là liệu nó có đang lan truyền thông tin chưa được xác minh hay không. Ảnh: @AFP.

Một tính năng phổ biến khác của TikTok cho phép mọi người dễ dàng sử dụng lại âm thanh cũ có sẵn cho phép mọi người tạo bối cảnh hóa phủ lên các video nóng bỏng. Ở đây, âm thanh có thể bị lạm dụng và bị loại bỏ khỏi ngữ cảnh cũ để đưa vào video mới. Điển hình là trong tuần trước, âm thanh từ một vụ nổ năm 2020 ở Beirut, Lebanon đã được dùng lồng vào và tải lên một số video TikTok lại được cho là lấy thực tế từ chiến sự Ukraine ngày nay, theo đánh giá của The Times.

"Video là định dạng khó kiểm duyệt nhất đối với tất cả các nền tảng", Alex Stamos, giám đốc Đài quan sát Internet Stanford và là cựu giám đốc bảo mật của Facebook cho biết. "Khi kết hợp thuật toán tính năng từ âm thanh phủ lên video để tạo ra bối cảnh mới, điều này làm cho TikTok trở thành một nền tảng mạnh mẽ duy nhất để lan truyền video nội dung sai lệch".

Dafne Atacan, 23 tuổi, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ ở Khu vực Vịnh San Francisco cho biết, cô nhận thức được rằng cô cần kiểm tra thực tế các video TikTok về cuộc chiến sự. Cô cho biết cô đã nhận thấy rằng nhiều video dường như được chỉnh sửa từ các bản tin thời sự hoặc là lấy từ bình luận của những người ở Hoa Kỳ đang theo dõi các sự kiện của Ukraine từ xa.

"Tôi cảm thấy gần đây, những video tôi đang xem được thiết kế để khiến tôi nổi hứng hoặc để thao túng cảm xúc của tôi", cô nói. "Bây giờ tôi rất lo lắng, đôi khi tôi thấy mình phải tìm kiếm thứ gì đó trên Google hoặc kiểm tra các nhận xét để xem video có phải là thật hay không trước khi tin tưởng vào nó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem