TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Người mặc sắc phục công an đạp, đánh dân; tin mới phiên xét xử vụ Công ty Tây Hồ

A.Đ (T/H) Thứ tư, ngày 09/08/2023 19:00 PM (GMT+7)
Người mặc sắc phục công an đạp, đánh dân; thông tin mới phiên xét xử vụ Công ty Tây Hồ; tình tiết mới vụ đại gia Đức An kiện cựu siêu mẫu Ngọc Thúy đòi 288 tỷ đồng... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Trưởng Công an xã ở Bình Phước "đạp, đánh người dân" bị đình chỉ công tác

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 9/8, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã tạm đình chỉ công tác với trung tá Lê Huy Cao – Trưởng Công an xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng để tiếp tục xác minh, làm rõ liên quan đến clip người này đạp, đánh người dân trên địa bàn.

Công an tỉnh xét thấy trung tá Lê Huy Cao có hành động không chuẩn mực khi làm nhiệm vụ, không đúng điều lệnh và văn hóa ứng xử của ngành công an gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng công an nhân dân nên đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với trung tá Lê Huy Cao để xác minh, làm rõ.

Theo kết quả xác minh ban đầu, Công an huyện Phú Riềng đang điều tra vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày 5/8 tại thành phố Đồng Xoài có liên quan đến chiếc xe ba gác trên.

Trước đó, đối tượng Cao Văn Quế (SN 1993, ngụ phường Tân Phú) dùng thủ đoạn gian dối lừa người làm thuê của bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (tại phường Tân Thiện) để lấy xe đi cầm cố cho anh Đậu Ngọc Dần (tại xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng), là anh ruột của anh Đậu Ngọc Hoàn với số tiền 8 triệu đồng.

Trưởng Công an xã ở Bình Phước đạp, đánh người dân bị đình chỉ công tác - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip.

Sau khi biết vụ việc, ngày 7/8, bà Vân đã liên hệ và yêu cầu Quế cùng đi chuộc xe. Khi liên hệ với anh Đậu Ngọc Dần được biết chiếc xe ba gác máy hiện đang được để ở nhà em ruột Đậu Ngọc Hoàn nên đã đến nhà Hoàn để lấy.

Tuy nhiên, khi đến nhà anh Hoàn thì xe ba gác máy bị hư không chạy được. Quá trình Quế di chuyển xe ba gác máy thì bị rơi xuống mương nước gần nhà nên đã gửi lại xe cho anh Hoàn trông coi.

Đến 6h ngày 8/8, người dân phát hiện chiếc xe ba gác, nghi là tài sản trộm cắp nên đã báo Công an xã Bình Sơn.

Trưởng Công an xã ở Bình Phước đạp, đánh người dân bị đình chỉ công tác - Ảnh 2.

Anh Hoàn bị thương sau vụ việc.

Nhận tin báo, công an xã và lực lượng dân quân đến hiện trường. Khi đến nơi, phát hiện chiếc xe ba gác máy đã được đưa lên đường nhưng xe bị hư hỏng không hoạt động.

Lúc này, lực lượng đưa xe về trụ sở Công an xã để xác minh thì anh Đậu Ngọc Hoàn nhận là xe của người quen gửi mình không phải xe trộm cắp nên không cho mang đi.

Đến 9h cùng ngày, trung tá Lê Huy Cao, Trưởng Công an xã Bình Sơn đã trực tiếp đến hiện trường giải thích và yêu cầu anh Hoàn chấp hành nhưng anh Hoàn vẫn không đồng ý cho đưa xe đi nên trung tá Lê Huy Cao có hành vi dùng tay đấm, chân đạp và còng tay anh Hoàn.

Sau khi xảy ra sự việc, Công an huyện Phú Riềng đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, Thường trực Huyện ủy Phú Riềng, đồng thời chỉ đạo các đội nghiệp vụ, kết hợp chính quyền xã, thôn vận động, thăm hỏi gia đình và động viên anh Hoàn tại bệnh viện.

Công an huyện báo cáo đề xuất Giám đốc Công an tỉnh tạm đình chỉ công tác 2 tháng đối với trung tá Lê Huy Cao, Trưởng Công an xã Bình Sơn để xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Bị cáo tố bị điều tra viên dọa

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 9/8, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh bước sang ngày làm việc thứ 2 trong phiên sơ thẩm, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ).

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Nin thể hiện, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83@ vốn Nhà nước và nắm giữ 50/09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.

Cơ quan truy tố cáo buộc, Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc đại diện vốn của Tổng Công ty Xây dựng tại Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ), Chu Thị Ngọc Ngà (Trưởng ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ), Nguyễn Tấn Hoàng là các thành viên HĐQT, trưởng phòng kinh doanh thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước.

Tại tòa hôm nay, khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà trình bày, về việc bán 118 lô đất, theo bị cáo này thì ý kiến của các bị cáo khác trình bày tại phiên tòa là chưa phản ánh trung thực, đúng bản chất.

Theo quan điểm của bị cáo Ngà, việc công ty triển khai 118 lô đất hoàn toàn đúng đắn, hợp lý, phù hợp với hoạt động, phù hợp với tình trạng của công ty trong thời điểm đấy, phù hợp với pháp luật. Cơ sở để cho HĐQT ra nghị quyết để triển khai kinh doanh 118 lô đất là dựa trên các tiêu chí rất đặc trưng, rất cơ bản của hoạt động một công ty cổ phần.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Bị cáo tố bị điều tra viên dọa - Ảnh 1.

Theo bị cáo Ngà (ngoài cùng bên phải), lời khai của một số bị cáo khác về việc bán 118 lô đất là chưa hoàn toàn đúng bản chất. Ảnh: HC

Theo bị cáo Ngà, thời điểm khi triển khai bán 118 lô đất, tình trạng vốn của công ty đang ở bờ vực phá sản, hoàn toàn không còn vốn để sản xuất kinh doanh, duy trì sự tồn tại của công ty.

Với dự án duy nhất mà công ty đang đầu tư thì thiếu trầm trọng tất cả những yếu tố mà có thể triển khai tiếp, dẫn đến khả năng bị thu hồi dự án rất là cao.

"Bản thân việc triển khai, theo đánh giá của bị cáo, HĐQT công ty có ý chí tuân thủ pháp luật rất cao. Vì vậy nên mới thuê công ty tư vấn luật tư vấn cho công ty về pháp luật. Việc này là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, hoàn toàn không có động cơ gì" – bị cáo Ngà khai trước tòa.

Theo vị nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ, khi chuyển nhượng 118 lô đất, công ty đã thuê một đơn vị tư vấn luật. Đơn vị này tư vấn 75 lô đất có thể làm thủ tục chuyển nhượng cho khách hàng ngay.

Với 43 lô đất còn lại chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chuyển nhượng toàn bộ hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất; giai đoạn thứ 2 khi công ty hoàn thành xong việc xây thô thì mới thực hiện chính thức việc chuyển nhượng sang cho khách hàng và bà Ngà cho biết, HĐQT công ty ra chủ trương thực hiện theo đúng như tư vấn của công ty luật.

Về chức trách, nhiệm vụ của mình, bị cáo Ngà trình bày, theo quy định thì bị cáo được quyền tham gia tất cả các cuộc họp của HĐQT, được quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.

Về giá của 118 lô đất, với chức trách kiểm soát của mình, bị cáo Ngà nói không phát biểu ý kiến trước khi thành viên điều hành và HĐQT có ý kiến. Bởi để HĐQT ra được quyết sách và giá bán, bà Ngà cho hay trước tiên phải dựa vào tham mưu của các ban, phòng của công ty.

Trả lời trước thông tin các bị cáo khác khai mình là người đề xuất giá, bị cáo Ngà khẳng định không có.

"Bị cáo khẳng định không có chuyện đề xuất giá nếu không có sự tham mưu, không có quyết sách của HĐQT, vì ban kiểm soát không có tư cách để đề xuất giá, không có tư cách biểu quyết, phủ quyết nên chắc chắn không bao giờ có chuyện bị cáo đề xuất giá" – bị cáo Ngà khai.

Về việc bán giá chênh lệch, bị cáo Ngà khai không biết. Với thông tin những khách hàng mua đều nói phải mua với giá cao hơn, bị cáo này giải thích, với 118 sản phẩm, Công ty Tây Hồ không trực tiếp bán cho từng khách hàng mà thông qua hình thức hỗ trợ tài chính.

Xét xử vụ Công ty Tây Hồ: Bị cáo tố bị điều tra viên dọa - Ảnh 2.

Tại tòa hôm nay, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đã phản bác một số lời khai tại giai đoạn điều tra, khai bị đe dọa. Ảnh: HC

Những đối tác hỗ trợ tài chính được quyền giới thiệu khách hàng đến công ty tây hồ để làm thủ tục ký hợp đồng, công ty không trực tiếp làm với một khách hàng nào.

Hỗ trợ tài chính được hiểu là cho công ty vay 1 lượng tiền, được quyền giới thiệu khách hàng mua sản phẩm đủ điều kiện của công ty tương ứng với mức hỗ trợ tài chính.

Đáng chú ý, tại tòa hôm nay, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đã phản bác lại một số lời khai tại giai đoạn điều tra. Theo bị cáo Ngà, thời điểm mới bị tạm giam, bị cáo bị khủng hoảng tinh thần, ngất nhiều lần và không được tiếp xúc với người thân.

Thậm chí, bà Ngà còn khai trước tòa rằng có một điều tra viên từng nói với mình rằng phải chứng minh được tội, đe dọa nếu không hợp tác khai thì "thằng Hoàng (một người cháu ruột của bà Ngà, đang điều hành Công ty Tây Hồ thời điểm sau khi các bị cáo bị bắt – PV) trong một tháng nữa sẽ bị bắt ở đây".

Với một số lời khai được HĐXX công bố sau đó, bà Ngà phản bác, nói thời điểm đó chịu đe dọa của điều tra viên "sẽ bắt thêm cả con ruột của bị cáo" nên rất hoảng loạn, các bản cung đó là theo ý chí của điều tra viên.

Hôm nay, theo giấy triệu tập của tòa án, điều tra viên Vũ Hoài Linh (điều tra viên được phân công điều tra vụ án) đã có mặt tại tòa.

Trình bày trước HĐXX, điều tra viên Vũ Hoài Linh cho biết, ông khẳng định toàn bộ quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án hoàn toàn khách quan, dựa trên tài liệu chứng cứ của vụ án.

Các nội dung liên quan bị cáo Ngà được thu thập khách quan dưới sự chứng kiến của luật sư, không có chuyện ép cung, mớm cung hoặt bất cứ hình thức gì.

Theo vị điều tra viên này, thời điểm đó bà Ngà nhìn nhận đúng vấn đề, thừa nhận, thành khẩn khai báo cho đến khi sau này bị cáo Ngà thay đổi lời khai

"Tôi khẳng định không có chuyện như bị cáo vừa khai tại tòa..." – điều tra viên Vũ Hoài Linh nói.

Tình tiết mới vụ đại gia Đức An kiện cựu siêu mẫu Ngọc Thúy đòi 288 tỷ đồng

Chiều 9/8, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết, TAND TP.HCM dự kiến đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Đức An (quốc tịch Mỹ), bị đơn là vợ cũ của ông An - cựu siêu mẫu Phạm Thị Ngọc Thúy vào ngày 18/8.

Tình tiết mới vụ đại gia Đức An kiện cựu siêu mẫu Ngọc Thúy đòi 288 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cựu siêu mẫu Phạm Thị Ngọc Thúy và đại gia Nguyễn Đức An. Ảnh: FB

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2010, đến thời điểm hiện tại ông An đã có những đơn kiện bổ sung. Cụ thể, ông An mong muốn chuyển toàn bộ tài sản tranh chấp vào công ty chung của 2 con và sẽ bàn giao lại cho các con khi đủ 18 tuổi.

Đồng thời, ông An yêu cầu bà Ngọc Thúy trả thêm hơn 422 triệu đồng, 447.000 USD trong 3 tài khoản ngân hàng do bà đứng tên, cùng 67 tỷ đồng mà ông xác định là tiền mà bà Thuý thu được từ việc cho thuê 9 căn hộ cao cấp tại trung tâm quận 1, TP.HCM trong những năm qua.

Bên cạnh đó, ông An rút yêu cầu bà Ngọc Thúy trả lại 5 biệt thự tại Sea Links Golf & County ở Phan Thiết, 7 ô tô và 1 xe máy.

Trước đó, năm 2010, ông An gửi đơn kiện bà Ngọc Thúy, yêu cầu trả lại 39 loại tài sản (ước tính hơn 288 tỷ đồng). Ông An cho rằng đây là số tài sản đã nhờ vợ cũ đứng tên trong thời gian chung sống.

39 loại tài sản gồm: cổ phiếu, xe, căn hộ, biệt thự, đất nền tại các dự án lớn ở TP.HCM và Phan Thiết như Avalon Building, Sailing Tower, Sea Links Golf - County Club...

Ông An cũng không đồng ý với yêu cầu phản tố của bà Ngọc Thúy về việc đề nghị được chia 50% giá trị các tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân (9 căn hộ tại tòa nhà Avalon Building, Sailing Tower; hai bất động sản tại quận Bình Thạnh, TP.HCM và 31% cổ phần trong một công ty tại TP.Vũng Tàu).

Theo hồ sơ vụ án, ông Đức An và bà Ngọc Thúy kết hôn vào năm 2006. Sau đó, ông An nhờ bà Ngọc Thúy đứng tên sở hữu, sử dụng nhiều loại tài sản tiền hôn nhân.

Đến ngày 26/9/2007, vợ chồng này nộp đơn ly hôn tại tòa án California, hạt Orange - Mỹ. Nguyên đơn cho biết vào năm 2008, Tòa thượng thẩm California giải quyết ly hôn đã tuyên bà Ngọc Thúy phải trả lại toàn bộ tài sản "đứng tên giùm" cho ông An, không có tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Do bà Ngọc Thúy không chịu trả nên ông An khởi kiện ra tòa.

Giương oai, rút súng bắn lên trời thị uy, 1 đối tượng bị bắt

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 9/8, thông tin từ Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Thiều Sỹ Hoài (SN 1983) ở thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Theo Công an TP Thanh Hoá, trước đó khoảng 21 giờ 30 phút, ngày 26/7/2023, Thiều Sỹ Hoài đã đến khu vực hồ Đồng Chiệc, TP Thanh Hóa tìm người giải quyết mâu thuẫn trước đó.

Thanh Hoá: Bắt đối tượng dùng súng bắn lên trời để thị uy rồi bỏ chạy - Ảnh 1.

Thiều Sỹ Hoài tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thanh Hoá. Ảnh: Công an TP Thanh Hoá

Tại đây Hoài đã rút ra một khẩu súng dạng súng côn thể thao bắn lên trời để thị uy rồi bỏ chạy.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với Công an phường Phú Sơn và các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám nghiệm hiện trường, làm việc với những người liên quan, nhân chứng, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Bước đầu tại cơ quan điều tra, Thiều Sỹ Hoài đã thừa nhận toàn hành vi vi phạm pháp luật của bản thân.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Vì sao nguyên Giám đốc và Kế toán trưởng CDC TT-Huế được trở lại công tác sau khi bị bắt?

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 9/8, theo nguồn tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vì sao nguyên Giám đốc và Kế toán trưởng CDC TT-Huế được trở lại công tác sau khi bị bắt?  - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Đức bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 2/2022 vì vi phạm quy định về đấu thầu trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế gây thiệt hại tài sản cho nhà nước. Ảnh: M.H.

Nguyên nhân tạm đình chỉ vụ án là do hết thời hạn điều tra và Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên Huế đang chờ kết quả trả lời của Hội đồng định giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế về định giá một số mặt hàng trong các gói thầu sai phạm.

Khi có kết quả định giá, Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục khôi phục vụ án để điều tra theo quy định.

Liên quan đến vụ án này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành 2 thông báo cho phép ông Hoàng Văn Đức - nguyên Giám đốc và ông Hà Thúc Nhật - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC tỉnh Thừa Thiên Huế quay trở lại đơn vị công tác kể từ ngày 8/8.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh thông báo để CDC tỉnh bố trí công việc cho ông Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật. Các thông báo của Giám đốc Sở Y tế tỉnh căn cứ vào các quyết định, công văn của các cơ quan có thẩm quyền. Đó là quyết định số 01/QĐ-CSĐT ngày 14/7/2023 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế về quyết định tạm đình chỉ điều tra các bị can Hoàng Văn Đức, Hà Thúc Nhật; quyết định số 02/QĐ-CSKT ngày 14/7/2023 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế về tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự; công văn số 1409/NSV-TCCC ngày 7/82023 của Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phúc đáp công văn số 2725/SYT-TCCB của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vì sao nguyên Giám đốc và Kế toán trưởng CDC TT-Huế được trở lại công tác sau khi bị bắt?  - Ảnh 2.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, bắt tạm giam ông Hà Thúc Nhật. Ảnh: M.H

Trước đó, như tin đã đưa, vào ngày 17/2/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Các quyết định trên cũng được Viện KSND cùng cấp ký ngày 17/2/2023.

Khám xét tại nhà và nơi làm việc của các bị can vào rạng sáng 19/2/2022, cơ quan công an thu giữ nhiều tài liệu, tiền mặt liên quan đến vụ án.

Theo cơ quan công an, các bị can Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã có nhiều sai phạm liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, quần áo bảo hộ, kit test… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn tỉnh. Những sai phạm này kéo dài từ năm 2020 đến năm 2021.

Cụ thể, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật đã vụ lợi dẫn đến các sai phạm quy định về đấu thầu trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế gây thiệt hại cho Nhà nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem