TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Chém Phó trưởng Công an phường; tin mới vụ nữ nhân viên sân golf bị đánh bất tỉnh

A.Đ (T/H) Thứ hai, ngày 12/12/2022 19:24 PM (GMT+7)
Chém Phó trưởng Công an phường; thông tin mới vụ nữ nhân viên sân golf bị đánh bất tỉnh; đã bắt được phạm nhân trốn trại giam ở Thanh Hóa... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Chém Phó trưởng Công an phường

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 12/12,  Công an TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1981) ở phố Son Toản, phường An Hưng, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá về tội "Chống người thi hành công vụ".

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Chém Phó trưởng Công an phường; tin mới vụ nữ nhân viên sân golf bị đánh bất tỉnh - Ảnh 1.

Một đối tượng có hành vi chém công an. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Công an phường An Hưng, TP.Thanh Hóa nhận được thông tin của quần chúng nhân dân báo tại phố Son Toản (phường An Hưng) có một người đàn ông đang gây mất an ninh, trật tự.

Nhận được tin báo, Công an phường An Hưng đã cử 3 cán bộ do ông Nguyễn Minh Thuân - Phó trưởng Công an phường - làm tổ trưởng đã lập tức xuống hiện trường để bảo vệ an ninh trật tự, giải quyết vụ việc.

Đến nơi, tổ công tác phát hiện ông Nguyễn Văn Sáu hai tay đang cầm dao đứng trước nhà ông Nguyễn Văn O. (cạnh nhà Sáu) chửi bởi.

Lúc đó, tổ công tác đã vận động, thuyết phục, yêu cầu ông Sáu chấm dứt hành vi, bỏ dao xuống để làm việc nhưng Sáu không chấp hành mà sau đó bất ngờ cầm dao đuổi chém ông Thuân.

Hậu quả, ông Thuân bị chém trọng thương vùng tay và đầu, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông Nguyễn Văn Sáu đã bị công an khống chế, bắt giữ.

Hiện vụ việc đang được Công an TP.Thanh Hóa xử lý theo thẩm quyền.

Lãnh đạo ở Đà Nẵng lên tiếng vụ nữ nhân viên sân golf bị đánh bất tỉnh

Chiều 12/12, trao đổi với PV Dân Việt liên quan vụ việc nhân viên nữ làm việc ở sân golf trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị đánh gây bức xúc dư luận những ngày qua, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn - bà Cao Thị Huyền Trân cho biết quận đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan vào cuộc.

"Sau khi nhận được thông tin, quận đang cho anh em nắm thông tin và tình hình của sự việc. Trong đó, chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra, xác minh thông tin", bà Trân nói.

Thông tin ban đầu, ngày 6/12 vừa qua, một nhóm 4 người, trong đó có ông N.V.D là một đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam bị tố cáo trong quá trình chơi, do bất đồng với một caddie (nhân viên hướng dẫn, phục vụ chơi golf – PV) khi tính số gậy đã chơi trong một hố, ông D đã dùng gậy đập vào người caddie. Hậu quả xảy ra là cây gậy bị gãy làm đôi và cô gái caddie bất tỉnh nhân sự ngay tại chỗ, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Lãnh đạo lên tiếng vụ nữ nhân viên sân golf ở Đà Nẵng bị đánh bất tỉnh - Ảnh 2.

Lãnh đạo ở Đà Nẵng đã lên tiếng vụ nữ nhân viên sân golf bị đánh bất tỉnh.

"Sau đó, ông D với quyền lực, chức vụ của mình đã cấm sân golf thông báo sự vụ ra đại chúng, đồng thời cho cộng sự (giang hồ) vào sân đe dọa các bảo vệ, nhân viên, caddie để sự việc không được tiếp tục lan toả", CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng thông tin.

Đại diện cho CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng tuyên bố tẩy chay golfer D. Đồng thời, đề nghị các hội golf và sân golf đồng loạt tẩy chay nhân vật này.

Mới nhất vào ngày hôm nay (12/12), ông Nguyễn Mười, Chủ tịch CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng cho biết đã có đơn thư gửi tới HĐND tỉnh Quảng Nam.

"Hiện nay, CLB mới chỉ gửi đơn thư phản ánh tới HĐND tỉnh Quảng Nam về vụ việc, chúng tôi cũng chưa biết cơ quan này nhận được đơn thư hay chưa. Sắp tới, tùy vào tính chất giải quyết vụ việc và thiện chí sửa sai của ông N.V.D để chúng tôi quyết định có gửi đơn đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND đối với ông D hay không".


Đã bắt được phạm nhân trốn trại giam ở Thanh Hóa

Như Dân Việt đã thông tin: Tối 11/12, trao đổi với phóng viên, đại tá Lê Văn Cứu - Giám thị Trại giam số 5, thuộc Cục C10 - Bộ Công an (đóng trên địa bàn thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, Lầu A Tủa (32 tuổi) - phạm nhân  trốn trại giam giữ cách đây 2 ngày đã được phát hiện và bắt giữ.

Đã bắt được phạm nhân trốn trại giam ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Phạm nhân trốn trại giam Lầu A Tủa. (Ảnh: Mạng xã hội Facebook)

"Từ nguồn tin của người dân, chúng tôi đã bắt giữ được phạm nhân Lầu A Tủa khi đang lẩn trốn cách nơi phạm nhân lao động khoảng 500m", đại tá Lê Văn Cứu cho biết thêm.

Trước đó, khoảng hơn 11h ngày 9/12, phạm nhân Lầu A Tủa (SN 1990, hộ khẩu thường trú tại bản Khua Họ, xã Huồi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) trong quá trình lao động tại Trại giam số 5 đã trốn khỏi nơi giam giữ.

Theo hồ sơ, Lầu A Tủa bị bắt giữ ngày 1/11/2021 và bị kết án 7 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".

Xét xử kín Giám đốc dọa tung clip nhạy cảm để tống tiền người tình

Như Dân Việt đã thông tin: Bản án được TAND TP.Hà Nội tuyên trưa 12/12 thể hiện: Dương Hoài Thương (SN 1981, Giám đốc một doanh nghiệp) phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản". Cùng tội danh, Bùi Văn Tuấn (SN 1988) phải nhận 7 năm tù và Bùi Văn Tên (SN 1984, anh trai Tuấn) lĩnh 5 năm tù.

Vụ án được xét xử kín vì "có nhiều tình tiết nhạy cảm liên quan đời tư bị hại", theo chủ tọa phiên tòa. Bị hại trong vụ cũng vắng mặt, ủy quyền cho người thân tham gia tố tụng.

Cáo trạng thể hiện, năm 2019, Thương dối chị Vân (SN 1990), nói mình chưa có vợ con nên hai người sau đó phát sinh tình cảm yêu đương. Vị Giám đốc này trả tiền thuê nhà cho "người yêu" và thường tặng quà.

Quá trình yêu đương, chị Vân thường gửi clip nhạy cảm của bản thân cho Thương và không biết anh ta lưu lại những hình ảnh này. Khi 2 người quan hệ tình dục, Thương cũng lén dùng điện thoại quay lại.

Xét xử kín Giám đốc dọa tung clip nhạy cảm để tống tiền người tình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tháng 11/2019, chị Vân sắp thi viên chức tại một trường trung học ở quận Hai Bà Trưng. Thương chủ động nói sẽ "chạy" cho chị đỗ viên chức với giá 30.000 USD (khoảng 700 triệu đồng) và đưa chị tới gặp một "đại tá an ninh".

Anh ta còn đưa cho chị Vân xem ảnh mình ngồi cạnh vị đại tá, bên cạnh là 2 sấp USD. Chị Vân nghĩ Thương đã đưa tiền nên chủ động trả lại 10.000 USD vì "không muốn bị phụ thuộc".

Năm 2020, chị Vân có thai, đề nghị Thương kết hôn nhưng anh ta từ chối với lý do "không phải con của mình". Cô này đã bỏ cái thai và kết thúc quan hệ.

Tháng 7/2021, Thương hẹn chị Vân ra một quán cà phê, tặng quà sinh nhật chị là Iphone 12 đồng thời đề nghị "quay lại" nhưng bị từ chối. Anh ta tức giận, lập tức đòi lại quà sinh nhật kèm một đồng hồ Aston Martin đã tặng.

Vị giám đốc còn yêu cầu chị Vân phải trả cho mình 700 triệu đồng "chạy viên chức" nếu không sẽ tung clip nhạy cảm của chị lên mạng, gửi tới trường học nơi chị đang công tác; chuyển các giấy tờ thể hiện chị phá thai về gia đình và người yêu mới của chị.

Ngay hôm sau, chị Vân lo sợ nên trả lại điện thoại, đồng hồ và 20 triệu đồng. Với 700 triệu đồng, chị không đồng ý trả vì "bản thân thi bằng năng lực". Do đó, Thương tiếp tục ép cô gái, nếu không đưa số tiền này sẽ bị "lộ clip sex".

Tháng 7/2021, Thương yêu cầu nhân viên lái xe dưới quyền là Bùi Văn Tên đe dọa chị Vân để đòi tiền. Tên nhờ em trai mình là bị can Tuấn làm việc này. Thương hứa sẽ trả 30% số tiền đòi được cho 2 anh em.

Tuấn sau đó nhắn tin cho hiệu trưởng nơi chị Vân công tác, nói chị vay tiền để "chạy viên chức", yêu cầu chị phải trả tiền nếu không sẽ đưa vụ việc ra công an. Anh ta còn nhắn nội dung này tới Trưởng phòng Giáo dục và Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng. Do đó, chị Vân phải giải trình và đã khẳng định không vay tiền ai, không "chạy viên chức".

Tuy vậy, chị Vân lo sợ nhóm Thương bôi nhọ danh dự mình nên xin đưa trước 300 triệu, còn lại trả sau. Việc đưa tiền diễn ra tại trụ sở công ty của Thương và trước đó, anh ta yêu cầu cắt camera.

Chị Vân cầm tiền tới vào trưa 2/9/2021, khi đi bị Tuấn bám theo để đảm bảo không có ai cùng đi. Cô gái tới nơi, được đưa lên xe ô tô Benley của Thương ở tầng 2 còn Tên ở ngoài cảnh giới.

Trên xe, chị Vân nói không có tiền tiêu, xin giữ lại 50 triệu đồng và được nhận lời. Thương cầm 250 triệu đồng và chia cho Tên, Tuấn đúng 1/3 như đã hứa.

Chị Vân sau khi đưa tiền lập tức tới báo công an. Biết việc này, Thương lấy tiền khỏi chiếc túi của chị, đưa sang túi khác rồi bảo Tuấn cầm trốn ra cửa sau nhưng vẫn bị bắt quả tang.

Theo cơ quan tố tụng, số tiền 250 triệu đồng tang vật đã được trả cho bị hại. Giai đoạn điều tra, vợ Thương thay chồng bồi thường tổn hại tinh thần cho chị Vân 250 triệu đồng. Bị hại không có yêu cầu gì về dân sự và có đơn xin giảm nhẹ cho cả ba bị cáo.

*Tên bị hại đã được thay đổi.

Vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng: Thủ đoạn của Nguyễn Thái Luyện tinh vi như thế nào?

Xét xử vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng: Thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện tinh vi như thế nào? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba vẫn cố chấp cho rằng mình không hề lừa đảo khách hàng. Ảnh: Chinh Hoàng

Ngày 12/12, TAND TP.HCM bắt đầu thẩm vấn người bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba do bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty, và 22 bị cáo đồng phạm thực hiện.

Về hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, theo cáo trạng, Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), giao những người thân tín đứng tên.

Các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận; tự vẽ ra 58 dự án “ma” và quảng bá là dự án khu dân cư để bán cho khách hàng.

Từ đó, Luyện và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 nạn nhân, có tổng số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, quá trình diễn ra phiên xét xử bị cáo Luyện tự khai số lượng khách hàng mua dự án của mình còn nhiều hơn số liệu theo hồ sơ vụ án, "phải lên đến vài trăm nghìn người", bởi các hợp đồng ký từ năm 2016 - 2019 diễn ra liên tục. Mỗi tháng công ty bán từ 1.000 - hơn 2.000 sản phẩm, có những sản phẩm có đến 2 - 3 người, thậm chí nhiều người đồng sở hữu.

Xét xử vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng: Thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện tinh vi như thế nào? - Ảnh 2.

Bị hại trong vụ án Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản thưa thớt trong ngày đầu tuần mở lại phiên xét xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: Chinh Hoàng

Và thực tế, khi xét xử vụ án, rất nhiều người dân đến trình bày bản thân là bị hại của Nguyễn Thái Luyện và đề nghị được tham gia phiên tòa.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thái Luyện tiếp tục kêu oan và cho rằng “không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai cả”. Theo trình bày của Luyện, bị cáo làm cẩm nang để đào tạo kỹ năng bán hàng, chia sẻ cho nhân viên và khách hàng. Trong đó, Viện KSND TP.HCM công bố một số “phương pháp bán hàng” được đề cập trong cẩm nang của Luyện, như: "truy sát khách hàng", "sale phone", “treo đầu dê bán thịt chó”, “truyền lửa”, “đốt lửa”…

Về lời khai của Luyện, đại diện Viện KSND TP.HCM chất vấn bị cáo chỉ có đất nông nghiệp, nhưng lại quảng cáo là đất thổ cư, tự phân lô, rao bán đất thổ cư, mà lại tự cho rằng mình không có sự gian dối...

Cáo trạng xác định thủ thuật lừa đảo khách hàng mua 58 dự án “ma” của Nguyễn Thái Luyện rất tinh vi. Cụ thể, bị cáo cùng 21 đồng phạm trong tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (bị cáo còn lại phạm tội rửa tiền) đã thực hiện 5 bước chiêu dụ, tạo niềm tin cho khách hàng, từ đó khách hàng sẽ nộp tiền cho Luyện thông qua các pháp nhân mà Luyện lập ra. Đến nay chưa một khách hàng nào nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết.

Vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng: Thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện tinh vi như thế nào? - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện kêu oan và cho rằng “không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai cả”

Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần tiền nhỏ của cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng rồi chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập, và theo chỉ đạo của Luyện, các công ty này tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định (tất cả các dự án đều không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất; không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc thành lập dự án).

Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án tự vẽ không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100 m2 - dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…), rồi quảng cáo bán sản phẩm.

Bước 4: Nguyễn Thái Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án; đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo luật Kinh doanh bất động sản mà đồng ý mua.

Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo quảng cáo của Công ty Alibaba thì Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem