Tin tức giả trên mạng xã hội: Ai cũng có thể là nạn nhân

Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ ba, ngày 02/05/2017 15:06 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS. Phạm Hải Chung cho rằng: “Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức nào đều có thể rơi vào khủng hoảng hình ảnh hay thương hiệu bởi những tin tức giả mạo (fake news) trong kỷ nguyên số”.
Bình luận 0

Thưa chị, trong thời gian qua, những tin tức giả mạo xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Mark Zuckerberg cũng từng thừa nhận chỉ có hơn 99% thông tin trên Facebook là thật. Số còn lại nghe thì tưởng là ít, nhưng với 1,8 tỷ người dùng Facebook hiện nay, con số gần 1% tin giả lại không hề nhỏ. Hơn nữa, tốc độ lan truyền của tin giả lại nhanh gấp nhiều lần so với tin thật vì chúng thường là những tin đánh đúng thị hiếu tò mò của người xem. Theo TS, nguyên nhân nào dẫn tới vấn nạn này?

img

Theo TS. Phạm Hải Chung, ai cũng có thể có thể rơi vào khủng hoảng vì tin tức giả mạo.

- Theo một thống kê mới nhất về YouTube năm 2017, tổng số người sử dụng YouTube trên toàn thế giới là 1,3 tỷ người. Mỗi một phút có khoảng 300 giờ video được up lên và trung bình gần 5 tỷ video được xem một ngày. Còn Facebook cũng tính tới năm 2017 có khoảng 1,8 tỷ tài khoản như vậy, trung bình một ngày có 300 triệu bức ảnh được đăng tải trên Facebook.

Một bài viết của một người viết blog (blogger), một người viết Facebook (facebooker) hay người sử dụng YouTube có thể có lượng đọc, xem hay tương tác lớn hơn một bài viết của báo chí chính thống.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, mạng xã hội và báo chí công dân đang lấn áp cả báo chí chính thống về lượng thông tin khổng lồ. Công chúng đang sống trong cái chợ tự do về thông tin. Chính vì vậy mà thông tin chưa được kiểm chứng, bị phát tán nhanh hơn cả thông tin chính thức, xác thực.

Tôi từng trả lời báo chí rằng, bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức nào đều có thể rơi vào khủng hoảng hình ảnh hay thương hiệu bởi những tin tức giả mạo (fake news) trong kỷ nguyên số. CNN cũng từng tiết lộ có khoảng 83 triệu tải khoản giả trên Facebook.

Không ít người dùng mạng xã hội từng nhiều lần trở thành nạn nhân của tin tức giả mạo và tin tức giả mạo đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Theo TS, tại sao tin giả vẫn có thể tồn tại trên mạng dù ngày cả Facebook cũng đang nỗ lực dùng nhiều biện pháp công nghệ để chống lại tin giả?

- Bản chất của mạng xã hội chỉ là nền tảng công nghệ, còn con người sử dụng nó vào mục đích gì là do mỗi cá nhân chúng ta. Khi chưa có Internet, mọi người có thể tung tin đồn để hãm hại uy tín cá nhân, hoặc với các mục đích kinh tế, chính trị. Ngày nay với ưu thế và tốc độ lan truyền nhanh của Internet, nhiều cá nhân và tổ chức sẽ tận dụng công cụ này vào các mục đích có tính toán.

Ngoài những mặt tích cực của Internet trong đời sống hiện đại, người dùng rất dễ hùa theo đám đông trên mạng với những lời đồn, tin tức giả mạo hay phát ngôn gây thù ghét. Nhiều người vô tình trở thành nạn nhân của các cuộc mát sát, làm nhục.

Ngày càng xuất hiện nhiều “anh hùng bàn phím” (từ dùng để chỉ những người luôn tự khoe mẽ bản thân hoặc kiến thức cá nhân một cách quá lố trên mạng, luôn phán xét tất cả mọi vấn đề một cách cực đoan và phiến diện-PV) tự cho mình quyền tự do Internet mà không nghĩ tới hậu quả, hay tính nhân văn với đồng loại.

img

Từ kinh nghiệm của cá nhân TS cũng như một số câu chuyện trong thực tế, TS có thể đánh giá về tác hại của tin giả đối với cộng đồng mạng nói riêng và xã hội nói chung khi có không ít người thiếu tỉnh táo bị cuốn vào trò chơi tung tin giả (fake news) ?

- Về phía cá nhân bị tung tin đồn giả, điều này có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín cá nhân, đời sống như trường hợp Fanpage Hot teen ở một thành phố miền Trung đã khiến một bạn nữ sinh tự tử. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tin đồn giả trên mạng xã hội có thể khiến họ làm ăn thua lỗ hoặc thậm chí dẫn tới phá sản và khi đã chứng minh được tin đồn không có thật thì đã quá muộn.

Về mặt tâm lý học, đám đông luôn cho mình tỉnh táo hơn cá nhân đơn lẻ. Họ tư duy cảm tính và chỉ dựa vào hình ảnh, một vài thông tin. Chính vì vậy, đôi khi chỉ với một bức tranh không hoàn chỉnh, hay một vài con số chưa được kiểm chứng, nhưng với mồi lửa của đám đông, đều có thể dẫn tới hậu quả khôn lường là một cơn hỏa hoạn lớn sẽ thiêu rụi tất cả trên đường đi của nó.

Những tin tức giả mạo được một hoặc một số người tạo ra với mục đích chính là trục lợi. Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân trong việc nhận diện tin giả mạo và giải pháp để đối phó với chúng?

img

Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng là nạn nhân của tin giả.

- Đối với báo chí, việc chạy theo tin sốt dẻo (scoops) và chạy đua hay khai thác tin tức từ mạng xã hội, rất nhiều trường hợp cũng đã vô tình tham gia phát tán những tin tức giả hoặc tin chưa được kiểm chứng. Vì thế, hiện rất nhiều tờ báo trên thế giới đã sử dụng các công cụ fact-checking để kiểm chứng thông tin.

Đối với các doanh nghiệp, việc xử lý thông tin và quản trị khủng hoảng đều được chú ý và ưu tiên. Nhiều doanh nghiệp hiện đang sử dụng công cụ social listening để đảm bảo sức khoẻ và hình ảnh thương hiệu. Công cụ này giúp quét các thông tin bất lợi cho doanh nghiệp trên internet, đặc biệt là mạng xã hội.

Đối với cá nhân người dùng, theo tôi mỗi người nên tự ý thức được những gì mình sẽ đưa lên mạng xã hội. Đó chính là tài sản trong căn nhà mở toang cửa của bạn, và một khi đã đưa lên mạng xã hội, ai cũng có thể vào và lấy nó đi với nhiều mục đích, tốt có, xấu có (tất nhiên nếu bạn để ở chế độ public). Với các thông tin bạn tiếp nhận từ mạng xã hội, cần phải tỉnh táo lựa chọn, chỉ nên tin tưởng các thông tin từ những nguồn rõ ràng, có uy tín và được kiểm chứng. Đừng gián tiếp góp phần chia sẻ những thông tin không rõ ràng, thất thiệt trên mạng xã hội.

Xin cảm ơn TS.

Theo quan điểm của TS, trước việc tin tức giả xuất hiện ngày một nhiều trên các trang mạng xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?

- Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về nhiều bên. Thứ nhất, luật pháp của mỗi quốc gia sẽ có nhưng quy định cụ thể trong bộ luật hình sự và dân sự để xử lý các trường hợp này.

Thứ hai, trách nhiệm đạo đức có thể xuất phát từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội gây ảnh hưởng hình ảnh tới cá nhân hay tổ chức người dùng. Ví dụ, Uỷ ban Châu Âu và 4 nhà cung cấp nền tảng mảng xã hội đã tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.

Thứ ba, do ý thức và vấn đề giáo dục đối với người dùng trong việc tự bảo vệ mình và tôn trọng người khác.

TS. Phạm Hải Chung hiện đang làm việc tại Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học Viện Báo chí & Tuyên truyền. Chị tốt nghiệp Tiến sĩ Chuyên ngành Truyền thông tại Đại học Bournemouth, Vương Quốc Anh và Thạc sỹ Báo chí Quốc tế tại Đại học Baptist, Hồng Kông.

TS. Phạm Hải Chung từng được  học bổng Santander, Phát triển nghiên cứu tại Đại học Yale, Mĩ (2013), Học giả Hinrich Foundation (2007) và có công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học quốc tế và các bài trình bày tại các hội thảo quốc tế về truyền thông.

Các lĩnh vực nghiên cứu của TS Phạm Hải Chung: Các xu hướng phát triển và các phương pháp mới trong nghiên cứu báo chí, truyền thông đặc biệt từ góc độ tâm lý, nhận diện cá nhân và văn hóa của giới trẻ cũng như hành vi sử dụng các phương tiện truyền thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem